TÒA ÁN NHÂN DÂN TỐI CAO | CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 01-TANDTC /CT | Hà Nội, ngày 01 tháng 08 năm 1990 |
CHỈ THỊ
VỀ VIỆC TRIỆU TẬP NGƯỜI BÀO CHỮA
1. Trong thời gian vừa qua có một số Tòa án cho rằng việc báo cho người bào chữa, người bảo vệ quyền lợi của đương sự đến tham gia phiên tòa xét xử các vụ án hình sự, dân sự là trách nhiệm của bị cáo, của các đương sự, trừ các trường hợp quy định tại khoản 2 Điều 37 Bộ luật tố tụng hình sự; nên Tòa án đã không triệu tập người bào chữa, người bảo vệ quyền lợi của đương sự tham gia phiên tòa; do đó, những người tham gia tố tụng này phải đến trụ sở Tòa án xem lịch phiên tòa hoặc chỉ được Tòa án thông báo đến tham gia phiên tòa thông qua bị cáo hoặc các đương sự. Quan niệm và việc làm như trên là không đúng. Các Tòa án cần lưu ý như sau: Theo Điều 157 Bộ luật tố tụng hình sự thì quyết định đưa vụ án ra xét xử phải được Tòa án giao cho người bào chữa của bị cáo chậm nhất là mười ngày trước khi mở phiên tòa. Trong các điều khoản khác của Bộ luật tố tụng hình sự cũng như trong Pháp lệnh thủ tục giải quyết các vụ án dân sự, tuy không quy định rõ việc Tòa án phải gửi giấy triệu tập cho người bào chữa, người bảo vệ quyền lợi của đương sự tham gia phiên tòa, nhưng tinh thần chung là Tòa án có trách nhiệm triệu tập những người tham gia tố tụng (trong đó có người bào chữa, người bảo vệ quyền lợi của đương sự) đến tham gia phiên tòa sơ thẩm cũng như phúc thẩm.
Vì các lẽ trên đây, các Tòa án có trách nhiệm giao cho người bào chữa, người bảo vệ quyền lợi của đương sự quyết định đưa vụ án ra xét xử hoặc giấy triệu tập họ tham gia phiên tòa (nếu phiên tòa chưa được tiến hành vào ngày đã định trong quyết định đưa vụ án ra xét xử hoặc trong trường họp hoãn phiên tòa, triệu tập họ tham gia phiên tòa phúc thẩm). Để đảm bảo cho sự có mặt của họ tại phiên tòa, và đề phòng trường hợp thất lạc giấy triệu tập, Tòa án có thể yêu cầu những người được họ bào chữa, bảo vệ quyền lợi báo tin thêm cho họ về ngày mở phiên tòa.
2. Theo Điều 25 Pháp lệnh thủ tục giải quyết các vụ án dân sự, thì người bảo vệ quyền lợi của đương sự có quyền tham dự hòa giải. Vì “tham dự” khác với sự “tham gia”, cho nên sự có mặt của người bảo vệ quyền lợi của đương sự khi Tòa án tiến hành hòa giải là không bắt buộc và Tòa án chỉ triệu tập họ tham dự hòa giải khi xét thấy việc đó là cần thiết. Nếu Tòa án không triệu tập nhưng họ đến tham dự hòa giải cùng với người được họ bảo vệ thì Tòa án phải chấp nhận việc tham dự của họ.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét