CHÍNH
PHỦ |
CỘNG
HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số:
35/2015/NĐ-CP |
Hà
Nội, ngày 13 tháng 04 năm 2015 |
NGHỊ ĐỊNH
VỀ QUẢN LÝ, SỬ DỤNG ĐẤT TRỒNG LÚA
Căn cứ Luật
Tổ chức Chính phủ ngày 25 tháng 12 năm 2001;
Căn cứ Luật
Đất đai ngày 29 tháng 11 năm 2013;
Căn cứ Nghị
quyết số 17/2011/QH13 ngày 22 tháng 11 năm 2011 của Quốc hội khóa XIII về Quy
hoạch sử dụng đất đến năm 2020 và Kế hoạch sử dụng đất 5 năm (2011 - 2015) cấp
Quốc gia;
Theo đề nghị
của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn,
Chính phủ ban
hành Nghị định về quản lý, sử dụng đất trồng lúa.
Chương I
QUY ĐỊNH CHUNG
Điều 1. Phạm vi điều chỉnh
Nghị định này quy định về quản lý và sử dụng có hiệu quả
đất trồng lúa; chính sách hỗ trợ địa phương trồng lúa để bảo vệ, phát triển đất
trồng lúa trên cả nước.
Điều 2. Đối tượng áp dụng
Các cơ quan, tổ
chức, hộ gia đình, cá nhân trong nước, tổ chức, cá nhân nước ngoài có liên quan
đến quản lý, sử dụng đất trồng lúa.
Điều 3. Giải thích từ ngữ
Trong Nghị định này
các từ ngữ dưới đây được hiểu như sau:
1. Đất trồng lúa
là đất có các điều kiện phù hợp để trồng lúa, bao gồm đất chuyên trồng lúa nước
và đất trồng lúa khác.
2. Đất chuyên
trồng lúa nước là đất trồng được hai vụ lúa nước trở lên trong năm.
3. Đất trồng lúa
khác bao gồm đất trồng lúa nước còn lại và đất trồng lúa nương.
4. Đất trồng lúa
nước còn lại là đất chỉ phù hợp trồng được một vụ lúa nước trong năm.
5. Gây ô nhiễm
đất trồng lúa là các hoạt động đưa vào trong đất các chất độc hại, vi sinh vật
và ký sinh trùng có hại làm thay đổi kết cấu, thành phần các chất của đất, làm
ảnh hưởng không có lợi đến sản xuất lúa, chất lượng lúa gạo, sức khỏe của con
người, động vật và môi trường.
6. Gây thoái hóa
đất trồng lúa là hoạt động làm cho đất lúa bị xói mòn, rửa trôi hoặc bị chua
hóa, mặn hóa, phèn hóa, khô hạn,... làm đất giảm độ phì và mất cân bằng dinh
dưỡng của đất trồng lúa, dẫn đến giảm năng suất lúa.
7. Làm biến dạng
mặt bằng đất trồng lúa là các hoạt động làm thay đổi mặt bằng của ruộng lúa,
làm ruộng lúa không đồng đều về kết cấu, thành phần dinh dưỡng và hệ vi sinh
vật dẫn đến không trồng được lúa.
8. Cây hàng năm
là loại cây được gieo trồng, cho thu hoạch và kết thúc chu kỳ sản xuất trong
thời gian không quá 01 (một) năm, kể cả cây hàng năm lưu gốc để thu hoạch không
quá 05 (năm) năm.
9. Cây lâu năm
là loại cây được gieo trồng một lần, sinh trưởng và cho thu hoạch trong nhiều
năm.
10. Kết hợp nuôi
trồng thủy sản trên đất trồng lúa là hình thức kết hợp giữa trồng lúa với nuôi
trồng thủy sản gồm: Trồng một vụ lúa và một vụ nuôi trồng thủy sản hoặc trồng
lúa đồng thời kết hợp với nuôi trồng thủy sản.
Chương II
QUẢN LÝ VÀ SỬ DỤNG ĐẤT TRỒNG LÚA
Điều 4. Chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất trồng lúa
1. Điều kiện chuyển đổi từ trồng lúa sang trồng cây hàng năm hoặc trồng lúa
kết hợp nuôi trồng thủy sản:
a) Không làm mất
đi các điều kiện phù hợp để trồng lúa trở lại: Không làm biến dạng mặt bằng,
không gây ô nhiễm, thoái hóa đất trồng lúa; không làm hư hỏng công trình giao
thông, công trình thủy lợi phục vụ trồng lúa;
b) Phù hợp với
kế hoạch chuyển đổi cơ cấu cây trồng từ trồng lúa sang trồng cây hàng năm hoặc
trồng lúa kết hợp nuôi trồng thủy sản trên đất trồng lúa của cấp xã (sau đây
gọi là kế hoạch chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất trồng lúa);
c) Trường hợp
trồng lúa đồng thời kết hợp với nuôi trồng thủy sản, cho phép sử dụng tối đa
20% diện tích đất trồng lúa để hạ thấp mặt bằng cho nuôi trồng thủy sản, nhưng
phục hồi lại được mặt bằng khi chuyển trở lại để trồng lúa.
2. Người sử dụng
đất đăng ký chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất trồng lúa với Ủy ban nhân dân
cấp xã. Ủy ban nhân dân cấp xã xem xét sự phù hợp với các điều kiện quy định
tại Khoản 1 Điều này khi tiếp nhận bản đăng ký và thống kê theo dõi việc sử
dụng đất trồng lúa.
3. Đất trồng lúa
được chuyển đổi cơ cấu cây trồng đáp ứng các quy định tại Khoản 1, Khoản 2 Điều
này vẫn được thống kê là đất trồng lúa, trừ diện tích đất trồng lúa được chuyển
đổi hoàn toàn sang trồng cây hàng năm hoặc nuôi trồng thủy sản.
4. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn hướng dẫn cụ thể Điều này.
Điều 5. Chuyển đất chuyên trồng lúa nước sang sử dụng vào mục đích phi nông
nghiệp
1. Người được
nhà nước giao đất, cho thuê đất để sử dụng vào mục đích phi nông nghiệp từ đất
chuyên trồng lúa nước phải thực hiện các quy định của pháp luật về đất đai và
phải nộp một khoản tiền để bảo vệ, phát triển đất trồng lúa.
2. Tùy theo điều
kiện cụ thể tại địa phương, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quyết định mức nộp cụ thể
nhưng không thấp hơn 50% số tiền được xác định theo diện tích đất chuyên trồng
lúa nước phải chuyển sang đất phi nông nghiệp nhân với giá của loại đất trồng
lúa tính theo Bảng giá đất tại thời điểm chuyển mục đích sử dụng đất.
3. Người được
nhà nước giao đất, cho thuê đất lập bản kê khai số tiền phải nộp, tương ứng với
diện tích đất chuyên trồng lúa nước được nhà nước giao, cho thuê và nộp vào
ngân sách cấp tỉnh theo quy định.
Điều 6. Trách nhiệm của người sử dụng đất trồng lúa
1. Sử dụng đúng
mục đích theo quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất trồng lúa đã được cơ quan có thẩm
quyền xét duyệt.
2. Sử dụng có
hiệu quả, không bỏ đất hoang, không làm ô nhiễm, thoái hóa đất trồng lúa.
Trường hợp vi phạm sẽ bị xử lý theo quy định của pháp luật về xử lý vi phạm
hành chính trong lĩnh vực đất đai.
3. Canh tác đúng
kỹ thuật, thực hiện luân canh, tăng vụ để nâng cao hiệu quả sản xuất; cải tạo,
làm tăng độ màu mỡ của đất trồng lúa, bảo vệ môi trường sinh thái.
4. Người sử dụng
đất trồng lúa thực hiện các quyền, nghĩa vụ của mình trong thời hạn sử dụng đất
theo quy định của pháp luật về đất đai và các quy định khác của pháp luật có
liên quan.
5. Khi chuyển
đổi cơ cấu cây trồng trên đất trồng lúa:
a) Phải đăng ký
với Ủy ban nhân dân cấp xã theo quy định tại Khoản 2 Điều 4 Nghị định này;
b) Không được
làm hư hỏng hệ thống thủy lợi, giao thông nội đồng và ảnh hưởng xấu tới việc
sản xuất lúa ở các khu vực liền kề;
c) Trường hợp
làm hư hỏng hệ thống thủy lợi, giao thông nội đồng phải có biện pháp khắc phục
kịp thời và phải bồi thường nếu gây ảnh hưởng xấu tới sản xuất lúa của các hộ ở
khu vực liền kề;
d) Trường hợp
đất bị nhiễm mặn tạm thời trong vụ nuôi trồng thủy sản nước mặn, thì phải có
biện pháp phục hồi để trồng vụ lúa ngay sau vụ nuôi trồng thủy sản.
6. Khi chuyển
đổi mục đích sử dụng đất trồng lúa:
a) Phải thực
hiện đúng các quy định của pháp luật về đất đai đối với điều kiện chuyển mục
đích sử dụng đất trồng lúa và quy định tại Điều 5 của Nghị định này;
b) Áp dụng các
biện pháp phòng, chống ô nhiễm, thoái hóa môi trường đất, nước, không làm ảnh
hưởng tới sản xuất lúa của khu vực liền kề. Trường hợp gây ảnh hưởng xấu phải
có biện pháp khắc phục kịp thời và phải bồi thường thiệt hại.
Chương III
CHÍNH SÁCH HỖ TRỢ ĐỂ BẢO VỆ VÀ PHÁT TRIỂN ĐẤT
TRỒNG LÚA
Điều 7. Hỗ trợ địa phương sản xuất lúa
1. Căn cứ vào
diện tích đất trồng lúa, ngân sách nhà nước ưu tiên hỗ trợ sản xuất lúa cho các
địa phương (gồm chi đầu tư và chi thường xuyên) thông qua định mức phân bổ ngân
sách nhà nước được cấp có thẩm quyền quyết định theo quy định của Luật Ngân
sách nhà nước.
2. Ngoài hỗ trợ
từ ngân sách nhà nước theo quy định hiện hành địa phương sản xuất lúa còn được
ngân sách nhà nước hỗ trợ như sau:
a) Hỗ trợ
1.000.000 đồng/ha/năm đối với đất chuyên trồng lúa nước;
b) Hỗ trợ
500.000 đồng/ha/năm đối với đất trồng lúa khác, trừ đất lúa nương được mở rộng
tự phát không theo quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất trồng lúa.
3. Diện tích đất
trồng lúa được hỗ trợ, được xác định theo số liệu thống kê đất đai của các
tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương do Bộ Tài nguyên và Môi trường công bố
của năm liền kề trước năm phân bổ ngân sách.
4. Hỗ trợ khai
hoang, cải tạo đất trồng lúa:
a) Hỗ trợ
10.000.000 đồng/ha đất trồng lúa, trừ đất trồng lúa nương được khai hoang từ
đất chưa sử dụng hoặc phục hóa từ đất bị bỏ hóa. Trường hợp có nhiều quy định
khác nhau, thì áp dụng nguyên tắc mỗi mảnh đất chỉ được hỗ trợ 1 lần, mức hỗ
trợ do Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quyết định;
b) Hỗ trợ
5.000.000 đồng/ha đất chuyên trồng lúa nước được cải tạo từ đất trồng lúa nước
một vụ hoặc đất trồng cây khác theo quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất trồng lúa.
5. Nguồn và cơ
chế hỗ trợ:
a) Đối với các
địa phương nhận bổ sung cân đối từ ngân sách trung ương và tỉnh Quảng Ngãi hỗ
trợ 100% kinh phí;
b) Đối với các
địa phương điều tiết các khoản thu phân chia về ngân sách trung ương dưới 50%
được hỗ trợ 50% kinh phí;
c) Các địa phương
còn lại sử dụng ngân sách địa phương để thực hiện.
6. Ủy ban nhân
dân cấp tỉnh quản lý, phân bổ nguồn ngân sách được hỗ trợ để thực hiện bảo vệ,
phát triển đất trồng lúa.
Điều 8. Sử dụng kinh phí hỗ trợ
Ủy ban nhân dân
các cấp sử dụng kinh phí do người được nhà nước giao đất, cho thuê đất để sử
dụng vào mục đích phi nông nghiệp từ đất chuyên trồng lúa nước nộp và nguồn
kinh phí hỗ trợ theo quy định tại Khoản 2 Điều 7 của Nghị định này để thực hiện
bảo vệ, phát triển đất trồng lúa phù hợp điều kiện của địa phương:
1. Quy hoạch,
lập bản đồ các vùng đất chuyên trồng lúa nước có năng suất, chất lượng cao phù
hợp quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất; công bố công khai để thực hiện.
2. Phân tích
chất lượng hóa, lý tính của các vùng đất chuyên trồng lúa nước có năng suất,
chất lượng cao định kỳ 10 năm để sử dụng hiệu quả và có biện pháp cải tạo phù
hợp.
3. Cải tạo nâng
cao chất lượng đất chuyên trồng lúa nước hoặc đất trồng lúa nước còn lại: Tăng
độ dày của tầng canh tác; tôn cao đất trồng lúa trũng, thấp; tăng độ bằng phẳng
mặt ruộng; bón phân hữu cơ, phân hữu cơ vi sinh, bón vôi; thau chua, rửa mặn
đối với đất bị nhiễm phèn, mặn và các biện pháp cải tạo đất khác.
4. Đầu tư xây
dựng, duy tu bảo dưỡng các công trình hạ tầng nông nghiệp, nông thôn trên địa
bàn xã, trong đó ưu tiên đầu tư hệ thống giao thông, thủy lợi trên đất trồng
lúa.
5. Khai hoang,
phục hóa đất chưa sử dụng thành đất chuyên trồng lúa nước hoặc đất trồng lúa
nước còn lại.
6. Hỗ trợ trực
tiếp cho người trồng lúa để áp dụng giống mới, tiến bộ kỹ thuật, công nghệ mới
trong sản xuất lúa; hỗ trợ liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm.
Chương IV
TỔ CHỨC THỰC HIỆN
Điều 9. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn
1. Chỉ đạo tổ
chức sản xuất lúa và chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất trồng lúa theo quy
định tại Nghị định này và các văn bản khác có liên quan.
2. Hướng dẫn thực hiện các nội dung quy định tại Điều 4 của Nghị định này.
3. Xây dựng đề
án, chính sách hỗ trợ chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất trồng lúa trình cấp
có thẩm quyền phê duyệt.
Điều 10. Bộ Tài nguyên và Môi trường
1. Tổng hợp, cân
đối nhu cầu sử dụng đất trồng lúa của các Bộ, ngành và của các tỉnh, thành phố
trực thuộc Trung ương; dự kiến phân bổ các chỉ tiêu sử dụng đất trồng lúa cấp
quốc gia đến từng vùng kinh tế - xã hội và đơn vị hành chính cấp tỉnh, trong đó
xác định rõ nhu cầu sử dụng đất từ đất trồng lúa, diện tích đất trồng lúa
chuyển mục đích sử dụng.
2. Hướng dẫn Ủy
ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương xác định cụ thể diện
tích, ranh giới đất trồng lúa ngoài thực địa, lập bản đồ đất trồng lúa.
3. Hàng năm tổng
hợp báo cáo Thủ tướng Chính phủ về tình hình quản lý và sử dụng đất trồng lúa
của các địa phương.
4. Chủ trì, phối
hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và các Bộ, ngành có liên quan
thanh tra, kiểm tra việc quản lý và sử dụng đất trồng lúa tại địa phương trên
cả nước.
Điều 11. Bộ Tài chính
1. Cân đối nguồn
ngân sách chi thường xuyên để hỗ trợ cho các địa phương sản xuất lúa.
2. Chủ trì, phối
hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phân bổ
vốn ngân sách cho các địa phương sản xuất lúa.
3. Chủ trì, phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn hướng dẫn
việc nộp, quản lý, phân bổ nguồn thu theo quy định tại Điều 5 và nguồn kinh phí
hỗ trợ theo quy định tại Khoản 2 Điều 7 của Nghị định này.
Điều 12. Các Bộ, ngành khác
Các Bộ, ngành
khác theo chức năng, nhiệm vụ được giao có trách nhiệm phối hợp với Bộ Nông
nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Tài chính, Bộ
Kế hoạch và Đầu tư thực hiện các quy định có liên quan tại Nghị định này.
Điều 13. Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương
1. Thực hiện các
nội dung về quản lý, sử dụng đất trồng lúa của địa phương theo quy định của
Nghị định này và các văn bản pháp luật khác có liên quan.
2. Tổ chức công bố công khai và quản lý chặt chẽ quy hoạch, kế hoạch sử
dụng đất trồng lúa của địa phương đã được xét duyệt; xác định ranh giới, lập
bản đồ diện tích đất trồng lúa, vùng đất chuyên trồng lúa nước có năng suất
cao, chất lượng cao.
3. Chủ tịch Ủy
ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chịu trách nhiệm trước pháp
luật và Chính phủ về việc bảo vệ diện tích, chỉ giới, chất lượng đất trồng lúa
theo quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất trồng lúa đã được phê duyệt.
4. Xác định các loại cây trồng hàng năm hoặc loại thủy sản phù hợp cho
chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất trồng lúa tại địa phương theo quy định tại
Nghị định này. Chỉ đạo các cơ quan chuyên môn xây dựng kế hoạch và tổ chức thực
hiện chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất trồng lúa của địa phương.
5. Căn cứ điều
kiện cụ thể của địa phương, quyết định chính sách hỗ trợ khác ngoài quy định
tại Nghị định này để quản lý và sử dụng đất trồng lúa có hiệu quả.
6. Hàng năm báo cáo Bộ Tài nguyên và Môi trường về tình hình quản lý và sử
dụng đất trồng lúa của địa phương; báo cáo Hội đồng nhân dân cùng cấp việc phân
bổ, sử dụng nguồn kinh phí thực hiện bảo vệ, phát triển đất trồng lúa.
7. Thanh tra,
kiểm tra việc thực hiện quản lý và sử dụng đất trồng lúa của địa phương.
Chương V
ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH
Điều 14. Điều khoản chuyển tiếp
Chính sách hỗ
trợ cho địa phương sản xuất lúa và hỗ trợ cho người sản xuất lúa theo quy định
tại Điều 10, Điều 11 Nghị định số 42/2012/NĐ-CP tiếp tục được thực hiện đến hết
ngày 31 tháng 12 năm 2015.
Điều 15. Điều khoản thi hành
1. Nghị định này
thay thế Nghị định số 42/2012/NĐ-CP ngày 11 tháng 5 năm 2012 về quản lý và sử
dụng đất trồng lúa và có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01 tháng 7 năm 2015.
2. Các Bộ
trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch
Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, các tổ chức, cá nhân
liên quan chịu trách nhiệm thi hành Nghị định này./.
Nơi nhận: |
TM.
CHÍNH PHỦ |
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét