CHÍNH
PHỦ |
CỘNG
HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số:
52/2019/NĐ-CP |
Hà
Nội, ngày 14 tháng 6 năm 2019 |
NGHỊ ĐỊNH
QUY ĐỊNH CHI TIẾT MỘT SỐ ĐIỀU CỦA
LUẬT ĐẶC XÁ
Căn cứ Luật tổ chức Chính phủ ngày 19 tháng 6 năm 2015;
Căn cứ Luật Đặc xá ngày 19 tháng 11 năm 2018;
Theo đề nghị của Bộ trưởng Bộ Công an;
Chính phủ ban hành Nghị định quy định chi tiết một số
điều của Luật Đặc xá.
Chương I
QUY ĐỊNH CHUNG
Điều 1. Phạm vi điều chỉnh
Nghị định này quy định chi tiết Điều 11,
Điều 19, khoản 1 Điều 21 của Luật Đặc xá về thực hiện Quyết định về đặc xá,
điều kiện, hồ sơ đề nghị đặc xá, thực hiện Quyết định đặc xá đối với người nước
ngoài, trình tự, thủ tục lập hồ sơ, danh sách người đủ điều kiện được đề nghị
đặc xá và thẩm định hồ sơ đề nghị đặc xá.
Điều 2. Đối tượng áp dụng
1. Người đang chấp hành án phạt tù có thời hạn, người bị
kết án phạt tù chung thân nhưng đã được giảm xuống tù có thời hạn, người đang
được tạm đình chỉ chấp hành án phạt tù (sau đây gọi chung là người bị kết án
phạt tù).
2. Cơ quan, tổ chức, công dân nước Cộng hòa xã hội chủ
nghĩa Việt Nam; người nước ngoài cư trú ở Việt Nam, tổ chức nước ngoài, tổ chức
quốc tế hoạt động trên lãnh thổ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam có liên
quan đến hoạt động đặc xá.
Chương II
QUY ĐỊNH CỤ THỂ
Điều 3. Thực hiện Quyết định về đặc xá
Khi có Quyết định về đặc xá và Quyết định thành lập Hội
đồng tư vấn đặc xá của Chủ tịch nước, Bộ Công an chủ trì, phối hợp với Bộ Quốc
phòng, Tòa án nhân dân
tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao và các cơ quan, tổ chức liên quan giúp
Chính phủ, Hội đồng tư vấn đặc xá triển khai thực hiện Quyết định về đặc xá,
Quyết định thành lập Hội đồng tư vấn đặc xá.
Điều 4. Các điều kiện của người được đề
nghị đặc xá
1. Người bị kết án phạt tù có nhiều tiến bộ, có ý thức cải
tạo tốt và được xếp loại chấp hành án phạt tù khá hoặc tốt theo quy định của pháp luật về thi
hành án hình sự quy định tại điểm a khoản 1 Điều 11 Luật Đặc xá
là người đã chấp hành nghiêm Nội quy trại giam, trại tạm giam, nhà tạm giữ, tích cực học
tập, lao động, cải tạo và các quý đã đủ thời gian xếp loại trong quá trình chấp
hành án phạt tù được xếp loại khá hoặc tốt.
2. Người bị kết án phạt tù đã thi hành xong nghĩa vụ trả
lại tài sản, bồi thường thiệt hại, nghĩa vụ dân sự khác quy định tại điểm đ khoản 1 Điều 11 Luật Đặc xá là người thuộc một trong các
trường hợp sau:
a) Đã thi hành xong nghĩa vụ trả lại tài sản, bồi thường thiệt hại,
nghĩa vụ dân sự khác theo bản án, quyết định của Tòa án;
b) Có quyết định đình chỉ thi hành án của Thủ trưởng cơ
quan thi hành án dân sự có thẩm quyền;
c) Có văn bản đề nghị của người được thi hành án hoặc đại
diện hợp pháp của người
được thi hành án về việc không phải thi hành nghĩa vụ trả lại tài sản, bồi
thường thiệt hại, nghĩa vụ dân sự khác theo bản án, quyết định của Tòa án đối
với tài sản không thuộc sở hữu nhà nước.
3. Người bị kết án phạt tù đã thi hành được một phần nghĩa
vụ tài sản, bồi thường thiệt hại, nghĩa vụ dân sự khác nhưng do lâm vào hoàn
cảnh kinh tế đặc biệt khó khăn thuộc trường hợp chưa có điều kiện thi hành tiếp
phần còn lại là trường hợp người đó và gia đình không còn tài sản để thi hành
án hoặc có tài sản nhưng giá trị tài sản chỉ đủ để thanh toán chi phí cưỡng chế
thi hành án hoặc tài sản theo quy định của pháp luật không được kê biên, xử lý
để thi hành án và không có thu nhập hoặc có thu nhập chỉ bảo đảm cuộc sống tối
thiểu cho người phải thi hành án, người mà họ có trách nhiệm nuôi dưỡng.
4. Người bị kết án phạt tù đã lập công lớn trong thời gian chấp hành án phạt
tù quy định tại điểm a khoản 3 Điều 11 Luật Đặc xá là người
thuộc một trong các trường hợp sau:
a) Đã có hành động giúp trại giam, trại tạm giam, cơ quan thi hành án hình sự Công an cấp
huyện, cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng hình sự phát hiện, truy bắt, điều
tra, xử lý tội phạm;
b) Cứu được tính mạng người khác hoặc tài sản lớn (có giá
trị từ 50 triệu đồng trở lên) của Nhà nước, của tập thể, của công dân trong
thiên tai, hỏa hoạn;
c) Có những phát minh, sáng kiến có giá trị lớn hoặc thành
tích đặc biệt xuất sắc khác được trại giam, trại tạm giam, cơ quan thi hành án hình sự Công
an cấp huyện xác nhận.
Người đã có quyết định thi hành án phạt tù lập công lớn
trong thời gian chờ đưa đến trại giam, trại tạm giam, cơ quan thi hành án hình
sự Công an cấp huyện để chấp hành án phạt tù cũng được coi là lập công lớn
trong thời gian chấp hành án phạt tù.
5. Người bị kết án phạt tù đang mắc bệnh hiểm nghèo quy
định tại điểm c khoản 3 Điều 11 Luật Đặc xá là người mắc một
trong các bệnh: Ung thư giai đoạn cuối; liệt; lao nặng kháng thuốc; xơ gan cổ trướng; suy tim độ III trở
lên; suy thận độ IV trở lên; bệnh HIV giai đoạn lâm sàng IV đang có nhiễm trùng cơ hội, không có
khả năng tự phục vụ bản thân và có tiên lượng xấu, nguy cơ tử vong cao hoặc mắc
bệnh khác mà được Hội đồng giám định y khoa hoặc bệnh viện cấp tỉnh, cấp quân
khu trở lên kết luận bằng văn bản là không tự phục vụ bản thân, nguy cơ tử vong
cao.
6. Người bị kết án phạt tù đang ốm đau thường xuyên mà không tự phục vụ bản
thân quy định tại điểm c khoản 3 Điều 11 Luật Đặc xá là
người đang phải nằm điều trị tại bệnh xá, bệnh viện liên tục từ 03 tháng trở lên hoặc không liên tục nhưng
phải nằm điều trị tại bệnh viện từ ba lần trở lên, mỗi lần từ 01 tháng trở lên,
không tự phục vụ bản thân, có kết luận bằng văn bản của Hội đồng giám định y
khoa hoặc bệnh viện cấp
tỉnh, cấp quân khu trở
lên.
7. Người bị kết án phạt tù có hoàn cảnh gia đình đặc biệt
khó khăn và bản thân là lao động duy nhất trong gia đình quy định tại điểm e khoản 3 Điều 11 Luật Đặc xá là trường hợp gia đình của
người bị kết án phạt tù đang lâm vào hoàn cảnh kinh tế đặc biệt khó khăn do tai
nạn, ốm đau, thiên tai, hỏa hoạn
hoặc sự kiện bất khả kháng khác dẫn đến không còn tài sản gì đáng kể, không có
thu nhập hoặc thu nhập dưới mức chuẩn hộ nghèo hoặc có bố đẻ, mẹ đẻ, vợ, chồng,
con ốm nặng kéo dài, không có người chăm sóc mà người đó là lao động duy nhất
trong gia đình, được Ủy ban nhân dân cấp xã nơi gia đình người đó cư trú xác
nhận là đúng.
Điều 5. Hồ sơ đề nghị đặc xá
Hồ sơ đề nghị đặc xá bao gồm các văn bản, tài liệu quy định
tại Điều 14 Luật Đặc xá, cụ thể như sau:
1. Đơn đề nghị đặc xá của người bị kết án phạt tù theo mẫu
của Hội đồng tư vấn đặc xá ban hành trong mỗi đợt đặc xá.
2. Bản cam kết của người bị kết án phạt tù về việc không vi
phạm pháp luật, tiếp tục chấp hành nghĩa vụ trả lại tài sản, bồi thường thiệt hại, nghĩa vụ dân sự khác nếu
chưa thi hành xong và chấp hành các hình phạt bổ sung khác (nếu có) theo mẫu
của Hội đồng tư vấn đặc xá như: Cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm
công việc nhất định; cấm cư trú; quản chế; tước một số quyền công dân; tịch thu
tài sản; trục xuất.
3. Đối với trường hợp người bị kết án phạt tù là người đã
lập công lớn trong thời gian chấp hành án phạt tù, người có công với cách mạng,
thân nhân của người có công với cách mạng; người đang mắc bệnh hiểm nghèo,
người đang ốm đau thường xuyên mà không tự phục vụ bản thân; khi phạm tội là
người dưới 18 tuổi; người dưới 18 tuổi đang chấp hành án phạt tù; người từ đủ
70 tuổi trở lên; phụ nữ có thai hoặc có con dưới 36 tháng tuổi đang ở với mẹ
trong trại giam, trại tạm giam, nhà tạm giữ; người có hoàn cảnh gia đình đặc
biệt khó khăn và bản thân là lao động duy nhất trong gia đình; người khuyết tật
nặng hoặc khuyết tật đặc biệt nặng; người có khó khăn trong nhận thức, làm chủ
hành vi thì phải có tài liệu chứng minh sau đây tương ứng với từng trường hợp:
a) Bản tường trình về lập công của người bị kết án phạt tù; đề nghị bằng văn
bản khen thưởng cho người bị kết án phạt tù của cán bộ trại giam, trại tạm
giam, cơ quan thi hành án hình sự Công an cấp huyện hoặc Cơ quan điều tra sử dụng người bị kết án
phạt tù để phục vụ công tác điều tra; xác nhận hoặc bản sao quyết định khen
thưởng về việc người bị kết án phạt tù lập công lớn trong quá trình chấp hành
án phạt tù của Giám thị trại giam, Giám thị trại tạm giam, Thủ trưởng cơ quan
thi hành án hình sự Công an cấp huyện hoặc Cơ quan điều tra sử dụng người bị
kết án phạt tù để phục vụ công tác điều tra;
b) Tài liệu chứng minh người bị kết án phạt tù là người có
công với cách mạng theo quy định
của pháp luật về ưu đãi người có công với cách mạng; bản sao quyết định tặng
thưởng danh hiệu Anh hùng Lao động, Dũng sĩ trong kháng chiến chống Mỹ cứu
nước; bản sao Huân chương, Huy chương Kháng chiến;
Trường hợp người bị kết án phạt tù là cha, mẹ, vợ, chồng,
con của liệt sĩ, người có công giúp đỡ cách mạng được tặng Kỷ niệm chương “Tổ
quốc ghi công” hoặc Bằng “Có công với nước” hoặc người có công nuôi dưỡng liệt
sĩ khi còn nhỏ phải có giấy xác nhận hoặc bản sao giấy tờ chứng minh do Ủy ban nhân
dân cấp xã nơi người bị kết án phạt tù cư trú trước khi phạm tội hoặc đơn vị
nơi người bị kết án phạt tù đã công tác, học tập trước khi phạm tội xác nhận.
Trường hợp người bị kết án phạt tù là bố nuôi, mẹ nuôi, con nuôi hợp pháp của liệt sĩ, người có
công giúp đỡ cách mạng được tặng Kỷ niệm chương “Tổ quốc ghi công” hoặc Bằng
“Có công với nước” hoặc con nuôi hợp pháp của “Bà mẹ Việt Nam anh hùng” phải có xác nhận hoặc bản
sao Giấy chứng nhận nuôi con nuôi của Ủy ban nhân dân cấp xã nơi người bị kết
án phạt tù cư trú hoặc Ủy ban nhân dân cấp xã nơi liệt sĩ cư trú trước khi hy
sinh, nơi cư trú của Bà mẹ Việt Nam anh hùng;
c) Kết luận của Hội đồng giám định y khoa hoặc bản sao bệnh
án, kết luận của bệnh viện cấp tỉnh, cấp quân khu trở lên đối với người bị kết
án phạt tù đang mắc bệnh hiểm nghèo hoặc đang ốm đau thường xuyên, người bị kết
án phạt tù đang có
thai;
Các tài liệu chứng minh người bị kết án phạt tù bị bệnh
hiểm nghèo hoặc ốm đau thường xuyên chỉ có giá trị trong thời gian 06 tháng, tính đến ngày Hội đồng
xét đề nghị đặc xá của trại giam, trại tạm giam, cơ
quan thi hành án hình sự Công an cấp huyện họp xem xét, lập hồ sơ đề nghị đặc
xá;
d) Bản sao giấy khai sinh hoặc bản trích sao phần bản án đối với người bị kết án phạt tù
khi phạm tội là người dưới 18 tuổi, người dưới 18 tuổi đang chấp hành án phạt
tù, người từ đủ 70 tuổi trở lên;
đ) Bản sao giấy khai sinh hoặc bản sao giấy chứng sinh của con để xác định người bị kết
án phạt tù là phụ nữ có con dưới 36 tháng tuổi đang ở với mẹ trong trại giam,
trại tạm giam, nhà tạm giữ;
e) Bản sao giấy xác nhận khuyết tật nặng, đặc biệt nặng do
Ủy ban nhân dân cấp xã nơi người bị kết án phạt tù cư trú trước khi thi hành án
hoặc Ủy ban nhân dân cấp xã nơi người bị kết án phạt tù chấp hành án; bản sao
Quyết định của Tòa án có thẩm quyền tuyên bố người bị kết án phạt tù có khó
khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi theo quy định của pháp luật dân sự;
g) Văn bản của cơ quan thi hành án dân sự có thẩm quyền xác nhận người bị kết án phạt
tù đã thi hành được một phần nghĩa vụ trả lại tài sản, bồi thường thiệt hại,
nghĩa vụ dân sự khác theo bản án, quyết định của Tòa án nhưng lâm vào hoàn cảnh
kinh tế đặc biệt khó khăn thuộc trường hợp chưa có điều kiện thi hành tiếp phần
còn lại theo quy định của pháp luật về thi hành án dân sự và quyết định về việc
chưa có điều kiện thi hành án.
4. Bản chính hoặc bản sao văn bản, tài liệu thể hiện việc
người bị kết án chấp hành xong hình phạt bổ sung là phạt tiền, nộp án phí,
nghĩa vụ trả lại tài sản, bồi thường thiệt hại, nghĩa vụ dân sự khác như: Các
biên lai, hóa đơn, chứng từ thể hiện việc này hoặc Quyết định miễn hình phạt
tiền, miễn nộp án phí của Tòa án, Quyết định đình chỉ thi hành án của Thủ
trưởng cơ quan thi hành án dân sự có thẩm quyền hoặc văn bản thỏa thuận của
người được thi hành án hoặc đại diện hợp pháp của người đó về việc không phải thi hành nghĩa vụ trả lại
tài sản, bồi thường thiệt hại, nghĩa vụ dân sự khác theo bản án, Quyết định của
Tòa án được Ủy ban nhân dân cấp xã nơi cư trú hoặc cơ quan thi hành án dân sự
đang thụ lý vụ việc đó xác nhận hoặc các văn bản, tài liệu khác thể hiện việc
này.
5. Bản chính hoặc bản sao văn bản của người được thi hành
án đồng ý cho người bị kết án phạt tù hoãn thi hành hoặc không phải thi hành
nghĩa vụ trả lại tài sản, bồi thường thiệt hại, nghĩa vụ dân sự khác đối với
tài sản không thuộc sở hữu của Nhà nước.
6. Đối với người bị kết án phạt tù là người nước ngoài phải
có bản sao Hộ chiếu hoặc giấy tờ có giá trị đi lại
quốc tế và thị thực nhập cảnh (nếu có).
7. Văn bản đề nghị đặc xá của Hội đồng xét, đề nghị đặc xá
của trại giam, trại tạm giam, Cơ quan thi hành án hình sự Công an cấp huyện,
Tòa án nhân dân cấp tỉnh hoặc Tòa án quân sự cấp quân khu theo mẫu do Hội đồng
tư vấn đặc xá ban hành trong mỗi đợt đặc xá.
8. Đối với người bị kết án phạt tù đang được tạm đình chỉ
chấp hành án phạt tù thì ngoài các tài liệu quy định tại khoản 1, 2, 3, 4, 5,
6, 7 của Điều này còn phải có quyết định tạm đình chỉ chấp hành án phạt tù; văn bản
nhận xét của Ủy ban nhân dân cấp xã, đơn vị quân đội được giao quản lý người đó
về việc chấp hành
nghiêm chỉnh pháp luật trong thời gian được tạm đình chỉ chấp hành án phạt tù.
Điều 6. Thực hiện Quyết định đặc xá đối
với người nước ngoài
1. Khi có Quyết định đặc xá đối với người nước ngoài, Cơ
quan quản lý thi hành án hình sự thuộc Bộ Công an, Bộ Quốc phòng chủ trì, phối hợp với Cục Lãnh sự,
Bộ Ngoại giao thông báo ngay cho cơ quan đại diện ngoại giao, cơ quan lãnh sự
của nước mà người được đặc xá là công dân biết và đề nghị phối hợp thực hiện
Quyết định đặc xá.
2. Sau khi công bố Quyết định đặc xá, trại giam, trại tạm giam, cơ quan thi
hành án hình sự Công an cấp huyện trả tự do cho người nước ngoài theo Quyết
định đặc xá và thông báo cho Cục Lãnh sự, Bộ Ngoại giao hoặc cơ quan khác được
Bộ Ngoại giao ủy quyền để thông báo cho cơ quan đại diện ngoại giao, cơ quan
lãnh sự của nước mà người được đặc xá là công dân biết.
3. Người nước ngoài được đặc xá trong thời gian chờ làm các
thủ tục xuất cảnh theo quy định của pháp luật về nhập cảnh, xuất cảnh, quá
cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam được Thủ trưởng Cơ quan quản lý
thi hành án hình sự thuộc Bộ
Công an, Bộ Quốc phòng xem xét, quyết định cho lưu trú tại cơ sở lưu trú.
Quyết định người nước ngoài được đặc xá lưu trú tại cơ sở
lưu trú được gửi tới Cục Lãnh sự, Bộ Ngoại giao hoặc cơ quan khác được Bộ Ngoại
giao ủy quyền để thông báo cho cơ quan đại diện ngoại giao, cơ quan lãnh sự của
nước mà người được đặc xá là công dân và được thực hiện ngay.
4. Trại giam, trại tạm giam, cơ quan thi hành án hình sự
Công an cấp huyện có trách nhiệm bàn giao người nước ngoài được đặc xá cho cơ
sở lưu trú theo quy định của pháp luật về thi hành án hình sự và quyết định
người nước ngoài được đặc xá lưu trú tại cơ sở lưu trú.
5. Việc tổ chức quản lý và các chế độ đối với người nước
ngoài được đặc xá lưu trú tại cơ sở lưu trú thực hiện theo quy định về tổ chức
quản lý và các chế độ đối với người lưu trú trong thời gian chờ xuất cảnh theo
quy định của pháp luật về thi hành án hình sự.
6. Khi đã đầy đủ các thủ tục xuất cảnh, Cơ quan quản lý thi
hành án hình sự thuộc Bộ Công an, Bộ Quốc phòng chủ trì, phối hợp với Cục Lãnh
sự, Bộ Ngoại giao hoặc cơ quan khác được Bộ Ngoại giao ủy quyền thông báo và đề
nghị cơ quan đại diện ngoại giao, cơ quan lãnh sự của nước mà người được đặc xá
là công dân biết để
phối hợp thực hiện.
Điều 7. Trình tự, thủ tục lập hồ sơ,
danh sách người đủ điều kiện được đề nghị đặc xá
1. Trong thời hạn 05 ngày kể từ ngày Quyết định về đặc xá
được niêm yết, phổ biến, Giám thị trại giam, Giám thị trại tạm giam, Thủ trưởng
cơ quan thi hành án hình sự Công an cấp huyện tổ chức cho người bị kết án phạt
tù viết Đơn đề nghị đặc xá và Bản cam kết theo mẫu.
2. Sau khi nhận được đơn đề nghị đặc xá của người đủ điều kiện được đề nghị đặc xá, Giám
thị trại giam, Giám thị trại tạm giam, Thủ trưởng cơ quan thi hành án hình sự
Công an cấp huyện tổ chức cho tập thể đội (tổ) phạm nhân họp bình xét, bỏ phiếu
kín, giới thiệu người được đề nghị đặc xá nếu có đội (tổ) phạm nhân. Cán bộ
quản giáo phụ trách đội
(tổ) phạm nhân có trách nhiệm tổng hợp kết quả cuộc họp bằng biên bản và đề
xuất ý kiến về việc đề nghị đặc xá đối với người bị kết án phạt tù do mình phụ
trách.
3. Căn cứ quy định của pháp luật về đặc xá, Quyết định về
đặc xá và kết quả cuộc họp của đội (tổ) phạm nhân, Giám thị trại giam, Giám thị
trại tạm giam, Thủ trưởng cơ quan thi hành án hình sự Công an cấp huyện lập
danh sách, hồ sơ của người đủ điều kiện được đề nghị đặc xá.
Điều 8. Thẩm định hồ sơ đề nghị đặc xá
1. Tổ thẩm định liên ngành trực tiếp làm việc với Giám thị
trại giam, Giám thị trại
tạm giam thuộc Bộ Công an, Thủ trưởng cơ quan thi hành án hình sự Công an cấp
tỉnh, Thủ trưởng cơ quan thi hành án hình sự Bộ Quốc phòng, Chánh án Tòa án
nhân dân cấp tỉnh, Chánh án Tòa án quân sự cấp quân khu để nghe báo cáo kết quả
xét đề nghị đặc xá và thẩm định hồ sơ, danh sách người đủ điều kiện được đề
nghị đặc xá.
2. Khi thẩm định hồ sơ, danh sách người đủ điều kiện được
đề nghị đặc xá, thành viên tổ thẩm định liên ngành phải đối chiếu văn bản đề
nghị đặc xá với hồ sơ gốc của người đang chấp hành án phạt tù có thời hạn,
người bị kết án phạt tù chung thân nhưng đã được giảm xuống tù có thời hạn và hồ sơ của người
đang được tạm đình chỉ chấp hành án phạt tù bảo đảm chính xác, đúng đối tượng,
điều kiện.
3. Sau khi thẩm định từng hồ sơ, thành viên Tổ thẩm định
liên ngành có trách nhiệm ghi rõ vào phần ý kiến của Tổ thẩm định liên ngành
trong văn bản đề nghị đặc xá. Trường hợp không đủ điều kiện đề nghị đặc xá phải
ghi rõ lý do.
Trường hợp còn vướng mắc hoặc phải cân nhắc kỹ thì thành viên Tổ thẩm định liên
ngành báo cáo và đưa ra Tổ thẩm định liên ngành thống nhất, quyết định. Trường
hợp không thống nhất được thì phải lấy biểu quyết của các thành viên, ghi rõ tỷ
lệ đồng ý đề nghị đặc xá và tỷ lệ không đồng ý đề nghị đặc xá của các thành viên vào phần ý kiến của Tổ
thẩm định liên ngành trong văn bản đề nghị đặc xá.
Chương III
ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH
Điều 9. Hiệu lực thi hành
Nghị định này có hiệu lực thi hành từ ngày 01 tháng 8 năm
2019.
Nghị định số 76/2008/NĐ-CP ngày 04 tháng 7 năm 2008 của
Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Đặc xá năm 2007 hết hiệu lực kể từ ngày Nghị định này có
hiệu lực thi hành.
Điều 10. Trách nhiệm thi hành
Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, Thủ trưởng cơ quan
thuộc Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương
và các tổ chức, cá nhân có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Nghị định này./.
Nơi nhận: |
TM.
CHÍNH PHỦ |
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét