Tìm kiếm Luật, Nghị định, Thông tư, Nghị quyết...

Chỉ thị số 02/2014/CT-CA ngày 14/01/2014 của Tòa án nhân dân tối cao về công tác thi đua, khen thưởng năm 2014

 VANTHONGLAW - Chỉ thị số 02/2014/CT-CA ngày 14/01/2014 của Tòa án nhân dân tối cao về công tác thi đua, khen thưởng năm 2014

TÒA ÁN NHÂN DÂN
TỐI CAO
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
----------------

Số: 02/2014/CT-CA

Hà Nội, ngày 14 tháng 01 năm 2014

 

CHỈ THỊ

VỀ CÔNG TÁC THI ĐUA, KHEN THƯỞNG NĂM 2014

Trong những năm qua, thực hiện Chỉ thị số 39/CT-TW ngày 21/5/2004 của Bộ Chính trị (khóa IX) “Về việc tiếp tục đổi mới, đẩy mạnh phong trào thi đua yêu nước, phát hiện, bồi dưỡng, tổng kết và nhân điển hình tiên tiến”, Tòa án nhân dân các cấp đã bám sát chủ đề thi đua xuyên suốt: “Phụng công, thủ pháp, chí công, vô tư”, với phương châm “Phải gần dân, hiểu dân, giúp dân, học dân” để phát động và tổ chức nhiều phong trào thi đua yêu nước, gắn với việc thực hiện “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” bằng nhiều hình thức, biện pháp thực hiện có hiệu quả, thiết thực, lôi cuốn toàn thể cán bộ, công chức, viên chức, người lao động nhiệt tình tham gia. Công tác thi đua, khen thưởng của các cấp Tòa án đã đạt được nhiều kết quả quan trọng, thực sự đã trở thành động lực quan trọng, góp phần thực hiện thắng lợi nhiệm vụ chính trị của Tòa án nhân dân.

Bên cạnh những kết quả đạt được, công tác thi đua, khen thưởng của Tòa án nhân dân các cấp vẫn còn một số tồn tại, hạn chế cần khắc phục. Đó là, việc phổ biến, quán triệt các chủ trương, chính sách, pháp luật của Đảng, Nhà nước về thi đua, khen thưởng ở một số cơ quan, đơn vị chưa được kịp thời, đầy đủ. Một số đơn vị chưa thực sự quan tâm, chưa cụ thể trong lãnh đạo, tổ chức triển khai phong trào thi đua; chưa gắn phong trào thi đua với việc phấn đấu hoàn thành các chỉ tiêu công tác được giao; thiếu sự kiểm tra, đôn đốc; nặng về khen thưởng, nhẹ về thi đua; việc phát hiện, xây dựng và nhân điển hình tiên tiến còn yếu; việc sơ kết, tổng kết, rút kinh nghiệm chưa được kịp thời; việc tuyên truyền về truyền thống và phong trào thi đua yêu nước, các gương điển hình tiên tiến còn hạn chế nên chưa tạo được sức lan tỏa của phong trào.

Nhằm mục đích tiếp tục đẩy mạnh phong trào thi đua yêu nước theo tinh thần Chỉ thị số 39/CT-TW ngày 21/5/2004 của Bộ Chính trị, phát huy kết quả đã đạt được, khắc phục tồn tại, hạn chế; đưa công tác thi đua, khen thưởng đi vào thực chất, có hiệu quả, tạo động lực thúc đẩy các tập thể, cá nhân thi đua phấn đấu thực hiện đầy đủ, kịp thời các chủ trương, chính sách, pháp luật của Đảng, của Quốc hội và Nhà nước về công tác của Tòa án nhân dân, về hoạt động thi đua, khen thưởng; phấn đấu hoàn thành toàn diện, vượt mức các chỉ tiêu công tác của Tòa án nhân dân năm 2014 và những năm tiếp theo, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao chỉ thị:

1. Về nhận thức: Tiếp tục quán triệt Tư tưởng Hồ Chí Minh về thi đua ái quốc, các chủ trương, chính sách của Đảng và pháp luật của Nhà nước về công tác thi đua, khen thưởng; nâng cao nhận thức, tăng cường sự lãnh đạo của các cấp ủy đảng, sự phối hợp của thủ trưởng với các tổ chức đoàn thể trong các đơn vị trong việc đẩy mạnh phong trào thi đua, đổi mới phương pháp tổ chức thực hiện, bảo đảm phong trào thi đua thực sự trở thành động lực thúc đẩy việc hoàn thành thắng lợi nhiệm vụ chính trị của Tòa án nhân dân.

2. Xác định chủ đề thi đua: Các đơn vị tiếp tục bám sát chủ đề thi đua xuyên suốt “Phụng công, thủ pháp, chí công, vô tư”, với phương châm “Phải gần dân, hiểu dân, giúp dân, học dân” để xây dựng kế hoạch tổ chức phong trào thi đua năm 2014, gắn với việc thực hiện Chỉ thị số 03-CT/TW ngày 14/5/2011 của Bộ Chính trị “về tiếp tục đẩy mạnh việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” và khắc phục những tồn tại, yếu kém sau kiểm điểm phê bình và tự phê bình theo tinh thần Nghị quyết Hội nghị lần thứ 4 Ban chấp hành Trung ương Đảng (khóa XI) về “Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay”. Cùng với việc tổ chức phong trào thi đua chung của cả năm, cần nghiên cứu phát động các phong trào thi đua theo chuyên đề, theo đạt, với các nội dung, hình thức phù hợp, bảo đảm thiết thực và hiệu quả. Nội dung các phong trào thi đua phải bám sát nhiệm vụ chính trị của Tòa án nhân dân, của địa phương, đơn vị; thực hiện mục tiêu, phương hướng, nhiệm vụ công tác thi đua, khen thưởng đã đề ra; tập trung vào việc nâng cao chất lượng xét xử các loại vụ án, không để án quá hạn luật định, hạn chế đến mức thấp nhất các sai sót do lỗi chủ quan của Thẩm phán; không xét xử oan người không có tội, không bỏ lọt tội phạm, bảo đảm các quyền, lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, công dân và xây dựng Tòa án nhân dân trong sạch, vững mạnh.

3. Ban hành văn bản hướng dẫn: Hội đồng Thi đua - Khen thưởng Tòa án nhân dân tối cao cần khẩn trương xây dựng, ban hành các văn bản hướng dẫn công tác thi đua, khen thưởng trên cơ sở Luật Thi đua, khen thưởng sửa đổi, bổ sung năm 2013. Sau khi có các văn bản này, các đơn vị phải tổ chức quán triệt sâu rộng đến toàn thể cán bộ, công chức, viên chức, người lao động và tổ chức thực hiện nghiêm túc.

4. Xây dựng mô hình điển hình tiên tiến: Thủ trưởng các đơn vị phải xây dựng được các mô hình thi đua kiểu mẫu; có kế hoạch phát hiện, bồi dưỡng các nhân tố mới, điển hình mới trong các phong trào thi đua, nhất là đối với các Thẩm phán, Thẩm tra viên, Thư ký và các chức danh khác để nhân rộng, làm hạt nhân của phong trào thi đua.

5. Công tác tuyên truyền: Vụ Thi đua - Khen thưởng chủ trì phối hợp với Vụ tổ chức cán bộ, Báo Công lý, Tạp chí Tòa án nhân dân, Cổng thông tin điện tử Tòa án nhân dân tối cao tổ chức triển khai thực hiện tốt Kế hoạch số 85/TANDTC-TĐKT ngày 28/5/2013 của Hội đồng Thi đua - Khen thưởng Tòa án nhân dân về “Tuyên truyên phong trào thi đua yêu nước giai đoạn 2013 - 2018”. Việc tuyên truyền phải đúng trọng tâm, có phương pháp phù hợp, chú trọng việc tuyên truyền giáo dục về truyền thống Tòa án nhân dân, biểu dương gương người tốt, việc tốt, các tập thể và cá nhân điển hình tiên tiến,...

6. Công tác khen thưởng: Việc bình xét khen thưởng phải trên cơ sở đúng thực chất thành tích, đúng tiêu chuẩn, bảo đảm công khai, dân chủ, tránh việc khen thưởng tràn lan, làm giảm ý nghĩa của việc khen thưởng. Tổ chức tốt việc thi tuyển, xét chọn để vinh danh những Thẩm phán có thành tích đặc biệt xuất sắc trong công tác giải quyết, xét xử theo Quy chế thi tuyển danh hiệu “Thẩm phán giỏi” và xét tặng danh hiệu “Thẩm phán tiêu biểu”, “Thẩm phán mẫu mực”.

7. Hoạt động của cụm thi đua: Phát huy vai trò trách nhiệm của Cụm trưởng thi đua trong việc phát động, xây dựng kế hoạch tổ chức phong trào thi đua và các hoạt động khác trong cụm; giám sát, đôn đốc và chủ động xây dựng, thực hiện kế hoạch kiểm tra, tổng hợp, báo cáo đúng quy định; hàng quý, các đơn vị phải báo cáo gửi Trưởng cụm thi đua và Thường trực Hội đồng Thi đua - Khen thưởng Tòa án nhân dân về công tác thi đua, khen thưởng để kịp thời đánh giá, rút kinh nghiệm. Các cụm thi đua tiếp tục thực hiện tốt 2 nội dung là: Rút kinh nghiệm công tác xét xử; đóng góp ý kiến về sự lãnh đạo, điều hành của Tòa án nhân dân tối cao đối với các lĩnh vực công tác; trao đổi, rút kinh nghiệm tổ chức phong trào thi đua; tiến hành bình xét thi đua, đề nghị khen thưởng tại hội nghị sơ kết và tổng kết của các cụm thi đua.

8. Công tác kiểm tra: cần phải được tổ chức thường xuyên trong nội bộ (các đơn vị, các cụm thi đua) và kiểm tra chéo giữa các đơn vị. Việc kiểm tra phải bảo đảm thực chất, tránh hình thức, sau kiểm tra phải có đánh giá, rút kinh nghiệm, trường hợp phát hiện có vi phạm thì phải kiến nghị, báo cáo ngay với cấp có thẩm quyền để xử lý.

9. Hoạt động xã hội, văn hóa, thể thao: Đẩy mạnh các hoạt động văn hóa, thể thao chào mừng Kỷ niệm các ngày lễ lớn của dân tộc và các sự kiện chính trị quan trọng của đất nước trong năm 2014, đặc biệt là dịp kỷ niệm 60 năm Chiến thắng Điện Biên phủ (07/5/1954-07/5/2014), kỷ niệm 69 năm, tiến tới kỷ niệm 70 năm ngày truyền thống Tòa án nhân dân (13/9/1945 - 13/9/2015), kỷ niệm 70 năm ngày Quốc khánh Nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam (02/9/1945 - 02/9/2015)...; tích cực tham gia các hoạt động xã hội, đền ơn đáp nghĩa, đóng góp quỹ tình nghĩa, ủng hộ người nghèo, trẻ em khó khăn, đồng bào bị thiên tai bão lụt.

10. Tổ chức thực hiện:

Hội đồng Thi đua - Khen thưởng Tòa án nhân dân, Chánh án Tòa án quân sự Trung ương, Thủ trưởng các đơn vị thuộc Tòa án nhân dân tối cao, Chánh án Tòa án nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương có trách nhiệm phổ biến, quán triệt, triển khai thực hiện Chỉ thị này đến toàn thể cán bộ, công chức, viên chức, người lao động thuộc phạm vi quản lý.

Giao Vụ Thi đua - Khen thưởng Tòa án nhân dân tối cao là cơ quan thường trực giúp Hội đồng Thi đua - Khen thưởng Tòa án nhân dân theo dõi, đôn đốc, hướng dẫn, kiểm tra việc triển khai thực hiện Chỉ thị này.

Chỉ thị này có hiệu lực từ ngày ký./.

 

 

Nơi nhận:
Hội đồng, Ban TĐ-KT TW (để báo cáo);
- Các Bộ, ngành trong Cụm TĐ Khối NCTW;
- BCS đảng, Đảng ủy TANDTC;
- Các đ/c Phó Chánh án TAND tối cao;
- Các đ/c thành viên Hội đồng TĐ-KT;
- Tòa án quân sự TW;
- Các đơn vị thuộc TANDTC:
- Tòa án nhân dân các cấp;
- Lưu: VP, Vụ TĐ-KT.

CHÁNH ÁN




Trương Hòa Bình

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét