TÒA ÁN NHÂN DÂN TỐI CAO - TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 431/CTPH-TANDTC-TLĐLĐVN | Hà Nội, ngày 30 tháng 03 năm 2016 |
CHƯƠNG TRÌNH PHỐI HỢP CÔNG TÁC
GIỮA TÒA ÁN NHÂN DÂN TỐI CAO VÀ TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM GIAI ĐOẠN 2016 - 2020
Căn cứ Luật Tổ chức Tòa án nhân dân số 62/2014/QH2013 năm 2014;
Căn cứ Luật Công đoàn số 12/2012/QH13 năm 2012;
Căn cứ Bộ luật Lao động số 10/2012/QH13 năm 2012, Luật Bảo hiểm xã hội số 58/2014/QH13 năm 2014;
Để tăng cường sự phối hợp chặt chẽ, nâng cao hiệu quả và thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn được giao, Tòa án nhân dân tối cao và Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam thống nhất ban hành Chương trình phối hợp công tác giai đoạn 2016 - 2020 như sau:
1. Phạm vi điều chỉnh
Chương trình phối hợp công tác quy định việc phối hợp công tác giữa Tòa án nhân dân tối cao và Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam trong việc thực hiện chức năng, nhiệm vụ của mỗi cơ quan nhằm mục đích: Nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác tham gia xây dựng pháp luật về lao động và bảo hiểm xã hội; trao đổi và cung cấp thông tin liên quan đến các lĩnh vực mà hai bên cùng quan tâm; về công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật; công tác bồi dưỡng, tập huấn giữa hai bên.
2. Đối tượng áp dụng
Tòa án nhân dân tối cao và Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam khi thực hiện chức năng, nhiệm vụ của mình thực hiện nghiêm túc Chương trình phối hợp công tác này.
3. Nguyên tắc phối hợp
Trên cơ sở chức năng, nhiệm vụ theo quy định của pháp luật, Tòa án nhân dân tối cao và Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam chủ động, thường xuyên, kịp thời, chặt chẽ, tạo điều kiện, hỗ trợ cho nhau để hoàn thành tốt nhiệm vụ; đảm bảo chế độ bảo mật thông tin theo quy định của pháp luật.
- Nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác tham gia xây dựng văn bản pháp luật các lĩnh vực: lao động, công đoàn, bảo hiểm xã hội, an toàn vệ sinh lao động...; đảm bảo các quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của đoàn viên, cán bộ, công chức, viên chức và người lao động.
- Xây dựng đội ngũ cán bộ làm công tác pháp luật, pháp chế, đặc biệt là đội ngũ cán bộ công đoàn có năng lực chuyên môn, nghiệp vụ, kỹ năng để tham gia xây dựng và tổ chức thi hành các văn bản quy phạm pháp luật; tuyên truyền phổ biến, giáo dục pháp luật... đáp ứng yêu cầu về công tác pháp luật trong tổ chức Công đoàn.
- Nâng cao nhận thức của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức và người lao động của các Tòa án nhân dân trong việc thực hiện các quy định của pháp luật về hoạt động Công đoàn; đẩy mạnh phong trào thi đua yêu nước trong cán bộ, công chức, viên chức, người lao động và đoàn viên công đoàn tại các Tòa án nhân dân.
- Hoạt động phối hợp phải được thực hiện thường xuyên, đảm bảo thiết thực, hiệu quả, có trọng tâm, trọng điểm, tránh hình thức.
- Định kỳ đánh giá sơ kết, tổng kết việc thực hiện Chương trình phối hợp, kịp thời đề ra phương hướng, nhiệm vụ phù hợp với yêu cầu thực tiễn.
Trong giai đoạn 2016 - 2020 Tòa án nhân dân tối cao và Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam tăng cường phối hợp nhằm triển khai thực hiện có hiệu quả các nội dung sau:
1. Phối hợp tham gia xây dựng văn bản pháp luật
a) Khi tham gia xây dựng các văn bản pháp luật có liên quan đến công chức, viên chức, người lao động, đoàn viên công đoàn và các văn bản pháp luật có liên quan đến chức năng, nhiệm vụ của các Tòa án nhân dân, hai bên phối hợp, trao đổi thông tin, đảm bảo ý kiến tham gia của mỗi bên có cơ sở pháp luật, phù hợp với thực tiễn và đảm bảo tính khả thi.
b) Các Tòa án nhân dân phối hợp, hỗ trợ, phản biện, giúp tổ chức Công đoàn xây dựng các văn bản hướng dẫn quyền và nghĩa vụ của tổ chức Công đoàn trong việc khởi kiện các vụ, việc về pháp luật: lao động, công đoàn, cán bộ, công chức, viên chức, bảo hiểm xã hội, an toàn vệ sinh lao động.
c) Tòa án nhân dân tối cao phối hợp, hướng dẫn Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam xây dựng trình tự, thủ tục trong vụ án lao động.
2. Phối hợp trao đổi, cung cấp thông tin
a) Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam cung cấp các thông tin, bao gồm:
- Tình hình quan hệ lao động và việc chấp hành các quy định của pháp luật về: lao động, công đoàn, cán bộ, công chức, viên chức, bảo hiểm xã hội, an toàn vệ sinh lao động.
- Tình hình tranh chấp lao động, đình công.
- Kết quả tổ chức Công đoàn phối hợp thanh tra, kiểm tra, giám sát việc thực hiện pháp luật: lao động, công đoàn, cán bộ, công chức, viên chức, bảo hiểm xã hội, an toàn vệ sinh lao động.
- Các thông tin khác theo đề nghị của Tòa án nhân dân tối cao.
b) Tòa án nhân dân tối cao cung cấp các thông tin, bao gồm:
- Các chủ trương, chính sách, pháp luật về phòng, chống vi phạm pháp luật và tội phạm trong lĩnh vực: lao động, công đoàn, cán bộ, công chức, viên chức, bảo hiểm xã hội, an toàn vệ sinh lao động.
- Kết quả xét xử, giải quyết các vụ việc lao động tại Tòa án nhân dân hàng năm và tác dụng tuyên truyền giáo dục đối với người lao động, người sử dụng lao động.
3. Phối hợp tuyên truyền, phổ biến pháp luật
Tổ chức công đoàn phối hợp với Tòa án nhân dân cùng cấp trong việc tuyên truyền, phổ biến thực hiện quy định của pháp luật trong các lĩnh vực cụ thể: Tổ chức Tòa án nhân dân, tố tụng dân sự, lao động, công đoàn, bảo hiểm xã hội, an toàn vệ sinh lao động và pháp luật khác có liên quan bằng nhiều hình thức sinh động, phù hợp với điều kiện của mỗi bên cũng như đặc điểm tình hình của từng đối tượng cần tuyên truyền phổ biến.
4. Phối hợp công tác tập huấn, bồi dưỡng
Tòa án nhân dân tối cao tham gia với Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam trong công tác bồi dưỡng, tập huấn nâng cao năng lực và kỹ năng tham gia tố tụng lao động, dân sự và giải quyết tranh chấp lao động, đình công cho đội ngũ cán bộ công đoàn làm công tác pháp luật.
Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam tham gia với Tòa án nhân dân tối cao trong công tác bồi dưỡng, nâng cao nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ công đoàn trong các Tòa án nhân dân có bản lĩnh chính trị vững vàng, có phẩm chất đạo đức, năng lực công tác tốt và tác phong sâu sát, gần gũi với đoàn viên, người lao động; được đoàn viên và người lao động tín nhiệm, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ chính trị của các Tòa án nhân dân và tổ chức Công đoàn.
1. Trách nhiệm của Tòa án nhân dân tối cao
Phối hợp, trao đổi thông tin với Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam khi tham gia xây dựng các văn bản pháp luật có liên quan đến cán bộ, công chức, viên chức, người lao động, đoàn viên công đoàn.
Hướng dẫn, chỉ đạo các Tòa án nhân dân phối hợp, hỗ trợ, phản biện, giúp tổ chức công đoàn đồng cấp thực hiện các quyền và nghĩa vụ trong việc khởi kiện các vụ, việc về pháp luật: lao động, công đoàn, cán bộ, công chức, viên chức, bảo hiểm xã hội, an toàn vệ sinh lao động.
2. Trách nhiệm của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam
Cung cấp thông tin cho Tòa án nhân dân tối cao về tình hình tranh chấp lao động, đình công.
Phối hợp, cung cấp, trao đổi thông tin với Tòa án nhân dân tối cao khi tham gia xây dựng các văn bản pháp luật có liên quan đến chức năng, nhiệm vụ của hai bên.
Chỉ đạo các cấp trong hệ thống Công đoàn Việt Nam phối hợp với Tòa án nhân dân đồng cấp trong thực hiện các quyền và nghĩa vụ về khởi kiện các vụ, việc về pháp luật: Lao động, công đoàn, cán bộ công chức, viên chức, bảo hiểm xã hội, an toàn vệ sinh lao động.
1. Giao Vụ Pháp chế và Quản lý khoa học (Tòa án nhân dân tối cao) và Ban Quan hệ lao động (Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam) làm đầu mối của hai cơ quan triển khai tổ chức, thực hiện Chương trình phối hợp công tác này.
2. Hàng năm, Tòa án nhân dân tối cao và Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam luân phiên chủ trì, tổ chức đánh giá, rút kinh nghiệm về kết quả hoạt động phối hợp công tác trong năm và thống nhất, xây dựng kế hoạch phối hợp công tác cho năm tiếp theo.
3. Chương trình phối hợp công tác có hiệu lực kể từ ngày ký. Trong quá trình thực hiện, nếu có những nội dung cần sửa đổi, bổ sung, Vụ Pháp chế và Quản lý khoa học của Tòa án nhân dân tối cao và Ban Quan hệ Lao động Tổng Liên đoàn nghiên cứu, tham mưu, đề xuất Chánh án Tòa án nhân dân tối cao và Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam thống nhất, quyết định./.
CHÁNH ÁN | CHỦ TỊCH |
|
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét