Tìm kiếm Luật, Nghị định, Thông tư, Nghị quyết...

Thông tư số: 38/2017/TT-BTTTT hướng dẫn các cơ quan báo chí xây dựng chương trình, nội dung phổ biến kiến thức quốc phòng an ninh cho toàn dân

 

BỘ THÔNG TIN VÀ
TRUYN THÔNG
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 38/2017/TT-BTTTT

Hà Nội, ngày 13 tháng 12 năm 2017

 

THÔNG TƯ

HƯỚNG DẪN CÁC CƠ QUAN BÁO CHÍ XÂY DỰNG CHƯƠNG TRÌNH, NỘI DUNG PHỔ BIẾN KIẾN THỨC QUỐC PHÒNG VÀ AN NINH CHO TOÀN DÂN

Căn cứ Điều 39 Luật Giáo dục quốc phòng và an ninh ngày 19 tháng 6 năm 2013;

Căn cứ Luật Báo chí ngày 05 tháng 4 năm 2016;

Căn cứ Nghị định số 13/2014/NĐ-CP ngày 25 tháng 02 năm 2014 của Chính phủ quy định chi tiết và biện pháp thi hành Luật giáo dục quốc phòng và an ninh;

Căn cứ Quyết định số 1911/QĐ-TTg ngày 18 tháng 10 năm 2013 của Thủ tướng Chính phủ ban hành Kế hoạch triển khai thi hành Luật Giáo dục quốc phòng và an ninh;

Căn cứ Nghị định số 17/2017/NĐ-CP ngày 17 tháng 02 năm 2017 của Chính phủ quy định chức năng nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Thông tin và Truyền thông;

Theo đề nghị của Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ,

Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông ban hành Thông tư hướng dẫn các cơ quan báo chí xây dựng chương trình, nội dung phổ biến kiến thức quốc phòng và an ninh cho toàn dân.

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh

Thông tư này hướng dẫn các cơ quan báo chí xây dựng chương trình, nội dung phổ biến kiến thức quốc phòng và an ninh cho toàn dân quy định tại Điều 39 của Luật Giáo dục quốc phòng và an ninh.

Điều 2. Đối tượng áp dụng

1. Các cơ quan báo chí được cấp phép hoạt động hợp pháp tại Việt Nam.

2. Các cơ quan, đơn vị thuộc Bộ Thông tin và Truyền thông; Sở Thông tin và Truyền thông các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và các tổ chức, cá nhân có liên quan đến công tác phổ biến kiến thức quốc phòng và an ninh cho toàn dân trên các phương tiện thông tin đại chúng.

Điều 3. Giải thích từ ngữ

Trong Thông tư này, các thuật ngữ dưới đây được hiểu như sau:

1. Cơ quan báo chí trong Thông tư này là cơ quan báo chí theo quy định tại Luật Báo chí ngày 05 tháng 4 năm 2016.

2. Phương tiện thông tin đại chúng là phương tiện được cơ quan báo chí sử dụng để cung cấp, truyền dẫn thông tin tới đông đảo công chúng bao gồm các đài phát thanh, đài truyền hình, báo in, báo điện tử và trang/Cổng thông tin điện tử.

3. Phổ biến kiến thức quốc phòng và an ninh cho toàn dân là hoạt động nhằm tuyên truyền, phổ biến kiến thức cơ bản về quốc phòng và an ninh cho toàn dân trên các phương tiện thông tin đại chúng.

Điều 4. Nguyên tắc phổ biến kiến thức quốc phòng và an ninh cho toàn dân trên phương tiện thông tin đại chúng

1. Phổ biến kiến thức quốc phòng và an ninh cho toàn dân trên các phương tiện thông tin đại chúng phải được tiến hành thường xuyên, toàn diện, có trọng tâm, trọng điểm.

2. Hình thức, phương pháp phổ biến kiến thức quốc phòng và an ninh cho toàn dân trên các phương tiện thông tin đại chúng phải phù hợp với từng đối tượng, điều kiện kinh tế, chính trị, văn hóa vùng, miền và phong tục tập quán của địa phương.

3. Kết hợp chặt chẽ giữa công tác phổ biến kiến thức quốc phòng và an ninh cho toàn dân trên các phương tiện thông tin đại chúng với việc thi hành pháp luật về quốc phòng và an ninh.

4. Kết hợp, lồng ghép phổ biến kiến thức quốc phòng và an ninh cho toàn dân với các chương trình tuyên truyền, phổ biến, tập huấn giáo dục kiến thức pháp luật và các chương trình phổ biến kiến thức phù hợp khác.

Điều 5. Chương trình, nội dung phổ biến kiến thức quốc phòng về an ninh cho toàn dân trên phương tiện thông tin đại chúng

1. Phổ biến, tuyên truyền đường lối, quan điểm của Đảng về chiến lược bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới; đảm bảo giữ vững chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ của Việt Nam trên đất liền, trên không, trên biển và trên không gian mạng; giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội; phản ánh kịp thời các hoạt động thực hiện nhiệm vụ quốc phòng, quân sự địa phương, cổ vũ các hoạt động của lực lượng vũ trang nhân dân, động viên cán bộ, chiến sỹ thi đua phấn đấu hoàn thành tốt nhiệm vụ.

2. Phổ biến, tuyên truyền để nhân dân hiểu rõ các âm mưu, thủ đoạn hoạt động chống phá của các thế lực thù địch gây ảnh hưởng tới sự phát triển của đất nước; đồng thời tạo sự đồng tình, ủng hộ của đông đảo dư luận trong nước và ngoài nước đối với các hoạt động đấu tranh, trấn áp tội phạm.

3. Phổ biến, đăng tải các bài viết, các tài liệu có nội dung tốt nhằm đấu tranh với những quan điểm sai trái, thù địch, bảo vệ sự trong sáng và tính đúng đắn, khoa học của tư tưởng Hồ Chí Minh; đường lối, quan điểm của Đảng về quốc phòng, an ninh.

4. Phổ biến, tuyên truyền, nhân rộng những gương người tốt, việc tốt trong lực lượng vũ trang nhân dân và phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc; những gương điển hình tiên tiến, mô hình mới trên mặt trận bảo vệ trật tự an ninh.

5. Phổ biến kiến thức cơ bản về độc lập chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc; kiến thức cơ bản của pháp luật quốc phòng và an ninh, nhiệm vụ quốc phòng và an ninh trong từng thời kỳ.

6. Phổ biến, tuyên truyền về công tác phối hợp bảo vệ quốc phòng, an ninh với nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội và văn hóa. Vạch rõ âm mưu, thủ đoạn chống phá của các thế lực thù địch, đăng tải thông tin về việc xử lý các tổ chức, cá nhân vi phạm pháp luật về quốc phòng, an ninh.

7. Đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến hệ thống pháp luật về quốc phòng và an ninh, nâng cao ý thức trách nhiệm, tự giác thực hiện nhiệm vụ quốc phòng và an ninh bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.

Điều 6. Nhiệm vụ của các cơ quan báo chí trong hoạt động phổ biến kiến thức quốc phòng và an ninh cho toàn dân

1. Đài Truyền hình Việt Nam, Đài Tiếng nói Việt Nam, Thông tấn xã Việt Nam phối hợp với Bộ Quốc phòng, Bộ Công an và các cơ quan có liên quan xây dựng kế hoạch và triển khai các nội dung phổ biến kiến thức quốc phòng và an ninh cho toàn dân quy định tại Điều 5 Thông tư này.

2. Các cơ quan báo chí chủ động xây dựng chương trình, nội dung và tổ chức phổ biến kiến thức quốc phòng và an ninh cho toàn dân trên phương tiện thông tin đại chúng theo quy định tại Điều 5 Thông tư này.

3. Các cơ quan báo chí xây dựng chương trình, kế hoạch chuyên trang, chuyên mục về quốc phòng, an ninh; đa dạng hóa hình thức phổ biến kiến thức, tuân thủ nghiêm các quy định của pháp luật về quốc phòng, an ninh.

4. Phối hợp với cơ quan chức năng thuộc Bộ Quốc phòng, Bộ Công an tổ chức biên soạn hệ thống tài liệu, các nội dung phổ biến kiến thức quốc phòng, an ninh theo quy định tại Điều 5 Thông tư này.

Điều 7. Trách nhiệm của các Cơ quan nhà nước trong hoạt động phổ biến kiến thức quốc phòng và an ninh cho toàn dân

1. Bộ Thông tin và Truyền thông phối hợp với các cơ quan quản lý nhà nước có liên quan chỉ đạo, hướng dẫn các cơ quan báo chí xây dựng chương trình, nội dung và dành thời lượng phù hợp để tăng cường, nâng cao chất lượng phổ biến kiến thức quốc phòng và an ninh cho toàn dân; những quan điểm, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật Nhà nước về công tác quốc phòng, an ninh; nâng cao tinh thần cảnh giác, chủ động đấu tranh với các thủ đoạn âm mưu “diễn biến hòa bình” của các thế lực thù địch; tạo sự đồng thuận trong cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân đối với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; tích cực lồng ghép các nội dung tuyên truyền về giáo dục quốc phòng và an ninh vào các chương trình nhân kỷ niệm các ngày Lễ lớn của đất nước, của dân tộc.

2. Bộ Thông tin và Truyền thông phối hợp với Bộ Quốc phòng, Bộ Công an hướng dẫn Bộ Tư lệnh các quân khu; Bộ Chỉ huy quân sự các cấp; Công an, Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương cung cấp tài liệu, hỗ trợ các cơ quan báo chí địa phương thực hiện chương trình, nội dung phổ biến kiến thức quốc phòng và an ninh quy định tại Điều 5 Thông tư này.

3. Sở Thông tin và Truyền thông chủ trì, phối hợp với các cơ quan chức năng giúp Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương xây dựng chương trình, nội dung, tổ chức phổ biến kiến thức quốc phòng và an ninh cho toàn dân trên địa bàn quản lý; chỉ đạo các cơ quan báo chí trên địa bàn quản lý chú trọng đổi mới nội dung, hình thức phổ biến, tăng thời lượng các chuyên trang, chuyên mục phổ biến kiến thức quốc phòng và an ninh cho toàn dân.

Điều 8. Bảo đảm kinh phí thực hiện xây dựng chương trình, nội dung phổ biến kiến thức quốc phòng và an ninh cho toàn dân cho các Cơ quan báo chí

1. Kinh phí thực hiện xây dựng chương trình, nội dung phổ biến kiến thức quốc phòng và an ninh cho toàn dân cho các cơ quan báo chí được bố trí trong dự toán chi ngân sách hàng năm của các cơ quan, đơn vị và các nguồn vốn hợp pháp khác theo quy định của pháp luật.

2. Các cơ quan, đơn vị căn cứ nhiệm vụ được giao tại Thông tư này có trách nhiệm chủ động, phối hợp xây dựng dự toán kinh phí thực hiện xây dựng chương trình, nội dung phổ biến kiến thức quốc phòng và an ninh cho toàn dân trên các phương tiện thông tin đại chúng và tổng hợp chung vào dự toán ngân sách nhà nước của đơn vị, trình cấp có thẩm quyền quyết định theo quy định của pháp luật về ngân sách nhà nước.

Điều 9. Hiệu lực thi hành và trách nhiệm thực hiện

1. Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ 28 tháng 01 năm 2018

2. Chánh Văn phòng; Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ; Cục trưởng Cục Phát thanh, truyền hình và thông tin điện tử, Cục trưởng Cục Báo chí; Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị thuộc Bộ Thông tin và Truyền thông; Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, các cơ quan báo chí và các tổ chức, cá nhân có liên quan chịu trách nhiệm thực hiện Thông tư này./.

 

 

Nơi nhận:
- Thủ tướng và các Phó Thủ tướng Chính phủ (để b/c);
- Các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc CP;
- HĐND, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc TW;
- Văn phòng Trung ương và các Ban của Đảng;
- Văn phòng Tổng Bí thư;
- Văn phòng Chủ tịch nước;
- Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội;
- Văn phòng Quốc hội;
- Văn phòng Chính phủ;
- Tòa án nhân dân tối cao;
- Viện Kiểm sát nhân dân tối cao;
- Kiểm toán Nhà nước;
- Ủy ban Giám sát tài chính Quốc gia;
- Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam;
- Cơ quan Trung ương của các đoàn thể;
- Cục Kiểm tra văn bản QPPL;
- Sở TT&TT các tỉnh, thành phố trực thuộc TW;
- Công báo;
- Cổng thông tin điện tử Chính phủ;
- Bộ TTTT; Bộ trưởng và các Thứ trưởng; các cơ quan, đơn vị thuộc Bộ; Cổng TTĐT Bộ;
- Lưu: VT, TCCB, VMH (200).

BỘ TRƯỞNG




Trương Minh Tuấn

 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét