Tìm kiếm Luật, Nghị định, Thông tư, Nghị quyết...

Quyết định số 323/QĐ-CA ngày 14/10/2022 của TAND Tối cao về việc công bố án lệ

 VANTHONGLAW - Quyết định số 323/QĐ-CA ngày 14/10/2022 của TAND Tối cao về việc công bố án lệ

TÒA ÁN NHÂN DÂN TỐI CAO
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 323/QĐ-CA

Hà Nội, ngày 14 tháng 10 năm 2022

QUYẾT ĐỊNH

VỀ VIỆC CÔNG BỐ ÁN LỆ

CHÁNH ÁN TÒA ÁN NHÂN DÂN TỐI CAO

- Căn cứ Điều 27 Luật Tổ chức Tòa án nhân dân ngày 24 tháng 11 năm 2014;

- Căn cứ Nghị quyết số 04/2019/NQ-HĐTP ngày 18 tháng 6 năm 2019 của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao về quy trình lựa chọn, công bố và áp dụng án lệ;

- Căn cứ kết quả lựa chọn, biểu quyết thông qua án lệ của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao ngày 07 tháng 9 năm 2022,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Công bố 04 (bốn) án lệ đã được Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao thông qua (có án lệ kèm theo).

Điều 2. Các Tòa án nhân dân và Tòa án quân sự có trách nhiệm nghiên cứu, áp dụng các án lệ trong xét xử kể từ ngày 15 tháng 11 năm 2022.

Việc áp dụng án lệ được thực hiện theo hướng dẫn tại Điều 8 Nghị quyết số 04/2019/NQ-HĐTP ngày 18 tháng 6 năm 2019 của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao về quy trình lựa chọn, công bố và áp dụng án lệ.

Điều 3. Quyết định này có hiệu lực kể từ ngày ký.


Nơi nhận:
- Ủy ban Thường vụ Quốc hội;
- Ủy ban Pháp luật của Quốc hội;
- Ủy ban Tư pháp của Quốc hội;
- Ban Nội chính Trung ương;
- Văn phòng Chủ tịch nước;
- Văn phòng Chính phủ 02 bản (để đăng Công báo);
- Viện kiểm sát nhân dân tối cao;
- Bộ Tư pháp;
- Bộ Công an;
- Liên đoàn Luật sư Việt Nam;
- Trung ương Hội luật gia Việt Nam;
- Các TAND và TAQS;
- Các Thẩm phán TANDTC;
- Các đơn vị thuộc TANDTC;
- Cổng thông tin điện tử TANDTC;
- Lưu: VT, Vụ PC&QLKH (TANDTC).

CHÁNH ÁN




Nguyễn Hòa Bình

ÁN LỆ SỐ 53/2022/AL [1]

Về việc hủy kết hôn trái pháp luật

Được Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao thông qua ngày 07 tháng 9 năm 2022 và được công bố theo Quyết định số 323/QĐ-CA ngày 14 tháng 10 năm 2022 của Chánh án Tòa án nhân dân tối cao.

Nguồn án lệ:

Quyết định giám đốc thẩm số 04/2021/HNGĐ-GĐT ngày 07/7/2021 của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao về việc dân sự “Yêu cầu hủy việc kết hôn trái pháp luật”; người yêu cầu là bà Nguyễn Thị S, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan gồm 03 người.

Vị trí nội dung án lệ:

Đoạn 2, 3, 4, 8, 9, 10 và 11 phần “Nhận định của Tòa án”.

Khái quát nội dung của án lệ:

- Tình huống án lệ:

Nam nữ sống chung với nhau như vợ chồng trước ngày 03/01/1987 (ngày Luật Hôn nhân và gia đình năm 1986 có hiệu lực), không đăng ký kết hôn, có tổ chức lễ cưới và có thời gian chung sống tại Việt Nam. Sau đó, hai bên ra nước ngoài sinh sống và phát sinh mâu thuẫn. Khi chưa giải quyết ly hôn thì một bên đăng ký kết hôn với người khác tại cơ quan nhà nước có thẩm quyền của Việt Nam.

- Giải pháp pháp lý:

Trường hợp này, Tòa án phải xác định quan hệ hôn nhân đầu tiên là hôn nhân thực tế. Khi chưa chấm dứt quan hệ hôn nhân thực tế mà một bên đăng ký kết hôn với người khác tại cơ quan nhà nước có thẩm quyền của Việt Nam thì việc kết hôn này là trái pháp luật. Tòa án chấp nhận yêu cầu hủy việc kết hôn trái pháp luật.

Quy định của pháp luật liên quan đến án lệ:

Điểm c khoản 2 Điều 5, điểm a khoản 2 Điều 10khoản 1 Điều 11, khoản 1 Điều 122 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014;

Khoản 1 Điều 29 Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015;

Điểm a khoản 3 Nghị quyết số 35/2000/NQ-QH10 ngày 09/6/2000 của Quốc hội về việc thi hành Luật Hôn nhân và gia đình năm 2000;

Điểm d Mục 2 Thông tư liên tịch số 01/2001/TTLT-TANDTC-VKSNDTC-BTP ngày 03/01/2001 hướng dẫn thi hành Nghị quyết số 35/2000/NQ-QH10 ngày 09/6/2000 của Quốc hội về việc thi hành Luật Hôn nhân và gia đình năm 2000;

Điểm b khoản 4 Điều 2 Thông tư liên tịch số 01/2016/TTLT-TANDTC-VKSNDTC-BTP hướng dẫn thi hành một số quy định của Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014.

Từ khóa của án lệ:

“Hôn nhân thực tế”; “Hủy việc kết hôn trái pháp luật”.

NỘI DUNG VỤ ÁN:

Tại Đơn đề nghị hủy việc kết hôn trái pháp luật đề ngày 28/6/2017 và lời khai trong quá trình tham gia tố tụng của bà Nguyễn Thị S và người đại diện theo ủy quyền của bà S là chị Lương Thị T trình bày:

Bà S và ông Phạm Bá H chung sống, có tổ chức đám cưới theo phong tục của địa phương và đã đăng ký kết hôn tại Ủy ban nhân dân xã (nay là phường) P, thành phố U, tỉnh Quảng Ninh ngày 23/11/1980. Tháng 4/1981, vợ chồng bà S, ông H sang Hồng Kông và sau đó được nhập cư tại Canada. Đến năm 2008, vợ chồng bà S, ông H trở về Việt Nam sinh sống tại nhà số 24, Tổ 14, Khu 03 phường T, thành phố U, tỉnh Quảng Ninh (sổ hộ khẩu số 500296496 ngày 03/11/2014, họ và tên chủ hộ: Phạm Bá H; quan hệ với chủ hộ: vợ Nguyễn Thị S). Quá trình chung sống, ông bà sinh được 03 người con chung là anh Phạm Hồng K, sinh năm 1981 chị Phạm Thị Thu H1, sinh năm 1984 và chị Phạm Thị Thu H2, sinh năm 1991. Hiện tại các con của bà S và ông H đều đang định cư tại Canada.

Từ năm 2011, khi ông H có quan hệ ngoại tình với bà Nguyễn Thị L thì vợ chồng bà S và ông H thường xuyên xảy ra mâu thuẫn, bất hòa. Bà S bị ông H đánh đập, đuổi ra khỏi nhà, nên bà S đã sang Canada chơi với các con cho khuây khỏa. Mấy tháng sau, khi bà S trở về thì ông H đã đón bà L cùng con chung của hai người về nhà bà S, ông H ở và không cho bà S vào nhà mặc dù bà S đã báo với chính quyền địa phương can thiệp giải quyết. Nay bà S biết được ông H và bà L đã đăng ký kết hôn theo Giấy chứng nhận kết hôn số 09 ngày 17/4/2017 của Ủy ban nhân dân thành phố M, tỉnh Quảng Ninh. Do đó, bà S yêu cầu Tòa án nhân dân tỉnh Quảng Ninh hủy việc kết hôn trái pháp luật giữa ông Phạm Bá H với bà Nguyễn Thị L.

Người đại diện theo ủy quyền của Ủy ban nhân dân thành phố M, tỉnh Quảng Ninh trình bày:

Ủy ban nhân dân thành phố M khẳng định thẩm quyền, trình tự, thủ tục đăng ký kết hôn và cấp Giấy chứng nhận kết hôn cho bà Nguyễn Thị L và ông Phạm Bá H là đảm bảo đúng quy định của pháp luật. Nay bà S có đơn khởi kiện yêu cầu tuyên hủy việc kết hôn giữa bà L và ông H là trái pháp luật; nếu có căn cứ thì đề nghị Tòa án nhân dân tỉnh Quảng Ninh giải quyết việc dân sự nêu trên theo quy định pháp luật.

Tại Quyết định giải quyết việc dân sự sơ thẩm số 01/2018/QĐDS-ST ngày 02/02/2018, Tòa án nhân dân tỉnh Quảng Ninh quyết định:

- Chấp nhận yêu cầu “Hủy việc kết hôn trải pháp luật” của bà Nguyễn Thị S.

- Hủy việc kết hôn trái pháp luật giữa ông Phạm Bá H và bà Nguyễn Thị L theo Giấy chứng nhận kết hôn số 09 đăng ký ngày 17/4/2017 của Ủy ban nhân dân thành phố M, tỉnh Quảng Ninh. Buộc ông H và bà L phải chấm dứt quan hệ như vợ chồng.

- Giao con chung của ông Phạm Bá H và bà Nguyễn Thị L là cháu Phạm Thành Đ, sinh ngày 12/12/2015 cho bà Nguyễn Thị L trực tiếp chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục đến khi cháu Đ đủ 18 tuổi. Ông Phạm Bá H không phải cấp dưỡng nuôi con chung. Ông H có quyền, nghĩa vụ thăm nom con mà không ai được cản trở.

Ngoài ra, Tòa án cấp sơ thẩm còn quyết định về lệ phí và quyền kháng cáo của các đương sự.

Ngày 23/02/2018, bà Nguyễn Thị L có đơn kháng cáo đối với Quyết định nêu trên.

Tại phiên họp phúc thẩm, ông Phạm Bá H trình bày: Năm 1980, ông H có quen biết bà Nguyễn Thị S nhưng không có chuyện tổ chức đám cưới hay chung sống với nhau ngày nào khi ở Việt Nam. Năm 1981, khi sang Hồng Kông, ông và bà S gặp lại nhau mới trở nên thân thiết chung sống với nhau. Mặc dù có con chung nhưng ông bà không đăng ký kết hôn, độc lập kinh tế, tài sản. Do đó, Tòa án cấp sơ thẩm căn cứ vào Nghị quyết số 35/2000/NQ-QH10 ngày 09/6/2000 của Quốc hội để xác định giữa ông và bà S là quan hệ hôn nhân thực tế là không có căn cứ.

Quan hệ hôn nhân giữa ông với bà Nguyễn Thị L là hợp pháp vì hai bên có đăng ký kết hôn. Trước khi thực hiện thủ tục đăng ký kết hôn, cơ quan có thẩm quyền đã tiến hành xác minh tại nhiều nơi, trong đó có việc xác minh lãnh sự quán Việt Nam tại Canada về việc ông chưa đăng ký kết hôn với bất cứ ai, không đang trong thời kỳ hôn nhân với ai.

Tại phiên họp phúc thẩm, người đại diện theo ủy quyền của bà Nguyễn Thị L là ông Đặng Thành V trình bày: Đề nghị Tòa án bác đơn yêu cầu của bà S về việc hủy hôn nhân hợp pháp giữa ông H và bà L, ông H và bà S có chung sống với nhau ở Hồng Kông nhưng không đăng ký kết hôn. Năm 2008, ông H về nước trước, ông H và bà S không chung sống với nhau như vợ chồng ở Việt Nam mà chỉ cùng tổ chức đám cưới cho các con.

Tại Quyết định phúc thẩm giải quyết việc dân sự số 12/2019/QĐPT-DS ngày 18/9/2019, Tòa án nhân dân cấp cao tại Hà Nội đã quyết định:

Chấp nhận kháng cáo của bà Nguyễn Thị L và sửa Quyết định giải quyết việc dân sự sơ thẩm số 01/2018/QĐDS-ST ngày 02/02/2018 của Tòa án nhân dân tỉnh Quảng Ninh về việc không chấp nhận yêu cầu “Hủy việc kết hôn trái pháp luật” của bà Nguyễn Thị S. Công nhận quan hệ giữa ông Phạm Bá H và bà Nguyễn Thị L là quan hệ hôn nhân hợp pháp, theo giấy chứng nhận kết hôn số 09 đăng ký ngày 17/4/2017 của UBND thành phố M, tỉnh Quảng Ninh.

Ngoài ra, Tòa án cấp phúc thẩm còn quyết định về lệ phí và chi phí ủy thác tư pháp.

Ngày 06/02/2020, bà Nguyễn Thị S có đơn đề nghị xem xét theo thủ tục giám đốc thẩm đối với Quyết định phúc thẩm giải quyết việc dân sự số 12/2019/QĐPT-DS ngày 18/9/2019 của Tòa án nhân dân cấp cao tại Hà Nội, yêu cầu tuyên hủy việc kết hôn trái pháp luật giữa ông Phạm Bá H và bà Nguyễn Thị L.

Ngày 27/4/2021, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao ban hành Quyết định kháng nghị giám đốc thẩm số 05/2021/KN-HNGĐ đối với Quyết định phúc thẩm giải quyết việc dân sự số 12/2019/QĐPT-DS ngày 18/9/2019 của Tòa án nhân dân cấp cao tại Hà Nội về việc “Yêu cầu hủy việc kết hôn trái pháp luật” giữa người yêu cầu giải quyết việc dân sự là bà Nguyễn Thị S; người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan là ông Phạm Bá H, bà Nguyễn Thị L và Ủy ban nhân dân thành phố M, tỉnh Quảng Ninh. Đề nghị Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao xét xử giám đốc thấm, hủy Quyết định phúc thẩm giải quyết việc dân sự số 12/2019/QĐPT-DS ngày 18/9/2019 của Tòa án nhân dân cấp cao tại Hà Nội và giữ nguyên Quyết định giải quyết việc dân sự số 01/2018/QĐDS-ST ngày 02/02/2018 của Tòa án nhân dân tỉnh Quảng Ninh. Tạm đình chỉ thi hành Quyết định phúc thẩm giải quyết việc dân sự số 12/2019/QĐPT-DS ngày 18/9/2019 của Tòa án nhân dân cấp cao tại Hà Nội cho đến khi có quyết định giám đốc thẩm của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao.

Tại phiên họp giám đốc thẩm, đại diện Viện kiểm sát nhân dân tối cao đề nghị Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao chấp nhận Quyết định kháng nghị giám đốc thẩm số 05/2021/KN-HNGĐ ngày 27/4/2021 của Chánh án Tòa án nhân dân tối cao.

NHẬN ĐỊNH CỦA TÒA ÁN

[1] Tại Công văn số 424/UBND ngày 07/9/2017 của Ủy ban nhân dân phường P, thành phố U, tỉnh Quảng Ninh trả lời Tòa án nhân dân tỉnh Quảng Ninh có nội dung: “Hiện nay tại Ủy ban nhân dân phường P sổ gốc đăng ký kết hôn chỉ còn lưu từ năm 1989 đến nay, còn từ năm 1988 trở về trước Ủy ban nhân dân phường P không còn lưu trữ được, số đăng ký kết hôn của Ủy ban nhân dân phường P, thành phố U còn lưu từ năm 1989 đến nay không có lưu trường hợp đăng ký kết hôn của ông Phạm Bá H, sinh năm 1959 và bà Nguyễn Thị S, sinh năm 1960”. Quá trình giải quyết vụ án, bà S không cung cấp được Giấy chứng nhận đăng ký kết hôn giữa bà S với ông H. Do đó, không có căn cứ xác định bà S và ông H có đăng ký kết hôn tại Ủy ban nhân dân xã P vào năm 1980.

[2] Căn cứ Biên bản xác minh ngày 13/11/2014 của Ủy ban nhân dân phường P và lời khai của những người làm chứng, trong đó có lời khai của ông Bùi Ngọc C (người cao tuổi, hàng xóm bên cạnh nhà bố mẹ đẻ bà S), ông Nguyễn Văn N (Khu trưởng Khu T, phường P) đều khai: Năm 1980, ông Phạm Bá H và bà Nguyễn Thị S có tổ chức đám cưới, chung sống với nhau; sau đó, hai ông bà vượt biên.

[3] Tại Bản chứng thực bản sao sổ khai sinh của anh Phạm Hồng K, sinh ngày 07/8/1981, thể hiện tên cha là Phạm Bá H và tên mẹ là Nguyễn Thị S. Như vậy, có cơ sở xác định bà S và ông H có thời gian chung sống tại Việt Nam và bà S sang Hồng Kông sau khi đã mang thai anh Phạm Hồng K.

[4] Ngoài ra, Bản sao sổ hộ khẩu số 500296496 do Công an thành phố M cấp ngày 03/11/2014 và Hợp đồng thuê quyền sử dụng đất ngày 13/4/2015 tại Phòng Công chứng số 02 tỉnh Quảng Ninh cũng thể hiện ông Phạm Bá H có vợ là bà Nguyễn Thị S.

[5] Theo quy định tại điểm a khoản 3 Nghị quyết số 35/2000/NQ-QH10 ngày 09/6/2000 của Quốc hội “a. Trong trường hợp quan hệ vợ chồng được xác lập trước ngày 03 tháng 01 năm 1987, ngày Luật hôn nhân và gia đình năm 1986 có hiệu lực mà chưa đăng ký kết hôn thì được khuyến khích đăng ký kết hôn; trong trường hợp có yêu cầu ly hôn thì được Tòa án thụ lý giải quyết theo quy định về ly hôn của Luật hôn nhân và gia đình năm 2000;..”

[6] Điểm d Mục 2 Thông tư Liên tịch số 01/2001/TTLT-TANDTC-VKSNDTC-BTP ngày 03/01/2001 quy định: “Nam nữ được coi là sống chung với nhau như vợ chồng nếu họ có đủ điều kiện để kết hôn theo quy định của Luật Hôn nhân và và gia đình năm 2000 và thuộc một trong các trường hợp sau: Có tổ chức lễ cưới khi về chung sống với nhau; Việc họ về chung sống với nhau được gia đình (một bên hoặc hai bên) chấp nhận; Việc họ về chung sống với nhau được người khác hay tổ chức chứng kiến; Họ thực sự chung sống với nhau, chăm sóc, giúp đỡ nhau, cùng nhau xây dựng gia đình”.

[7] Điểm b khoản 4 Điều 2 Thông tư liên tịch số 01/2016/TTLT-TANDTC-VKSNDTC-BTP quy định người được coi là đang có vợ, chồng gồm “Người xác lập quan hệ vợ chồng với người khác trước ngày 03/01/1987 mà chưa đăng ký kết hôn và chưa ly hôn hoặc không có sự kiện vợ (chồng) của họ chết hoặc vợ (chồng) của họ không bị tuyên bố là đã chết”.

[8] Do đó, có cơ sở xác định quan hệ giữa bà S và ông H sống chung với nhau như vợ chồng trước năm 1987 là hôn nhân thực tế; tuy không đăng ký kết hôn nhưng vẫn được pháp luật công nhận là quan hệ vợ chồng.

[9] Việc ông H đăng ký kết hôn với bà Nguyễn Thị L theo Giấy chứng nhận kết hôn số 09 ngày 17/4/2017 tại Ủy ban nhân dân thành phố M, tỉnh Quảng Ninh trong khi đang tồn tại quan hệ hôn nhân với bà Nguyễn Thị S là vi phạm chế độ hôn nhân một vợ một chồng và quy định tại điểm c khoản 2 Điều 5 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014. Ủy ban nhân dân thành phố M, tỉnh Quảng Ninh thực hiện việc đăng ký kết hôn cho ông H và bà L là không đúng quy định của pháp luật.

[10] Tòa án cấp sơ thẩm chấp nhận yêu cầu của bà S, tuyên hủy việc kết hôn trái pháp luật giữa ông H và bà L và giải quyết hậu quả của việc kết hôn trái pháp luật là có căn cứ.

[11] Tòa án cấp phúc thẩm nhận định: “Theo pháp luật hôn nhân và gia đình Việt Nam năm 1987, năm 2000 và năm 2013 chỉ điều chỉnh và có hiệu lực về không gian, thời gian và địa điểm trên lãnh thổ Việt Nam. Còn việc ông H và bà S ăn ở với nhau bất hợp pháp chủ yếu là ở nước ngoài và sinh sống vào thời điểm ở trước và sau năm 1987, năm 2000 và trước năm 2013 khi có Luật hôn nhân và gia đình Việt Nam được ban hành, sửa đổi...” từ đó không công nhận quan hệ giữa ông H và bà S là vợ chồng và công nhận quan hệ hôn nhân giữa ông H và bà L là quan hệ hôn nhân hợp pháp là không đúng quy định pháp luật.

Vì các lẽ trên;

QUYẾT ĐỊNH:

Căn cứ vào điểm a khoản 2 Điều 337, khoản 1 Điều 342khoản 2 Điều 343 và Điều 344 Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015;

1. Chấp nhận Quyết định kháng nghị giám đốc thẩm số 05/2021/KN-HNGĐ ngày 27/4/2021 của Chánh án Tòa án nhân dân tối cao đối với Quyết định phúc thẩm giải quyết việc dân sự số 12/2019/QĐPT-DS ngày 18/9/2019 của Tòa án nhân dân cấp cao tại Hà Nội.

2. Hủy Quyết định phúc thẩm giải quyết việc dân sự số 12/2019/QĐPT-DS ngày 18/9/2019 của Tòa án nhân dân cấp cao tại Hà Nội.

3. Giữ nguyên Quyết định giải quyết việc dân sự số 01/2018/QĐDS-ST ngày 02/02/2018 của Tòa án nhân dân tỉnh Quảng Ninh.

NỘI DUNG ÁN LỆ

“[2] Căn cứ Biên bản xác minh ngày 13/11/2014 của Ủy ban nhân dân phường P và lời khai của những người làm chứng, trong đó có lời khai của ông Bùi Ngọc C (người cao tuổi, hàng xóm bên cạnh nhà bố mẹ đẻ bà S), ông Nguyễn Văn N (Khu trưởng Khu T, phường P) đều khai: Năm 1980, ông Phạm Bá H và bà Nguyễn Thị S có tổ chức đám cưới, chung sống với nhau; sau đó, hai ông bà vượt biên.

[3] Tại Bản chứng thực bản sao số khai sinh của anh Phạm Hồng K, sinh ngày 07/8/1981, thể hiện tên cha là Phạm Bá H và tên mẹ là Nguyễn Thị S. Như vậy, có cơ sở xác định bà S và ông H có thời gian chung sống tại Việt Nam và bà S sang Hồng Kông sau khi đã mang thai anh Phạm Hồng K.

[4] Ngoài ra, Bản sao sổ hộ khẩu số 500296496 do Công an thành phố M cấp ngày 03/11/2014 và Hợp đồng thuê quyền sử dụng đất ngày 13/4/2015 tại Phòng Công chứng số 02 tỉnh Quảng Ninh cũng thể hiện ông Phạm Bà H có vợ là bà Nguyễn Thị S.

[8] Do đó, có cơ sở xác định quan hệ giữa bà S và ông H sống chung với nhau như vợ chồng trước năm 1987 là hôn nhân thực tế; tuy không đăng ký kết hôn nhưng vẫn được pháp luật công nhận là quan hệ vợ chồng.

[9] Việc ông H đăng ký kết hôn với bà Nguyễn Thị L theo Giấy chứng nhận kết hôn số 09 ngày 17/4/2017 tại Ủy ban nhân dân thành phố M, tỉnh Quảng Ninh trong khi đang tồn tại quan hệ hôn nhân với bà Nguyễn Thị S là vi phạm chế độ hôn nhân một vợ một chồng và quy định tại điểm c khoản 2 Điều 5 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014. Ủy ban nhân dân thành phố M, tỉnh Quảng Ninh thực hiện việc đăng ký kết hôn cho ông H và bà L là không đúng quy định của pháp luật.

[10] Tòa án cấp sơ thẩm chấp nhận yêu cầu của bà S, tuyên hủy việc kết hôn trái pháp luật giữa ông H và bà L và giải quyết hậu quả của việc kết hôn trái pháp luật là có căn cứ.

[11] Tòa án cấp phúc thẩm nhận định: “Theo pháp luật hôn nhân và gia đình Việt Nam năm 1987, năm 2000 và năm 2013 chỉ điều chỉnh và có hiệu lực về không gian, thời gian và địa điểm trên lãnh thổ Việt Nam. Còn việc ông H và bà S ăn ở với nhau bất hợp pháp chủ yếu là ở nước ngoài và sinh sống vào thời điểm ở trước và sau năm 1987, năm 2000 và trước năm 2013 khi có Luật hôn nhân và gia đình Việt Nam được ban hành, sửa đổi...” từ đó không công nhận quan hệ giữa ông H và bà S là vợ chồng và công nhận quan hệ hôn nhân giữa ông H và bà L là quan hệ hôn nhân hợp pháp là không đúng quy định pháp luật.”

ÁN LỆ SỐ 54/2022/AL 1

Về xác định quyền nuôi con dưới 36 tháng tuổi trong trường hợp người mẹ không trực tiếp chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con

Được Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao thông qua ngày 07 tháng 9 năm 2022 và được công bố theo Quyết định số 323/QĐ-CA ngày 14 tháng 10 năm 2022 của Chánh án Tòa án nhân dân tối cao.

Nguồn án lệ:

Quyết định giám đốc thẩm số 01/2019/HNGĐ-GĐT ngày 27/02/2019 của Tòa án nhân dân cấp cao tại Đà Nẵng về vụ án hôn nhân gia đình “Ly hôn, tranh chấp về nuôi con” tại tỉnh Đắk Lắk giữa nguyên đơn là chị Phạm Thị Kiều K với bị đơn là anh Nguyễn Hữu P.

Vị trí nội dung án lệ:

Đoạn 3 phần “Nhận định của Tòa án”.

Khái quát nội dung của án lệ:

- Tình huống án lệ:

Trong vụ án hôn nhân và gia đình có tranh chấp về quyền nuôi con dưới 36 tháng tuổi; người mẹ tự ý bỏ đi từ khi con còn rất nhỏ, không quan tâm đến việc trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con; người con được người cha nuôi dưỡng, chăm sóc trong điều kiện tốt và đã quen với điều kiện, môi trường sống đó.

- Giải pháp pháp lý:

Trường hợp này, Tòa án phải tiếp tục giao con dưới 36 tháng tuổi cho người cha trực tiếp nuôi dưỡng, chăm sóc.

Quy định của pháp luật liên quan đến án lệ:

Khoản 2, 3 Điều 81 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014.

Từ khóa của án lệ:

“Quyền nuôi con dưới 36 tháng tuổi”; “Ly hôn”; “Tranh chấp về nuôi con”.

NỘI DUNG VỤ ÁN

Chị Phạm Thị Kiều K và anh Nguyễn Hữu P kết hôn trên cơ sở tự nguyện, đăng ký kết hôn ngày 27/7/2016, tại Ủy ban nhân dân xã E, huyện K, tỉnh Đắk Lắk. Tuy nhiên, sau khi kết hôn một thời gian, thì vợ chồng phát sinh mâu thuẫn, nguyên nhân do tính tình không hợp, thường xuyên bất đồng quan điểm trong cuộc sống, do đó chị K bỏ về nhà bố mẹ đẻ sống từ khoảng tháng 3/2017. Nay, xét thấy mâu thuẫn vợ chồng đã trầm trọng, cuộc sống chung không thể kéo dài, mục đích của hôn nhân không đạt được, nên chị Phạm Thị Kiều K và anh Nguyễn Hữu P thuận tình ly hôn.

- Về con chung: Anh, chị xác nhận có 01 con chung là cháu Nguyễn Đắc T, sinh ngày 30/11/2016. Khi cháu T được 04 tháng tuổi, chị K bỏ về nhà bố mẹ đẻ sinh sống, để lại cháu T cho anh P nuôi dưỡng. Nay, anh, chị cùng đề nghị xin được nuôi con chung, chị K yêu cầu anh P cấp dưỡng tiền nuôi con, còn anh P không yêu cầu chị K cấp dưỡng tiền nuôi con.

- Về tài sản chung: Vợ chồng cùng xác nhận không có tài sản chung và không có công nợ chung, nên không yêu cầu Tòa án giải quyết.

Tại Bản án Hôn nhân và gia đình sơ thẩm số 02/2018/HNGĐ-ST ngày 05/3/2018, Tòa án nhân dân huyện Krông Pắc, tỉnh Đắk Lắk:

Căn cứ khoản 1 Điều 28, điểm a khoản 1 Điều 35điểm a khoản 1 Điều 39, Điều 147Điều 212 và Điều 213 của Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015; các Điều 51, 55, 5881, 82, 83110, 116 và Điều 117 của Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014khoản 5 Điều 27 Nghị quyết 326/2016/UBTVQH14 ngày 30/12/2016 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội quy định về mức thu, miễn, giảm, thu, nộp, quản lý và sử dụng án phí lệ phí Tòa án, quyết định:

- Về quan hệ hôn nhân: Công nhận sự thuận tình ly hôn giữa chị Phạm Thi Kiều K và anh Nguyễn Hữu P.

- Về con chung: Giao cháu Nguyễn Đắc T, sinh ngày 30/11/2016 cho anh Nguyễn Hữu P trực tiếp trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục cho đến khi cháu T đủ 18 tuổi. Chị Phạm Thị Kiều K được quyền đi lại thăm nom, chăm sóc con chung, không ai có quyền ngăn cản.

- Về cấp dưỡng tiền nuôi con: Ghi nhận việc chị Phạm Thị Kiều K tự nguyện cấp dưỡng mỗi tháng 1.000.000 đồng để nuôi cháu Nguyễn Đắc T, sinh ngày 30/11/2016 cho đến khi cháu T tròn 18 tuổi.

- Về tài sản chung, nợ chung: Các đương sự không yêu cầu, nên Tòa án không giải quyết.

Ngoài ra, bản án sơ thẩm còn quyết định về án phí; quyền, nghĩa vụ thi hành án và thông báo quyền kháng cáo theo quy định của pháp luật.

- Ngày 08/3/2018, chị Phạm Thị Kiều K kháng cáo xin được nuôi con chung, không yêu cầu anh Nguyễn Hữu P cấp dưỡng tiền nuôi con.

Tòa án cấp phúc thẩm xét xử vắng mặt anh Nguyễn Hữu P, với lý do: Tòa án đã tống đạt thông báo triệu tập phiên tòa phúc thẩm hợp lệ 02 lần, nhưng anh P đều vắng mặt không có lý do. Tại phiên tòa phúc thẩm, chị K giữ nguyên nội dung yêu cầu tại đơn khởi kiện và đơn kháng cáo.

Tại Bản án Hôn nhân và gia đình phúc thẩm số 11/2018/HNGĐ-PT ngày 07/6/2018, Tòa án nhân dân tỉnh Đắk Lắk quyết định:

Chấp nhận đơn kháng cáo của chị Phạm Thị Kiều K; sửa Bản án Hôn nhân và gia đình sơ thẩm số 02/2018/HNGĐ-ST ngày 05/3/2018 của Tòa án nhân dân huyện Krông Pắc.

Căn cứ khoản 1 Điều 28, điểm a khoản 1 Điều 35điểm a khoản 1 Điều 39, khoản 4 Điều 147Điều 212 và Điều 213 của Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015; các Điều 51, 55, 5881, 82, 83110, 116 và Điều 117 của Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014điểm a khoản 5 Điều 27 Nghị quyết 326/2016/UBTVQH14 ngày 30/12/2016 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội quy định về mức thu, miễn, giảm, thu, nộp, quản lý và sử dụng án phí lệ phí Tòa án, tuyên xử:

- Về quan hệ hôn nhân: Công nhận sự thuận tình ly hôn giữa chị Phạm Thị Kiều K và anh Nguyễn Hữu P.

- Về con chung: Giao cháu Nguyễn Đắc T, sinh ngày 30/11/2016 cho chị Phạm Thị Kiều K trực tiếp trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục cho đến khi cháu T đủ 18 tuổi. Anh Nguyễn Hữu P được quyền đi lại thăm nom, chăm sóc con chung, không ai có quyền ngăn cản.

- Về cấp dưỡng nuôi con: Chị Phạm Thị Kiều K không yêu cầu anh Nguyễn Hữu P cấp dưỡng nuôi con chung.

- Về tài sản chung, nợ chung: Các đương sự không yêu cầu, nên Tòa án không giải quyết.

Ngày 06/7/2018, anh Nguyễn Hữu P có “Đơn đề nghị xem xét giám đốc thẩm”, với nội dung: Tòa án cấp phúc thẩm không tống đạt thông báo xét xử, không giao bản án phúc thẩm. Khi có quyết định thi hành án anh mới biết việc thay đổi giao con chung cho chị K nuôi dưỡng là vi phạm tố tụng; anh không nhất trí việc cấp phúc thẩm giao con cho chị K nuôi dưỡng, anh đề nghị được nuôi con như bản án sơ thẩm đã quyết định.

Tại Quyết định kháng nghị giám đốc thẩm số 114/2018/QĐKNGĐT-VKS-DS ngày 10/10/2018, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân cấp cao tại Đà Nẵng đề nghị Ủy ban Thẩm phán Tòa án nhân dân cấp cao tại Đà Nẵng xét xử giám đốc thẩm hủy Bản án Hôn nhân và gia đình phúc thẩm số 11/2018/HNGĐ-PT ngày 07/6/2018 của Tòa án nhân dân tỉnh Đắk Lắk để xét xử phúc thẩm lại, theo đúng quy định pháp luật.

Tại phiên tòa giám đốc thẩm, đại diện Viện kiểm sát nhân dân cấp cao tại Đà Nang thay đổi nội dung kháng nghị, đề nghị Hội đồng xét xử giám đốc thẩm, hủy bản án Hôn nhân và gia đình phúc thẩm, giữ nguyên bản án Hôn nhân và gia đình sơ thẩm.

NHẬN ĐỊNH CỦA TÒA ÁN:

[1] Về tố tụng: Về phạm vi xét xử phúc thẩm: Sau khi xét xử sơ thẩm, chị Phạm Thị Kiều K chỉ kháng cáo Bản án Hôn nhân và gia đình sơ thẩm về “Phần con chung”. Trong nhận định của Bản án phúc thẩm cũng chỉ xem xét về “Phần con chung”, nhưng phần quyết định của Bản án phúc thẩm lại quyết định cả “Về quan hệ hôn nhân, về tài sản, nợ chung” là không đúng theo quy định tại Điều 293 Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015.

[2] Về sự có mặt của đương sự: Căn cứ các tài liệu có trong hồ sơ vụ án, thấy rằng: Trước khi xét xử, Tòa án cấp phúc thẩm đã tống đạt các thông báo, quyết định đưa vụ án ra xét xử phúc thẩm cho anh Nguyễn Hữu P qua dịch vụ bưu chính (thể hiện tại các phiếu báo phát - bút lục số 83, 84, 86). Anh Nguyễn Hữu P không nhận được các văn bản tố tụng nêu trên là do lỗi của Bưu điện huyện K (tại Công văn số 23/BĐH.KRP ngày 25/9/2018, Bưu điện huyện K xác nhận do ông Nguyễn Thanh T1 nhân viên bưu tá phát nhầm cho người khác cùng tên P ở thôn H - bút lục số 102). Như vậy, Tòa án cấp phúc thẩm xét xử vắng mặt anh Nguyễn Hữu P là thực hiện đúng quy định tại điểm b khoản 2 Điều 227, khoản 3 Điều 296 của Bộ luật Tố tụng dân sự.

[3] Về nội dung: Về việc nuôi con chung: Quá trình giải quyết vụ án chị Phạm Thị Kiều K và anh Nguyễn Hữu P đều có nguyện vọng xin được nuôi cháu Nguyễn Đắc T, sinh ngày 30/11/2016. Khoản 3 Điều 81 của Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014 quy định: “Con dưới 36 tháng tuổi được giao cho mẹ trực tiếp nuôi, trừ trường hợp người mẹ không đủ điều kiện để trực tiếp trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con hoặc cha mẹ có thỏa thuận khác phù hợp với lợi ích của con”. Trong vụ án này, chỉ vì mâu thuẫn vợ chồng, chị Phạm Thị Kiều K tự ý về nhà bố mẹ đẻ sinh sống, bỏ lại cháu T mới được 04 tháng tuổi cho anh Nguyễn Hữu P nuôi dưỡng. Tại các Biên bản xác minh cùng ngày 23/01/2018 (bút lục số 19, 20, 24), Ban tự quản thôn và Chi hội phụ nữ thôn H, xã E, huyện K xác nhận: “Anh Nguyễn Hữu P nuôi dưỡng, chăm sóc cháu Nguyễn Đắc T rất tốt. Anh P có việc làm tại Công ty TNHH Thương mại và dịch vụ N, thu nhập ổn định, hoàn toàn đủ điều kiện để nuôi cháu T”. Mặc dù, khoản 3 Điều 81 của Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014 quy định “Con dưới 36 tháng tuổi phải giao cho mẹ trực tiếp nuôi...”, nhưng chị K đã không nuôi cháu T từ khi cháu được 04 tháng tuổi. Hiện tại, cháu T đã quen với điều kiện, môi trường sống và được anh P nuôi dưỡng, chăm sóc đảm bảo trong điều kiện tốt nhất; nếu giao cháu T cho chị K nuôi dưỡng sẽ gây sự xáo trộn, ảnh hưởng đến sự phát triển bình thường của cháu. Quá trình giải quyết vụ án, Tòa án cấp sơ thẩm đã xem xét một cách toàn diện, tiếp tục giao cháu T cho anh P trực tiếp nuôi dưỡng, chăm sóc là có căn cứ. Tòa án cấp phúc thẩm sửa bản án sơ thẩm giao cháu T cho chị K nuôi dưỡng là không phù hợp, chưa xem xét đầy đủ đến quyền và lợi ích hợp pháp về mọi mặt của cháu T.

[4] Về việc cấp dưỡng nuôi con: Tại phiên tòa sơ thẩm, anh Nguyễn Hữu P không yêu cầu cấp dưỡng, còn chị Phạm Thị Kiều K có ý kiến: “Nếu Tòa án giao con cho anh P nuôi dưỡng, chị tự nguyện cấp dưỡng 1.000.000 đồng/tháng”. Thu nhập của chị Phạm Thị Kiều K là 6.000.000 đồng/tháng, do đó mức cấp dưỡng mà chị K tự nguyện là phù hợp.

[5] Đối với việc nuôi con chung sau khi ly hôn: Nếu chị Phạm Thị Kiều K có đủ căn cứ cho rằng anh Nguyễn Hữu P không còn đủ điều kiện nuôi con chung hoặc ngược đãi con chung, thì có quyền khởi kiện yêu cầu Tòa án thay đổi người trực tiếp nuôi con, cũng như thay đổi mức cấp dưỡng và phương thức cấp dưỡng nuôi con chung theo quy định của Luật Hôn nhân và gia đình.

Vì các lẽ trên;

QUYẾT ĐỊNH:

Căn cứ khoản 2 Điều 343, Điều 344 Bộ luật Tố tụng dân sự.

1. Chấp nhận Quyết định kháng nghị giám đốc thẩm số 114/2018/QĐKNGĐT ngày 10/10/2018 của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân cấp cao tại Đà Nẵng.

2. Hủy Bản án hôn nhân và gia đình phúc thẩm số 11/2018/HNGĐ-PT ngày 07/6/2018 của Tòa án nhân dân tỉnh Đắk Lắk và giữ nguyên Bản án hôn nhân và gia đình sơ thẩm số 02/2018/HNGĐ-ST ngày 05/3/2018 của Tòa án nhân dân huyện Krông Pắc, tỉnh Đắk Lắk.

NỘI DUNG ÁN LỆ:

“[3] Về nội dung: Về việc nuôi con chung: Quá trình giải quyết vụ án chị Phạm Thị Kiều K và anh Nguyễn Hữu P đều có nguyện vọng xin được nuôi cháu Nguyên Đắc T, sinh ngày 30/11/2016. Khoản 3 Điều 81 của Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014 quy định: “Con dưới 36 tháng tuổi được giao cho mẹ trực tiếp nuôi, trừ trường hợp người mẹ không đủ điều kiện để trực tiếp trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con hoặc cha mẹ có thỏa thuận khác phù hợp với lợi ích của con”. Trong vụ án này, chỉ vì mâu thuẫn vợ chồng, chị Phạm Thị Kiều K tự ý về nhà bố mẹ đẻ sinh sống, bỏ lại cháu T mới được 04 tháng tuổi cho anh Nguyễn Hữu P nuôi dưỡng. Tại các Biên bản xác minh cùng ngày 23/01/2018 (bút lục số 19, 20, 24), Ban tự quản thôn và Chi hội phụ nữ thôn H, xã E, huyện K xác nhận: “Anh Nguyễn Hữu P nuôi dưỡng, chăm sóc cháu Nguyễn Đắc T rất tốt. Anh P có việc làm tại Công ty TNHH Thương mại và dịch vụ N, thu nhập ổn định, hoàn toàn đủ điều kiện để nuôi cháu T”. Mặc dù, khoản 3 Điều 81 của Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014 quy định “Con dưới 36 tháng tuổi phải giao cho mẹ trực tiếp nuôi...”, nhưng chị K đã không nuôi cháu T từ khi cháu được 04 tháng tuổi. Hiện tại, cháu T đã quen với điều kiện, môi trường sống và được anh P nuôi dưỡng, chăm sóc đảm bảo trong điều kiện tốt nhất; nếu giao cháu T cho chị K nuôi dưỡng sẽ gây sự xáo trộn, ảnh hưởng đến sự phát triển bình thường của cháu. Quá trình giải quyết vụ án, Tòa án cấp sơ thẩm đã xem xét một cách toàn diện, tiếp tục giao cháu T cho anh P trực tiếp nuôi dưỡng, chăm sóc là có căn cứ. Tòa án cấp phúc thẩm sửa bản án sơ thẩm giao cháu T cho chị K nuôi dưỡng là không phù hợp, chưa xem xét đầy đủ đến quyền và lợi ích hợp pháp về mọi mặt của cháu T.”

ÁN LỆ SỐ 55/2022/AL 1

Về công nhận hiệu lực của hợp đồng vi phạm điều kiện về hình thức

Được Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao thông qua ngày 07 tháng 9 năm 2022 và được công bố theo Quyết định số 323/QĐ-CA ngày 14 tháng 10 năm 2022 của Chánh án Tòa án nhân dân tối cao.

Nguồn án lệ:

Bản án dân sự sơ thẩm số 16/2019/DS-PT ngày 19/3/2019 của Tòa án nhân dân tỉnh Quảng Ngãi về vụ án “Tranh chấp hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất” giữa nguyên đơn là ông Võ Sĩ M với bị đơn là ông Đoàn C; người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan gồm 05 người.

Vị trí nội dung án lệ:

Đoạn 6 phần “Nhận định của Tòa án”.

Khái quát nội dung của án lệ:

- Tình huống án lệ:

Hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất được xác lập trước ngày 01/01/2017 chưa được công chứng/chứng thực nhưng bên nhận chuyển nhượng đã thực hiện 2/3 nghĩa vụ của mình.

- Giải pháp pháp lý:

Trường hợp này, Tòa án công nhận hiệu lực của hợp đồng.

Quy định của pháp luật liên quan đến án lệ:

Điều 129, khoản 1 Điều 502 và điểm b khoản 1 Điều 688 Bộ luật Dân sự năm 2015;

Điểm a khoản 3 Điều 167, khoản 1 Điều 188 Luật Đất đai năm 2013.

Từ khoá của án lệ:

“Chuyển nhượng quyền sử dụng đất”; “Chưa được công chứng/chứng thực”; “Thực hiện 2/3 nghĩa vụ”; “Công nhận hiệu lực của hợp đồng”.

NỘI DUNG VỤ ÁN

Tại đơn khởi kiện đề ngày 18/4/2017 được sửa đổi, bổ sung ngày 06/6/2017, bản tự khai và tại phiên tòa sơ thẩm nguyên đơn ông Võ Sĩ M, bà Phùng Thị N trình bày:

Giữa nguyên đơn và bị đơn ông Đoàn C, bà Trần Thị L có quan hệ họ hàng. Năm 2009 bị đơn cần tiền làm nhà cho con trai là anh Đoàn Tấn L1 nên thỏa thuận và lập hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất cho nguyên đơn, diện tích đất chuyển nhượng là lô B trong phần đất của bị đơn khi được Nhà nước cấp đất tái định cư (Nhà nước thu hồi đất của bị đơn và đã thông báo sẽ cấp đất tái định cư tại khu Làng H) với giá 90.000.000 đồng. Nguyên đơn đã trả đủ 90.000.000 đồng cho bị đơn.

Đến năm 2011, Nhà nước đã chỉ mốc giới vị trí đất cấp cho bị đơn là 03 lô đất liền kề ở mặt tiền, bị đơn và anh Đoàn Tấn L1 yêu cầu phía nguyên đơn đưa thêm 30.000.000 đồng vì giá đất mặt tiền cao hơn, nguyên đơn đồng ý đưa tiếp 20.000.000 đồng, còn 10.000.000 đồng khi nào làm thủ tục chuyển nhượng xong thì đưa đủ. Lúc này bị đơn đã chỉ vị trí cũng như mốc giới thửa đất chuyển nhượng cho phía nguyên đơn.

Trong quá trình chờ làm thủ tục chuyển nhượng quyền sử dụng đất, thì vào ngày 05/6/2014 nguyên đơn có cho bà Nguyễn Thị M1, địa chỉ: Thôn V, xã P, huyện Đ, tỉnh Quảng Ngãi thuê diện tích đất này làm mặt bằng buôn bán và không ai có ý kiến gì.

Đến tháng 10/2016 Nhà nước mới cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho bị đơn, nhưng phía bị đơn và anh Đoàn Tấn L1 chỉ đưa giấy chứng nhận quyền sử dụng đất thửa đất số 877 tờ bản đồ số 24 xã P (Sau đây viết tắt là thửa 877) cho nguyên đơn nhưng không làm thủ tục chuyển nhượng cho nguyên đơn, hiện nay nguyên đơn đã xây móng đá chẻ trên thửa 877. Nay nguyên đơn yêu cầu bị đơn phải làm thủ tục chuyển nhượng thửa 877 tờ bản đồ số 24 xã P, huyện Đ, tỉnh Quảng Ngãi cho nguyên đơn.

Trong quá trình giải quyết vụ án, bị đơn ông Đoàn C, bà Trần Thị L và người đại diện theo ủy quyền của bị đơn, ông Trương Quang T trình bày:

Bị đơn thừa nhận có việc thỏa thuận và lập hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất như nguyên đơn trình bày (khi lập hợp đồng bị đơn chưa được Nhà nước cấp đất), bị đơn đã nhận đủ 90.000.000 đồng và sau đó có nhận thêm số tiền 20.000.000 đồng, đây là tiền mà nguyên đơn nói đưa để làm thủ tục chuyển nhượng quyền sử dụng đất. Sau khi Nhà nước thu hồi đất của hộ gia đình bị đơn thì có nghe Nhà nước sẽ cấp cho gia đình bị đơn 03 lô đất trong đó có 02 lô B và 01 lô A, trong hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất ghi rõ lô B tự chọn. Khi lập hợp đồng, Nhà nước chưa cấp đất cho bị đơn nên không có đất để giao cho nguyên đơn. Mặt khác, hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất phải lập thành văn bản có công chứng, chứng thực; đất là của hộ gia đình bị đơn gồm nhiều thành viên nhưng chỉ có bị đơn thỏa thuận chuyển nhượng là không đúng pháp luật. Vì vậy, bị đơn yêu cầu tuyên bố hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất vô hiệu và giải quyết hậu quả của hợp đồng là các bên hoàn trả lại cho nhau những gì đã nhận.

Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan anh Đoàn Tấn L1 trình bày:

Anh là con của bị đơn, anh thống nhất với lời trình bày của người đại diện theo ủy quyền của bị đơn. Anh có ý kiến bổ sung là anh đứng ra bán đất cùng với cha mẹ do lúc đó quá khó khăn, còn việc giao giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho nguyên đơn là do bị đe dọa. Anh thừa nhận đổ đá chẻ lên thửa đất đang tranh chấp để làm quán cho cha mẹ nhưng do chưa sử dụng nên anh có bán cho nguyên đơn với số tiền là 6.450.000 đồng. Việc nguyên đơn tự ý xây dựng móng đá chẻ thì ông M có lên nói nhưng anh không đồng ý và có ngăn cản không cho xây dựng.

Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan anh Đoàn Tấn N1, chị Đoàn Thị Thu V, chị Đoàn Thị Mỹ N2 trình bày:

Các anh, chị có chung hộ khẩu với cha mẹ khi Nhà nước thu hồi đất cho đến nay, các anh, chị có quyền trong khối tài sản chung của gia đình. Việc cha mẹ các anh chị và anh L1 tự ý đứng ra chuyển nhượng quyền sử dụng đất là tài sản chung của hộ gia đình mà không hỏi ý kiến của các anh, chị là xâm phạm đến quyền lợi của các anh, chị nên các anh, chị không đồng ý. Các anh, chị yêu cầu tuyên bố giấy chuyển nhượng đất thổ cư ngày 10/8/2009 vô hiệu.

Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan bà Nguyễn Thị M1 trình bày:

Vào năm 2014, bà có đến nhà bị đơn hỏi thuê thửa 877 để mở quán nước, nhưng bị đơn nói đã bán đất cho nguyên đơn rồi nên đến nguyên đơn để hỏi thuê. Bà đã thỏa thuận với nguyên đơn thuê đất mở quán, trả tiền hàng năm; bà có thuê bị đơn là ông C tới dựng quán cho bà. Sau khi hòa giải ở xã thì bà có thấy anh L1 đổ đá chẻ trên thửa đất, khi nguyên đơn xây móng nhà được hai ngày thì anh L1 đến không cho xây. Bà không có ý kiến về yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn, nhưng khi giao đất cho ai thì bà sẽ tự dỡ quán và không có yêu cầu gì.

Bản án dân sự sơ thẩm số 22/2017/DS-ST ngày 21/9/2017 của Tòa án nhân dân huyện Đức Phổ tuyên xử:

Chấp nhận yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn. Công nhận hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất ngày 10/8/2009. Buộc bị đơn phải làm thủ tục chuyển nhượng thửa 877 cho nguyên đơn.

Không chấp nhận yêu cầu phản tố của bị đơn về việc hủy hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất ngày 10/8/2009.

Ngoài ra, bản án sơ thẩm còn giải quyết về chi phí tố tụng, án phí và tuyên quyền kháng cáo của các đương sự.

Ngày 02/10/2017, bị đơn và những người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan Đoàn Tấn L1, Đoàn Tấn N1, Đoàn Thị Thu V, Đoàn Thị Mỹ N2 có đơn kháng cáo: Yêu cầu Tòa án cấp phúc thẩm hủy bản án sơ thẩm để giải quyết lại. Tại phiên tòa phúc thẩm, những người kháng cáo thay đổi nội dung kháng cáo, yêu cầu Hội đồng xét xử sửa bản án sơ thẩm, tuyên bố hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất ngày 10/8/2009 vô hiệu và giải quyết hậu quả của hợp đồng vô hiệu.

Ngày 05/10/2017, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân huyện Đức Phổ có quyết định kháng nghị số 1317/QĐKNPT-VKS-DS: Yêu cầu Tòa án cấp phúc thẩm sửa bản án sơ thẩm, không chấp nhận đơn khởi kiện của nguyên đơn, chấp nhận yêu cầu phản tố của bị đơn, tuyên bố hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất giữa các nguyên đơn và bị đơn vô hiệu và các bên phải hoàn trả cho nhau những gì đã nhận. Tại phiên tòa phúc thẩm, đại diện Viện kiểm sát rút toàn bộ kháng nghị.

Bản án dân sự phúc thẩm số 24/2018/DS-PT ngày 01/02/2018 của Tòa án nhân dân tỉnh Quảng Ngãi tuyên xử: Sửa Bản án dân sự sơ thẩm số 22/2017/DS-ST ngày 21/9/2017 của Tòa án nhân dân huyện Đức Phổ; không chấp nhận yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn, chấp nhận yêu cầu phản tố của bị đơn.

Ngày 19/9/2018, Chánh án Tòa án nhân dân cấp cao tại Đà Nẵng có Quyết định kháng nghị giám đốc thẩm số 68/2018/KN-DS ngày 19/9/2018: Đề nghị hủy Bản án dân sự phúc thẩm số 24/2018/DS-PT ngày 01/02/2018 của Tòa án nhân dân tỉnh Quảng Ngãi, giao hồ sơ cho Tòa án nhân dân tỉnh Quảng Ngãi xét xử phúc thẩm lại.

Quyết định giám đốc thẩm số 93/2018/DS-GĐT ngày 29/11/2018 của Ủy ban Thẩm phán Tòa án nhân dân cấp cao tại Đà Nẵng tuyên xử: Chấp nhận Quyết định kháng nghị giám đốc thẩm số 68/2018/KN-DS ngày 19/9/2018 của Chánh án Tòa án nhân dân cấp cao tại Đà Nẵng; hủy toàn bộ Bản án dân sự phúc thẩm số 24/2018/DSPT ngày 01/02/2018 của Tòa án nhân dân tỉnh Quảng Ngãi, giao hồ sơ cho Tòa án nhân dân tỉnh Quảng Ngãi xét xử lại theo thủ tục phúc thẩm.

Ý kiến của đại diện Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Quảng Ngãi tại phiên tòa phúc thẩm:

Thẩm phán, Hội đồng xét xử, Thư ký và các đương sự đã tuân thủ đúng các quy định của Bộ luật tố tụng dân sự.

Đơn kháng cáo của bị đơn và những người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan làm trong thời hạn luật định là hợp lệ.

Về nội dung: Nội dung hợp đồng chuyển nhượng đất là Giấy chuyển nhượng đất thổ cư ngày 10/8/2009 đã được thực hiện bằng việc nguyên đơn giao 90.000.000 đồng cho phía bị đơn. Sau đó vì bị đơn không được cấp đất tái định cư là lô B nên các bên thay đổi thỏa thuận thành chuyển nhượng lô A với giá 120.000.000 đồng, phía nguyên đơn đưa tiếp 20.000.000 đồng, còn 10.000.000 đồng sẽ giao khi hoàn tất thủ tục chuyển nhượng.

Căn cứ lời trình bày của ông Phạm Văn H (Bút lục 190) và lời trình bày của bà Nguyễn Thị M1 (Bút lục 118) có cơ sở xác định bị đơn đã giao đất và giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho nguyên đơn, nguyên đơn đã xây móng nhà và cho bà M1 thuê làm quán buôn bán. Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất ghi tên bị đơn nên bị đơn có quyền chuyển nhượng mà không cần có ý kiến của các thành viên khác trong hộ gia đình.

Hợp đồng vi phạm về hình thức nhưng đang được thực hiện nên được áp dụng Bộ luật Dân sự năm 2015 để giải quyết, theo quy định tại khoản 2 Điều 129 Bộ luật Dân sự năm 2015 thì hợp đồng này được công nhận hiệu lực. Tuy nhiên, cấp sơ thẩm không buộc nguyên đơn trả tiếp cho bị đơn 10.000.000 đồng là thiếu sót.

Đề nghị Hội đồng xét xử căn cứ Điều 289, khoản 2 Điều 308, Điều 309 Bộ luật Tố tụng dân sự; đình chỉ xét xử phúc thẩm đối với phần Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Quảng Ngãi rút kháng nghị của Viện trưởng Viện kiếm sát nhân dân huyện Đức Phổ; không chấp nhận kháng cáo của bị đơn và những người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan; sửa bản án sơ thẩm, công nhận hiệu lực của hợp đồng chuyển nhượng thửa 877, nguyên đơn có nghĩa vụ thanh toán cho bị đơn 10.000.000 đồng, nguyên đơn được quyền liên hệ với cơ quan Nhà nước có thẩm quyền để được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đối với thửa 877.

NHẬN ĐỊNH CỦA TÒA ÁN:

[1] Tại phiên tòa phúc thẩm, đại diện Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Quảng Ngãi rút toàn bộ Quyết định kháng nghị số 1317/QĐKNPT-VKS-DS ngày 05/10/2017 của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân huyện Đức Phổ. Vì vậy, đình chỉ xét xử phúc thẩm một phần vụ án mà Viện kiểm sát đã rút kháng nghị là phù hợp với quy định tại Điều 284 Bộ luật Tố tụng dân sự.

[2] Trước khi Tòa án cấp sơ thẩm ra bản án, các đương sự trong vụ án không ai yêu cầu áp dụng thời hiệu nên không xem xét áp dụng thời hiệu khởi kiện theo quy định tại khoản 2 Điều 184 Bộ luật Tố tụng dân sự.

[3] Bị đơn ông C, bà L và người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan anh L1 thừa nhận, vì biết thông tin gia đình bị đơn bị thu hồi đất sẽ được cấp ba lô đất tái định cư, trong đó có một lô A và hai lô B, nên ngày 10/8/2009 nguyên đơn ông M, bà N cùng phía bị đơn ông C, bà L và anh Đoàn Tấn L1 thỏa thuận và lập “Giấy chuyển nhượng đất thổ cư” (Bút lục 27), nội dung thỏa thuận là bị đơn và anh L1 chuyển nhượng cho nguyên đơn một lô đất thuộc lô B, diện tích 5m x 20m (tự chọn khi Nhà nước cấp đất) trong phần đất của gia đình bị đơn sẽ được cấp tái định cư với giá 90.000.000 đồng, anh L1 có trách nhiệm làm giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và giao đất trên thực địa cho nguyên đơn, các bên tham gia giao dịch đều thống nhất ký tên; bị đơn đã giao đủ 90.000.000 đồng cho phía nguyên đơn. Đây là những tình tiết không phải chứng minh theo quy định tại khoản 2 Điều 92 Bộ luật Tố tụng dân sự.

[4] Phía bị đơn không thừa nhận có việc thay đổi thỏa thuận chuyển nhượng từ lô B sang lô A với giá 120.000.000 đồng như nguyên đơn trình bày vì đến năm 2016 bị đơn mới được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, 20.000.000 đồng phía bị đơn nhận thêm chỉ để làm giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, nhưng tại phiên tòa phúc thẩm anh L1 thừa nhận năm 2011 phía bị đơn đã biết vị trí ba lô đất gia đình bị đơn được cấp tái định cư trên bản đồ, không có lô B như thỏa thuận với nguyên đơn, trong 03 lô đất này có thửa 877; bên cạnh đó, tại Biên bản lấy lời khai của đương sự (Bút lục 192) ông C trình bày ông đã làm nhà trên 01 lô đất tái định cư từ năm 2013. Như vậy, tuy chưa được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất nhưng phía bị đơn đã biết vị trí các lô đất tái định cư được Nhà nước cấp.

[5] Căn cứ thực tế sử dụng thửa 877, lời khai người thuê đất là bà Nguyễn Thị M1, “Giấy thỏa thuận cho thuê đất” (Bút lục 27); biên bản lấy lời khai ông Đoàn C ngày 25/7/2017 (bút lục 192) chứng tỏ phía bị đơn đã giao thửa 877 và giấy chứng nhận quyền sử dụng thửa đất này cho nguyên đơn, nguyên đơn đã cho bà M1 thuê đất để xây dựng quán, ông C cũng đến làm công xây dựng quán cho bà M1 và không có tranh chấp gì; chính anh L1 đã đổ đá chẻ trên thửa 877 và bán cho nguyên đơn để nguyên đơn xây móng nhà.

[6] Về thời hạn thực hiện giao dịch được hai bên xác định là từ khi xác lập giao dịch cho đến khi phía bị đơn thực hiện xong nghĩa vụ sang tên trong giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho nguyên đơn, nên đây là giao dịch đang được thực hiện, về nội dung, hình thức phù hợp với quy định của Bộ luật Dân sự năm 2015 nên áp dụng Bộ luật Dân sự năm 2015 là đúng với quy định tại điểm b khoản 1 Điều 688 Bộ luật Dân sự năm 2015. Như vậy, tuy thời điểm các bên thỏa thuận việc chuyển nhượng quyền sử dụng đất thì phía bị đơn chưa được cấp đất nên chỉ lập giấy viết tay thể hiện nội dung thỏa thuận, nhưng khi được cấp đất các bên đã thay đổi thỏa thuận bằng lời nói thành chuyển nhượng thửa 877 và tiếp tục thực hiện hợp đồng bằng việc giao thêm tiền, giao đất, giao giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, thời điểm giao giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đang đứng tên bị đơn là đã đủ điều kiện để chuyển nhượng. Theo quy định tại Điều 116, khoản 2 Điều 129 Bộ luật Dân sự năm 2015 thì tuy giao dịch chuyển nhượng quyền sử dụng đất của các bên không tuân thủ về hình thức được quy định tại khoản 1 Điều 502 Bộ luật Dân sự năm 2015 nhưng bên nguyên đơn đã thực hiện giao cho phía bị đơn 110.000.000 đồng, phía bị đơn đã giao quyền sử dụng đất cho nguyên đơn là đã thực hiện hơn 2/3 nghĩa vụ trong giao dịch nên giao dịch được công nhận hiệu lực. Tòa án cấp sơ thẩm công nhận hiệu lực của giao dịch là đúng pháp luật nhưng buộc bị đơn phải làm thủ tục chuyển nhượng thửa 877 cho nguyên đơn là không cần thiết, khi Tòa án công nhận hiệu lực của giao dịch thì nguyên đơn liên hệ cơ quan Nhà nước có thẩm quyền để được công nhận quyền sử dụng đất theo bản án đã có hiệu lực pháp luật.

[7] Những người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan là các anh chị Đoàn Tấn L1, Đoàn Tấn N1, Đoàn Thị Thu V, Đoàn Thị Mỹ N2 là thành viên trong gia đình bị đơn kháng cáo cho rằng việc cha mẹ các anh, chị chuyển nhượng quyền sử dụng đất không được sự đồng ý của các anh chị, gây ảnh hưởng đến quyền và lợi ích hợp pháp của các anh chị thì thấy rằng: Theo giấy chứng nhận quyền sử dụng đất thì thửa 877 là đất tái định cư được cấp cho bị đơn, không phải cấp cho hộ gia đình nên bị đơn có quyền chuyển nhượng, việc chuyển nhượng thửa 877 của bị đơn không vi phạm điều cấm của pháp luật như bị đơn và những người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan trình bày; trường hợp thửa 877 là tài sản chung của hộ gia đình thì bị đơn chỉ chuyển nhượng một trong ba thửa đất tái định cư nên vẫn thuộc phạm vi quyền tài sản của bị đơn trong khối tài sản chung của hộ gia đình.

[8] Từ những nhận định trên, không chấp nhận kháng cáo của bị đơn ông C, bà L và những người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan là các anh, chị L1, N1, V, N2.

[9] Tuy nhiên, theo thỏa thuận chuyển nhượng thì nguyên đơn còn phải trả cho bị đơn 10.000.000 đồng, Tòa án cấp sơ thẩm công nhận hợp đồng nhưng không buộc phía nguyên đơn tiếp tục trả số tiền còn lại cho bị đơn là thiếu sót, cần sửa bản án sơ thẩm về nội dung này.

[10] Tại phiên tòa phúc thẩm, nguyên đơn tự nguyện để cho quán nước tạm có diện tích 25m2 dựng bằng cây bạch đàn, mái lợp tôn sắt, nền láng xi măng của bà Nguyễn Thị M1 được tiếp tục tồn tại trên đất trong trường hợp Tòa án chấp nhận yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn. Như nhận định trên thì nguyên đơn là người sử dụng đất hợp pháp nên ghi nhận sự tự nguyện của nguyên đơn.

[11] Đối với phần móng đá nguyên đơn đã xây dựng trên thửa đất số 877, tờ bản đồ số 24 xã P có giá trị 9.400.000 đồng, do nguyên đơn mua vật liệu và tự xây dựng nên thuộc quyền sở hữu, sử dụng của nguyên đơn.

[12] Các phần khác của bản án sơ thẩm xét xử phù hợp với quy định pháp luật được giữ nguyên.

[13] Ý kiến của Đại diện Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Quảng Ngãi có căn cứ, đúng pháp luật nên được chấp nhận.

[14] Bị đơn là người cao tuổi và có đơn xin miễn án phí, vì vậy miễn án phí dân sự phúc thẩm cho bị đơn là phù hợp với quy định tại điểm đ khoản 1 Điều 12 Nghị quyết 326/2016/UBTVQH14 ngày 30/12/2016 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội; những người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan là các anh, chị L1, N1, V, N2 không phải chịu án phí dân sự phúc thẩm là phù hợp với quy định tại khoản 2 Điều 148 Bộ luật Tố tụng dân sự.

Vì các lẽ trên;

QUYẾT ĐỊNH:

Áp dụng khoản 1 Điều 147, khoản 2 Điều 148Điều 289, khoản 2 Điều 308, Điều 309 Bộ luật Tố tụng dân sựĐiều 116, khoản 2 Điều 129 Bộ luật Dân sự năm 2015Điều 106 Luật Đất đai năm 2003điểm đ khoản 1 Điều 12 Nghị quyết số 326/2016/UBTVQH14 ngày 30/12/2016 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Đình chỉ xét xử phúc thẩm một phần vụ án đối với Quyết định kháng nghị số 1317/QĐKNPT-VKS-DS ngày 05/10/2017 của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân huyện Đức Phổ.

Không chấp nhận kháng cáo của bị đơn ông Đoàn C, bà Trần Thị L và nhũng người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan là các anh, chị Đoàn Tấn L1, Đoàn Tấn N1, Đoàn Thị Thu V, Đoàn Thị Mỹ N2.

Tuyên xử: Sửa một phần bản án dân sự sơ thẩm số 22/2017/DS-ST ngày 21/9/2017 của Tòa án nhân dân huyện Đức Phổ.

1. Chấp nhận yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn ông Võ Sĩ M và bà Phùng Thị N;

Công nhận hiệu lực của hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng thửa đất số 877, tờ bản đồ số 24, xã P giữa ông Võ Sĩ M, bà Phùng Thị N với ông Đoàn C, bà Trần Thị L. Ông M, bà N có quyền sử dụng thửa đất số 877, tờ bản đồ số 24, xã P. Ông M, bà N có nghĩa vụ liên hệ cơ quan nhà nước có thẩm quyền để được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đối với thửa đất số 877, tờ bản đồ số 24, xã P, huyện Đ, tỉnh Quảng Ngãi.

Ông Võ Sĩ M, bà Phùng Thị N phải có nghĩa vụ thanh toán tiếp cho ông Đoàn C, bà Trần Thị L 10.000.000 đồng (Mười triệu đồng).

2. Không chấp nhận toàn bộ yêu cầu phản tố của ông Đoàn C, bà Trần Thị L và những người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan anh Đoàn Tấn L1, anh Đoàn Tấn N1, chị Đoàn Thị Thu V, chị Đoàn Thị Mỹ N2 về việc tuyên bố hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất ngày 10/8/2009 vô hiệu và giải quyết hậu quả của hợp đồng vô hiệu.

3. Ghi nhận sự tự nguyện của ông Võ Sĩ M, bà Phùng Thị N về việc để quán nước tạm có diện tích 25m2 dựng bằng cây bạch đàn, mái lợp tôn sắt, nền láng xi măng của bà Nguyễn Thị M1 được tiếp tục tồn tại trên thửa đất số 877, tờ bản đồ số 24 xã P.

4. Ghi nhận sự tự nguyện của ông Võ Sĩ M, bà Phùng Thị N về việc tự chịu chi phí xem xét thẩm định tại chỗ.

5. Về án phí:

5.1. Ông Võ Sĩ M, bà Phùng Thị N không phải chịu án phí dân sự sơ thẩm, hoàn trả 300.000 đồng (Ba trăm nghìn đồng) tạm ứng án phí ông M, bà N đã nộp theo biên lai số AA/2014/003 747 ngày 07/6/2017 của Chi cục Thi hành án dân sự huyện Đức Phổ, tỉnh Quảng Ngãi.

5.2. Ông Đoàn C, bà Trần Thị L được miễn án phí dân sự sơ thẩm và phúc thẩm.

5.3. Các anh, chị Đoàn Tấn L1, Đoàn Tấn N1, Đoàn Thị Thu V, Đoàn Thị Mỹ N2 không phải chịu án phí dân sự phúc thẩm. Hoàn trả cho mỗi người 300.000 đồng (Ba trăm nghìn đồng) tạm ứng án phí phúc thẩm đã nộp theo các biên lai thu tiền số AA/2014/0003856, AA/2014/0003859, AA/2014/0003857, AA/2014/0003858 cùng ngày 19/10/2017 của Chi cục Thi hành án dân sự huyện Đức Phổ, tỉnh Quảng Ngãi.

6. Kể từ ngày người được thi hành án có đơn yêu cầu thi hành án, người phải thi hành án chậm thi hành thì phải trả lãi đối với số tiền chậm thi hành án tương ứng với thời gian chậm thi hành án theo mức lãi suất do bên được thi hành án và bên phải thi hành án thỏa thuận; nếu không thỏa thuận thì thực hiện theo quy định tại khoản 2 Điều 357 của Bộ luật Dân sự năm 2015.

7. Trường hợp bản án được thi hành theo quy định tại Điều 2 Luật Thi hành án dân sự, thì người được thi hành án, người phải thi hành án dân sự có quyền thỏa thuận thi hành án, quyền yêu cầu thi hành án, tự nguyện thi hành án hoặc bị cưỡng chế thi hành án theo quy định tại các Điều 6, 77a, 7b và 9 Luật Thi hành án dân sự. Thời hiệu thi hành án được thực hiện theo quy định tại Điều 30 Luật Thi hành án dân sự.

8. Bản án phúc thẩm có hiệu lực pháp luật kể từ ngày tuyên án.

NỘI DUNG ÁN LỆ:

“[6] Về thời hạn thực hiện giao dịch được hai bên xác định là từ khi xác lập giao dịch cho đến khi phía bị đơn thực hiện xong nghĩa vụ sang tên trong giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho nguyên đơn, nên đây là giao dịch đang được thực hiện, về nội dung, hình thức phù hợp với quy định của Bộ luật Dân sự năm 2015 nên áp dụng Bộ luật Dân sự năm 2015 là đúng với quy định tại điểm b khoản 1 Điều 688 Bộ luật Dân sự năm 2015. Như vậy, tuy thời điểm các bên thỏa thuận việc chuyển nhượng quyền sử dụng đất thì phía bị đơn chưa được cấp đất nên chỉ lập giấy viết tay thể hiện nội dung thỏa thuận, nhưng khi được cấp đất các bên đã thay đổi thỏa thuận bằng lời nói thành chuyển nhượng thửa 877 và tiếp tục thực hiện hợp đồng bằng việc giao thêm tiền, giao đất, giao giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, thời điểm giao giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đang đứng tên bị đơn là đã đủ điều kiện để chuyển nhượng. Theo quy định tại Điều 116, khoản 2 Điều 129 Bộ luật Dân sự năm 2015 thì tuy giao dịch chuyển nhượng quyền sử dụng đất của các bên không tuân thủ về hình thức được quy định tại khoản 1 Điều 502 Bộ luật Dân sự năm 2015 nhưng bên nguyên đơn đã thực hiện giao cho phía bị đơn 110.000.000 đồng, phía bị đơn đã giao quyền sử dụng đất cho nguyên đơn là đã thực hiện hơn 2/3 nghĩa vụ trong giao dịch nên giao dịch được công nhận hiệu lực...”

ÁN LỆ SỐ 56/2022/AL 1

Về việc giải quyết tranh chấp di dời mồ mả

Được Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao thông qua ngày 07 tháng 9 năm 2022 và được công bố theo Quyết định số 323/QĐ-CA ngày 14 tháng 10 năm 2022 của Chánh án Tòa án nhân dân tối cao.

Nguồn án lệ:

Bản án dân sự sơ thẩm số 33/2019/DS-ST ngày 18/11/2019 của Tòa án nhân dân huyện Châu Thành, tỉnh Kiên Giang về vụ án “Tranh chấp yêu cầu chấm dứt hành vi ngăn cản di dời mồ mả” giữa nguyên đơn là bà Trần Thị Thu V với bị đơn là anh Vương Minh T, anh Vương Minh H.

Vị trí nội dung án lệ:

Đoạn 4 phần “Nhận định của Tòa án”.

Khái quát nội dung của án lệ:

- Tình huống án lệ:

Người chồng chết, người vợ nhờ chôn cất người chồng trên phần đất của người thân bên nhà chồng. Sau đó, người vợ muốn di dời phần mộ của người chồng về đất của gia đình mình thì phát sinh tranh chấp.

- Giải pháp pháp lý:

Trường hợp này, Tòa án phải xác định người vợ có quyền di dời mồ mả của người chồng để quản lý, chăm sóc.

Quy định của pháp luật liên quan đến án lệ:

Khoản 1 Điều 7, Điều 11 và khoản 1 Điều 39 Bộ luật Dân sự năm 2015;

Điều 4 Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015.

Từ khóa của án lệ:

“Tranh chấp di dời mồ mả”; “Quyền chăm sóc, quản lý, di dời mồ mả”.

NỘI DUNG VỤ ÁN:

Theo đơn khởi kiện ngày 24/04/2019 cùng các lời khai trong quá trình giải quyết vụ án, nguyên đơn bà Trần Thị Thu V trình bày:

Nguyên chồng bà là ông Vương Văn A, sinh năm 1945, chết năm 2004, trước khi chết thì chồng bà có tâm nguyện chôn cất tại đất nhà ấp B, xã M, huyện C, tỉnh Kiên Giang. Nhưng vào thời điểm chồng bà chết thì phần đất của gia đình bà đang trong quy hoạch nên bà mới đem ông A về phần đất của anh chồng bà là ông Vương Văn B chôn cất với ý định của bà và con bà là nhờ để chờ qua quy hoạch sẽ đem hài cốt chồng của bà về đất nhà chôn cất.

Hiện nay phần đất của gia đình bà ổn định, bà muốn thực hiện theo nguyện vọng của chồng bà là đem hài cốt của ông A về đất nhà chôn cất nhưng hai cháu là anh Vương Minh T và anh Vương Minh H ngăn cản không đồng ý cho bà đem hài cốt chồng của bà đi về đất nhà chôn cất.

Tại phiên tòa hôm nay: ông Phù Thanh S, người đại diện theo ủy quyền tham gia tố tụng của bà Trần Thị Thu V yêu cầu Tòa án giải quyết buộc anh Vương Minh T và anh Vương Minh H không được ngăn cản việc bà V đem hài cốt của chồng bà là ông Vương Văn A về đất nhà của bà để chôn cất.

Bị đơn là anh Vương Minh T và anh Vương Minh H cũng có ý kiến trình bày:

Ông Vương Văn A là chú ruột của hai anh, lúc ông A chết thì có chôn cất trên phần đất của gia đình anh, hiện nay do anh Vương Văn T đứng tên trên giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Nay với yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn là bà Trần Thị Thu V yêu cầu anh em anh chấm dứt hành vi ngăn cản việc bà lấy hài cốt của chồng bà là ông Vương Văn A về đất nhà của bà để chôn cất thì các anh không đồng ý với lý do chú của anh là ông Vương Văn A hiện nay là không có người thân bên cạnh chăm sóc mồ mả. Ngoài ra tạm thời để anh em anh chăm sóc khi nào xác định có người thân bên cạnh thì anh em anh sẽ đồng ý cho bà V di dời hài cốt. Anh em anh đã chăm sóc khoảng 15 năm nay rồi nên không đồng ý với yêu cầu của bà V.

Tại phiên tòa hôm nay: Với yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn là bà Trần Thị Thu V yêu cầu anh em anh chấm dứt hành vi ngăn cản việc bà lấy hài cốt của chồng bà là ông Vương Văn A về đất nhà của bà để chôn cất thì anh em anh không đồng ý.

Đại diện Viện kiểm sát nhân dân huyện Châu Thành nêu quan điểm về việc tuân theo pháp luật của Thẩm phán và người tham gia tố tụng trong vụ án từ khi thụ lý đến thời điểm nghị án tại phiên tòa sơ thẩm hôm nay đã tuân thủ đúng các quy định của Bộ luật Tố tụng dân sự; về hướng giải quyết vụ án: Đề nghị Hội đồng xét xử chấp nhận toàn bộ yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn.

NHẬN ĐỊNH CỦA TÒA ÁN:

[1] Yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn bà Trần Thị Thu V thực hiện quyền khởi kiện theo quy định tại khoản 2 Điều 4, khoản 14 Điều 26điểm a khoản 1 Điều 35, điểm a khoản 1 Điều 39 Bộ luật Tố tụng dân sự là thuộc thẩm quyền của Tòa án nhân dân huyện Châu Thành, tỉnh Kiên Giang.

[2] Về quan hệ pháp luật tranh chấp: Nguyên đơn Trần Thị Thu V yêu cầu anh Vương Minh T và anh Vương Minh H không được ngăn cản việc bà V lấy hài cốt của chồng bà là ông Vương Văn A về đất nhà của bà để chôn cất, nên quan hệ pháp luật tranh chấp được xác định trong vụ án là “Tranh chấp yêu cầu chấm dứt hành vi ngăn cản di dời mồ mả

[3] Về nội dung vụ án: Trong quá trình giải quyết vụ án thì nguyên đơn bà Trần Thị Thu V với bị đơn anh Vương Minh T và anh Vương Minh H thống nhất xác định lúc trước bà V có nhờ đất của anh em anh Vương Minh T và anh Vương Minh H để chôn cất phần mộ của chồng bà là ông Vương Văn A và hiện tại phần mộ của ông A vẫn còn nằm trên phần đất của anh Vương Minh T. Bà Trần Thị Thu V yêu cầu Tòa án giải quyết buộc anh Vương Minh T và anh Vương Minh H không được ngăn cản việc bà V lấy hài cốt của chồng bà là ông Vương Văn A về đất nhà của bà để chôn cất. Bị đơn anh Vương Minh T và anh Vương Minh H không đồng ý yêu cầu của bà V với lý do chú là ông Vương Văn A hiện nay là không có người thân bên cạnh chăm sóc mồ mả.

[4] Hội đồng xét xử xét thấy: Trong quá trình giải quyết vụ án, các bên đều thống nhất xác định trên phần đất của anh Vương Minh T và anh Vương Minh H có phần mộ của ông Vương Văn A; bà V là vợ hợp pháp của ông Vương Văn A, nay bà có nguyện vọng di dời hài cốt của chồng bà là ông Vương Văn A về phần đất nhà của bà để chôn cất và chăm sóc. Xét yêu cầu di dời hài cốt ông Vương Văn A là chồng của nguyên đơn bà Trần Thị Thu V là có căn cứ và phù hợp với phong tục tập quán cũng như truyền thống của người Việt Nam. Việc anh Vương Minh T và anh Vương Minh H đưa ra những lý do trên để ngăn cản bà V di dời hài cốt của chồng mình là không hợp lý, bởi bà V có mối quan hệ là vợ của ông Vương Văn A được pháp luật cũng như các bên thừa nhận nên có quyền thăm nom, chăm sóc và quản lý mồ mả của chồng mình là phù hợp với đạo lý cũng như thuần phong, mỹ tục của người Việt Nam và đúng theo quy định tại khoản 1 Điều 5 Bộ luật Dân sự năm 2015.

[5] Từ những căn cứ nhận định trên, Hội đồng xét xử xét thấy yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn bà Trần Thị Thu V là có căn cứ nên được chấp nhận. Do đó, buộc bị đơn anh Vương Minh T và anh Vương Minh H phải chấm dứt hành vi cản trở việc bà Trần Thị Thu V di dời hài cốt của chồng bà là ông Vương Văn A.

[6] Về án phí dân sự sơ thẩm: Buộc bị đơn anh Vương Minh T và anh Vương Minh H mỗi người phải nộp án phí sơ thẩm là 300.000 đồng.

[7] Hoàn trả cho nguyên đơn bà Trần Thị Thu V số tiền tạm ứng án phí sơ thẩm 300.000 đồng theo biên lai thu tiền số 0009710 ngày 24 tháng 4 năm 2019 của Chi cục thi hành án dân sự huyện Châu Thành.

Vì các lẽ trên,

QUYẾT ĐỊNH:

Căn cứ vào khoản 2 Điều 4, khoản 14 Điều 26điểm a khoản 1 Điều 35, điểm a khoản 1 Điều 39 Bộ luật Tố tụng dân sự 2015;

Căn cứ vào Điều 4, Điều 5, Điều 14 Bộ luật Dân sự 2015;

Căn cứ vào Điều 18 và Điều 27 Pháp lệnh án phí, lệ phí Tòa án số 10/2009/PL-UBTVQH12 ngày 27/02/2009;

Tuyên xử:

1. Chấp nhận toàn bộ yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn bà Trần Thị Thu V.

2. Buộc bị đơn anh Vương Minh T và anh Vương Minh H phải chấm dứt hành vi cản trở việc bà Trần Thị Thu V di dời hài cốt của chồng bà là ông Vương Văn A.

3. Về án phí dân sự sơ thẩm: Áp dụng Điều 147 Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015Điều 18 và Điều 27 Pháp lệnh án phí, lệ phí Tòa án số 10/2009/PL-UBTVQH12 ngày 27/02/2009;

Buộc bị đơn anh Vương Minh T và anh Vương Minh H mỗi người phải nộp án phí sơ thẩm là 300.000 đồng.

Hoàn trả cho nguyên đơn bà Trần Thị Thu V số tiền tạm ứng án phí sơ thẩm 300.000 đồng theo biên lai thu tiền số 0009710 ngày 24 tháng 4 năm 2019 của Chi cục thi hành án dân sự huyện Châu Thành.

Trường hợp bản án, quyết định được thi hành theo quy định tại Điều 2 Luật Thi hành án dân sự thì người được thi hành án dân sự, người phải thi hành án dân sự có quyền thỏa thuận thi hành án, quyền yêu cầu thi hành án, tự nguyện thi hành án hoặc bị cưỡng chế thi hành án theo quy định tại các Điều 67a, 7b và 9 Luật Thi hành án dân sự; thời hiệu thi hành án được thực hiện theo quy định tại Điều 30 Luật Thi hành án dân sự.

4. Các đương sự có quyền kháng cáo trong hạn 15 ngày kể từ ngày tuyên án, đương sự vắng mặt tại phiên tòa hoặc không có mặt khi tuyên án mà có lý do chính đáng thì thời hạn kháng cáo tính từ ngày nhận được bản án hoặc được tống đạt hợp lệ.

NỘI DUNG ÁN LỆ

“[4] ... Trong quá trình giải quyết vụ án các bên đều thống nhất xác định trên phần đất của anh Vương Minh T và anh Vương Mình H có phần mộ của ông Vương Vãn A; Bà V là vợ hợp pháp của ông Vương Văn A, nay bà có nguyện vọng di dời hài cốt của chồng bà là ông Vương Văn A về phần đất nhà của bà để chôn cất và chăm sóc. Xét yêu cầu di dời hài cốt ông Vương Văn A là chồng của nguyên đơn bà Trần Thị Thu V là có căn cứ và phù hợp với phong tục tập quán cũng như truyền thống của người Việt Nam. Việc anh Vương Minh T và anh Vương Minh H đưa ra những lý do trên để ngăn cản bà V di dời hài cốt của chồng mình là không hợp lý, bởi bà V có mối quan hệ là vợ của ông Vương Văn A được pháp luật cũng như các bên thừa nhận nên có quyền thăm nom, chăm sóc và quản lý mồ mả của chồng mình là phù hợp với đạo lý cũng như thuần phong, mỹ tục của người Việt Nam và đúng theo quy định tại khoản 1 Điều 5 Bộ luật Dân sự năm 2015.”



[1] Án lệ này do Vụ Pháp chế và Quản lý khoa học Tòa án nhân dân tối cao đề xuất.

1 Án lệ này do Vụ Pháp chế và Quản lý khoa học Tòa án nhân dân tối cao đề xuất.

1 Án lệ này do GS.TS Đỗ Văn Đại, Trưởng khoa Luật Dân sự Trường Đại học Luật Thành phố Hồ Chí Minh đề xuất

1 Án lệ này do NCS. Lý Văn Toán, Tòa án nhân dân huyện Châu Thành, tỉnh Kiên Giang và CN. Hồ Thị Kiều Trang, Tòa án nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh đề xuất

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét