TÒA ÁN NHÂN DÂN TỐI CAO | CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 01/2008/CT-CA | Hà Nội, ngày 04 tháng 03 năm 2008 |
CHỈ THỊ
VỀ VIỆC TRIỂN KHAI, TỔ CHỨC THỰC HIỆN CÁC NHIỆM VỤ TRỌNG TÂM CÔNG TÁC CỦA NGÀNH TÒA ÁN NHÂN DÂN NĂM 2008
Năm 2007, Việt Nam đạt được nhiều thành tựu trên các lĩnh vực chính trị, kinh tế - xã hội, văn hóa, quốc phòng và an ninh. Cùng với cả nước, ngành Tòa án nhân dân về cơ bản đã hoàn thành tốt các nhiệm vụ trọng tâm công tác được đề ra từ đầu năm. Số lượng các vụ án được giải quyết tăng hơn so với cùng kỳ năm trước, chất lượng tiếp tục đảm bảo và có nhiều tiến bộ. Các mặt công tác khác như: công tác xây dựng ngành; giải quyết đơn đề nghị giám đốc thẩm, tái thẩm; xây dựng và hướng dẫn áp dụng thống nhất pháp luật; thi hành án hình sự … cũng có những chuyển biến tích cực. Tuy nhiên, công tác Tòa án vẫn còn tồn tại một số khuyết điểm, thiếu sót cần nghiêm túc rút kinh nghiệm và tìm ra các giải pháp khắc phục.
Trong bối cảnh tình hình tội phạm chưa có chiều hướng giảm; các tranh chấp về dân sự, hôn nhân và gia đình, kinh doanh thương mại, lao động và các vụ án hành chính có xu hướng gia tăng về số lượng và phức tạp về tính chất; tình hình khiếu nại, tố cáo nói chung, trong đó có khiếu nại tư pháp còn diễn biến rất phức tạp …; do đó, nhiệm vụ công tác năm 2008 của ngành Tòa án nhân dân rất nặng nề. Bên cạnh đó ngành Tòa án nhân dân tiếp tục thực hiện các nghị quyết của Bộ Chính trị về cải cách tư pháp, nghị quyết của Quốc hội, Ủy ban thường vụ Quốc hội liên quan đến tổ chức, hoạt động của ngành nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác.
Để triển khai, tổ chức thực hiện có hiệu quả các nhiệm vụ trọng tâm công tác năm 2008, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao yêu cầu Thủ trưởng các đơn vị thuộc Tòa án nhân dân tối cao, Chánh án Tòa án nhân dân và Tòa án quân sự các cấp trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ của mình chỉ đạo và tổ chức triển khai thực hiện tốt một số nhiệm vụ cơ bản sau đây:
1. Tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 02/2007/CT-CA ngày 10/10/2007 của Chánh án Tòa án nhân dân tối cao về việc nâng cao chất lượng xét xử, khắc phục việc để các vụ án quá hạn luật định; đẩy nhanh tiến độ và nâng cao chất lượng giải quyết, xét xử các loại vụ án; phấn đấu không để xảy ra việc kết án oan người không có tội hoặc bỏ lọt tội phạm; hạn chế tới mức thấp nhất các bản án, quyết định bị hủy, sửa do lỗi chủ quan của Thẩm phán; đảm bảo các bản án, quyết định của Tòa án phải đúng pháp luật, đầy đủ, rõ ràng, có sức thuyết phục cao và có tính khả thi; tiếp tục nâng cao chất lượng tranh tụng tại phiên tòa trên cơ sở các quy định của pháp luật tố tụng và tinh thần cải cách tư pháp; chú trọng và làm tốt công tác hòa giải trong quá trình giải quyết các vụ việc dân sự; đưa ra xét xử kịp thời, nghiêm minh các vụ án hình sự, đặc biệt là các điểm được dự luận xã hội quan tâm; tăng cường công tác xét xử lưu động.
2. Căn cứ vào tình hình thực tế của đơn vị mình, tìm ra các biện pháp phù hợp, có hiệu quả để khắc phục những khuyết điểm, thiếu sót trong công tác của năm 2007; kiên quyết xử lý những cán bộ mắc những thiếu sót, khuyết điểm mà trong tổng kết, tập huấn đã được rút kinh nghiệm nhưng vẫn vi phạm. Phấn đấu hoàn thành các nhiệm vụ công tác năm 2008 (đặc biệt là các chỉ tiêu về công tác xét xử) được xác định tại Hội nghị triển khai công tác năm 2008 của ngành Tòa án nhân dân. Xác định trách nhiệm của Thủ trưởng các đơn vị thuộc Tòa án nhân dân tối cao, Chánh án Tòa án nhân dân và Chánh án Tòa án quân sự các cấp phải chịu trách nhiệm liên đới về các vi phạm, khuyết điểm, thiếu sót xảy ra tại cơ quan, đơn vị mình.
3. Tăng cường công tác kiểm tra, giám đốc việc xét xử của Tòa án cấp trên đối với Tòa án cấp dưới để kịp thời phát hiện và khắc phục sai sót trong công tác giải quyết, xét xử các loại vụ án; tập trung giải quyết đúng và kịp thời các đơn khiếu nại, tố cáo, đơn đề nghị giám đốc thẩm hoặc tái thẩm; ưu tiên giải quyết các đơn khiếu kiện bức xúc, kéo dài, các đơn đề nghị xem xét lại bản án, quyết định đã có hiệc lực pháp luật nhưng sắp hết thời hạn kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm hoặc tái thẩm, thực hiện tốt; có hiệu quả Thông báo số 01/TB-TANDTC-TK ngày 01/02/2008 về “Kết luận của Chánh án Tòa án nhân dân tối cao quy định tạm thời về việc phân cấp và trình tự giải quyết đơn khiếu nại tư pháp trong ngành Tòa án nhân dân”.
4. Khắc phục triệt để việc chậm phát hành bản án, quyết định của Tòa án để kịp thời ra quyết định thi hành án hình sự; bảo đảm ra quyết định thi hành án hình sự đối với 100% số người bị kết án mà bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật; việc ra quyết định hoãn hoặc tạm đình chỉ thi hành án phải có căn cứ theo đúng quy định của pháp luật; phối hợp chặt chẽ với các cơ quan hữu quan và chính quyền địa phương nhằm tổ chức thực hiện tốt các quyết định thi hành án hình sự của Tòa án.
5. Tăng cường tổng kết thực tiễn xét xử nhằm làm tốt hơn nữa công tác xây dựng và hướng dẫn áp dụng thống nhất pháp luật. Hoàn thiện các dự án pháp lệnh được giao chủ trì soạn thảo để trình Ủy ban thường vụ Quốc hội xem xét thông qua (bao gồm Pháp lệnh bắt giữ tàu biển; Pháp lệnh bắt giữ tàu bay; Pháp lệnh án phí, lệ phí tại Tòa án nhân dân; Pháp lệnh chi phí giám định, định giá trong tố tụng dân sự và tố tụng hành chính). Tập trung nghiên cứu, xây dựng và ban hành các văn bản hướng dẫn thi hành Bộ luật hình sự, Bộ luật tố tụng hình sự, Bộ luật dân sự, Bộ luật tố tụng dân sự và những văn bản pháp luật khác liên quan tới công tác xét xử và công tác tổ chức, hoạt động của Tòa án các cấp. Rà soát các văn bản quy phạm pháp luật do Tòa án nhân dân tối cao ban hành, tổng kết ba năm thi hành Bộ luật tố tụng dân sự để đề nghị cơ quan có thẩm quyền sửa đổi hoặc bổ sung cho phù hợp với cam kết của Việt Nam khi gia nhập tổ chức thương mại thế giới (WTO) và phù hợp với thực tiễn. Thực hiện tốt Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh của Quốc hội, Ủy ban thường vụ Quốc hội, đặc biệt là các dự án luật, pháp lệnh mà Tòa án nhân dân tối cao là thành viên Ban soạn thảo.
6. Khẩn trương giải quyết các đơn yêu cầu bồi thường thiệt hại của người bị kết án oan theo đúng quy định của Nghị quyết số 388/2003/NQ-UBTVQH11 ngày 17/3/2003 của Ủy ban thường vụ Quốc hội về bồi thường thiệt hại cho người bị oan do người có thẩm quyền trong hoạt động tố tụng hình sự gây ra. Trường hợp hòa giải không thành, người bị kết án oan khởi kiện vụ án dân sự đòi bồi thường thì Tòa án có thẩm quyền phải khẩn trương thụ lý, giải quyết theo đúng quy định của pháp luật dân sự.
7. Tổng kết, đánh giá kết quả thực hiện Nghị quyết số 11/NQ-TW ngày 25/01/2002 và Nghị quyết số 42/NQ-TW ngày 30/11/2004 của Bộ chính trị về công tác quy hoạch và luân chuyển cán bộ; tiếp tục củng cố, kiện toàn bộ máy và tổ chức cán bộ Tòa án các cấp; thực hiện ngay các biện pháp cụ thể, hữu hiệu để từng bước bảo đảm tuyển dụng và tuyển chọn đủ cán bộ, Thẩm phán, đặc biệt là đối với các tỉnh miền núi phía Bắc, miền Trung, Tây Nguyên và Tây Nam Bộ; thực hiện tốt công tác quy hoạch, luân chuyển, điều động, biệt phái cán bộ, Thẩm phán; đổi mới công tác tạo nguồn để bổ nhiệm Thẩm phán; xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức Tòa án trong sạch, vững mạnh, bảo đảm về phẩm chất đạo đức, bản lĩnh chính trị, trình độ năng lực chuyên môn nghiệp vụ, nhất là đối với Thẩm phán; tăng cường việc đào tạo, bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ, lý luận chính trị cho Thẩm phán, Thư ký Tòa án, Thẩm tra viên, chuyên viên và bồi dưỡng, tập huấn nghiệp vụ cho Hội thẩm.
Khẩn trương xây dựng đề án nâng cao năng lực và quy mô Trường cán bộ Tòa án thuộc Tòa án nhân dân tối cao, triển khai kế hoạch đào tạo, đào tạo lại, bồi dưỡng nâng cao năng lực cho đội ngũ cán bộ, Thư ký, Thẩm tra viên, Thẩm phán và Hội thẩm Tòa án các cấp.
8. Tiến hành sơ kết, đánh giá kết quả 3 năm thực hiện Nghị quyết số 49/NQ-TW ngày 02/6/2005 của Bộ Chính trị về chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020; triển khai nghiên cứu, xây dựng Đề án thành lập Tòa án sơ thẩm khu vực, Đề án thành lập Tòa án phúc thẩm, Đề án thành lập Tòa thượng thẩm, Đề án đổi mới tổ chức và hoạt động của Tòa án nhân dân tối cao, Đề án đổi mới tổ chức và hoạt động của Tòa án Quân sự các cấp.
9. Phối hợp với các ngành Kiểm sát, Công an và Tư pháp tổng kết việc thực hiện các nghị quyết của Quốc hội và Ủy ban thường vụ Quốc hội về giao thẩm quyền xét xử mới về hình sự, dân sự cho Tòa án nhân dân cấp huyện. Tiếp tục xem xét, đề nghị Ủy ban thường vụ Quốc hội giao thẩm quyền xét xử mới về hình sự, dân sự cho các Tòa án nhân dân cấp huyện hiện chưa được giao thực hiện thẩm quyền xét xử mới; phấn đấu hoàn thành việc tăng thẩm quyền cho các Tòa án cấp huyện trong năm 2008.
10. Tập trung kinh phí, xác định trọng điểm đầu tư xây dựng mới và sửa chữa, cải tạo, mở rộng trụ sở làm việc cho Tòa án nhân dân các cấp, đặc biệt là Tòa án cấp huyện vừa đáp ứng việc giao thẩm quyền xét xử mới, vừa đáp ứng yêu cầu việc thành lập Tòa án sơ thẩm khu vực sau này; quản lý chặt chẽ vốn đầu tư xây dựng cơ bản và sử dụng kinh phí được cấp đúng quy định, hiệu quả; tiếp tục đẩy mạnh việc đầu tư, ứng dụng công nghệ tin học trong các lĩnh vực hoạt động của ngành.
11. Triển khai thực hiện tốt quyết định của Chánh án Tòa án nhân dân tối cao về phân cấp quản lý kinh phí chi thường xuyên và kinh phí xây dựng cơ bản cho Chánh án Tòa án nhân dân cấp tỉnh; tiến tới việc phân cấp mạnh về quản lý tổ chức cán bộ Tòa án địa phương cho Chánh án Tòa án nhân dân cấp tỉnh.
12. Triển khai thực hiện việc công khai, minh bạch các hoạt động của Tòa án theo quy định của pháp luật; ban hành quy tắc ứng xử của Thẩm phán, Thư ký, cán bộ, công chức Tòa án theo đúng quy định của Luật phòng, chống tham nhũng. Triển khai và thực hiện nghiêm túc Luật thực hành tiết kiệm, chống lãng phí.
13. Thực hiện nghiêm túc chế độ báo cáo, thống kê của ngành, đảm bảo đưa phần mềm quản lý, thống kê các vụ án hình sự đã được nối mạng từ Tòa án nhân dân tối cao tới 64 Tòa án nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương vào ứng dụng trong năm 2008; nghiên cứu, sửa đổi bổ sung hệ thống sổ nghiệp vụ của ngành Tòa án nhân dân theo hướng gọn nhẹ dễ sử dụng.
14. Gắn việc tổ chức thực hiện Chỉ thị số 06/CT-TW ngày 07/11/2006 của Bộ Chính trị về học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh với việc phát động mạnh mẽ phong trào thi đua “phụng công, thủ pháp, chí công vô tư” trong toàn ngành Tòa án nhân dân; xây dựng ngành Tòa án nhân dân trong sạch, vững mạnh “gần dân, hiểu dân, giúp dân, học dân” nhằm nâng cao chất lượng công tác xét xử các loại vụ án, công tác thi hành án hình sự và các hoạt động khác của ngành.
Thủ trưởng các đơn vị thuộc Tòa án nhân dân tối cao, Chánh án Tòa án nhân dân và Tòa án quân sự các cấp trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của mình có trách nhiệm quán triệt nội dung Chỉ thị này đến toàn thể Thẩm phán, cán bộ, công chức thuộc quyền quản lý; đồng thời chỉ đạo và tổ chức triển khai thực hiện nghiêm túc Chỉ thị này./.
| CHÁNH ÁN |
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét