CỦA HỘI ĐỒNG THẨM PHÁN TÒA ÁN NHÂN DÂN TỐI CAO HƯỚNG DẪN ÁP
DỤNG MỘT SỐ QUY ĐỊNH CỦA BỘ LUẬT HÌNH SỰ Bắt đầu từ
ngày 1-1-1986, Bộ luật hình sự được thi hành trong cả nước. Phần chung của Bộ
luật hình sự rất quan trọng vì đó là những chính sách, quan điểm cơ bản về hình
sự của Đảng và Nhà nước ta. Vì vậy, căn cứ vào Điều 24 Luật tổ
chức Tòa án nhân dân, Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao họp trong
ba ngày 3, 4 và 5 tháng 1 năm 1986 với sự tham gia của đồng chí Trần Tê - Phó
Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao và đồng chí Phùng Văn Tửu - Thứ
trưởng Bộ Tư pháp, hướng dẫn Tòa án các cấp quán triệt áp dụng thống nhất một
số quy định sau đây trong phần chung của Bộ luật hình sự. I- HIỆU LỰC CỦA BỘ LUẬT HÌNH SỰ VỀ THỜI GIAN (ĐIỀU 7 BLHS) 1) Đây là một
trong những vấn đề rất quan trọng mà các Tòa án cần nắm vững để áp dụng nghiêm
chỉnh Bộ luật hình sự vì khoản 1 của Điều 7 đã quy định nguyên tắc chung trong
áp dụng luật hình sự là: “Điều luật áp dụng đối với một hình sự có hiệu lực thi
hành từ ngày 1-1-1986 cho nên mọi hành vi phạm tội được thực hiện từ ngày
1-1-1986 trở về sau đều phải xử lý theo những quy định của Bộ luật hình sự. Những hành vi
nào mà Bộ luật hình sự không quy định là tội phạm thì không được đưa ra truy
tố, xét xử. Việc trừng trị một số tội phạm trước đây tuy không có luật nào quy
định nhưng đã truy tố, xét xử theo đường lối chính sách hoặc áp dụng nguyên tắc
tương tự, nay không được áp dụng nữa. + Đối với
những tội mà Bộ luật hình sự mới quy định thì cần thấy rằng trước đây, vì ta
mới chỉ có một số luật và pháp lệnh quy định việc trừng trị một số tội, cho nên
ngoài việc áp dụng những luật và pháp lệnh đó, căn cứ vào ý thức pháp chế xã
hội chủ nghĩa, các cơ quan Công an, Viện kiểm sát và Tòa án còn truy cứu trách
nhiệm hình sự cả đối với một số hành vi phạm tội theo đường lối, chính sách của
Đảng và Nhà nước như: tội tổ chức, cưỡng ép người trốn đi nước ngoài không có
mục đích phản cách mạng; tội cưỡng dâm; tội giao cấu với người chưa thành niên
dưới 16 tuổi; tội vi phạm chế độ một vợ một chồng; tội dụ dỗ hoặc chức chấp
người chưa thành niên phạm pháp; tội bắt trộm, mua bán hoặc đánh tráo trẻ em
v.v… Việc xử lý về hình sự những hành vi nói trên mặc dầu chưa có pháp luật quy
định trong một điều cụ thể, nhưng đã được Nhà nước và xã hội thừa nhận, cho nên
không coi là tội mới. Những hành vi nói trên, nếu xảy ra trước ngày 1-1-1986 mà
nay mới đưa ra truy tố, xét xử, thì áp dụng những điều luật tương ứng được quy
định trong Bộ luật hình sự. Vì vậy, chỉ coi là tội mới những hành vi mà trước
đây Nhà nước ta chưa coi là tội phạm, chưa đưa ra xét xử bao giờ mà nay Bộ luật
hình sự mới quy định là tội phạm. Thí dụ: tội vi phạm các quy định về hàng
không (Điều 90); tội vi phạm các quy định về hàng hải (Điều 91); tội báo cáo sai trong quản lý kinh tế (Điều
176); tội lưu hành sản phẩm kém phẩm chất (Điều 177)
v.v… Đối với những hành vi nói trên, nếu xảy ra trước ngày 1-1-1986 thì không
được đưa ra truy tố, xét xử. + Đối với
những tội phạm mà Bộ luật hình sự quy định “một hình phạt nặng hơn” thì không
áp dụng quy định mới về hình phạt của Bộ luật hình sự mà vẫn áp dụng luật cũ
đối với những tội được thực hiện trước ngày 1-1-1986. Căn cứ để so
sánh một hình phạt mới nặng hơn một hình phạt cũ là lấy mức hình phạt tối đa
của khung hình phạt cao nhất của cùng một tội trong Bộ luật hình sự và trong
luật cũ. Nếu mức tối đa của hình phạt mới quy định cao hơn mức tối đa của cùng
tội trong luật cũ thì đó là hình phạt mới nặng hơn; ngược lại là nhẹ hơn. Thí
dụ: Điều 82 Bộ luật hình sự quy định hình phạt cao nhất đối
với tội tuyên truyền chống chế độ xã hội chủ nghĩa là 20 năm tù, nhưng Điều 15 Pháp lệnh ngày 30-10-1967 quy định hình phạt cao nhất
đối với tội này chỉ là 12 năm tù. Do đó, nếu tội này xảy ra trước ngày 1-1-1986
thì vẫn áp dụng Điều 15 Pháp lệnh ngày 30-10-1967. 3) Khoản 3
của Điều 7 còn quy định: “Điều luật xóa bỏ một tội phạm hoặc quy định một hình
phạt nhẹ hơn được áp dụng đối với hành vi phạm tội đã thực hiện trước khi điều
luật đó được ban hành”. Do đó, những
hành vi trước đây bị coi là tội phạm, nay Bộ luật hình sự không quy định là tội
phạm, là “những tội phạm được Bộ luật hình sự xóa bỏ”. Thí dụ: tội thông gian
gây hậu quả nghiêm trọng; tội dâm ô; tội phá thai trái phép v.v… Nếu những hành
vi này đã thực hiện trước ngày 1-1-1986 thì không được đưa ra truy tố, xét xử
nữa. Những điều
của Bộ luật hình sự quy định tội phạm cũ có “hình phạt nhẹ hơn” hình phạt trong
luật cũ thì được áp dụng đối với cả những tội thực hiện trước ngày 1-1-1986.
Thí dụ: Pháp lệnh ngày 30-6-1982 quy định hình phạt nặng nhất đối với tội đầu
cơ có thể đến tử hình, nhưng Điều 165 Bộ luật hình sự quy
định hình phạt cao nhất là chung thân, do đó, Điều 165 được
áp dụng đối với tội đầu cơ được thực hiện trước ngày 1-1-1986 mà nay mới đưa ra
xét xử. Nếu một tội
có nội dung và hình phạt quy định trong luật mới và luật cũ giống nhau thì định
tội và áp dụng hình phạt theo luật mới để xét xử. Đối với những
vụ án sơ thẩm trước ngày 1-1-1986 mà sau ngày này mới xử phúc thẩm phải căn cứ
vào khoản 2 hoặc khoản 3 của Điều 7 Bộ luật hình sự và điều
luật trong luật cũ hoặc luật mới quy định tội phạm đó để xét xử. Đối với những
bản án đã có hiệu lực pháp lâụt trước ngày 1-1-1986, nói chung, không kháng
nghị và xét xử lại theo trình tự giám đốc thẩm để sửa lại nặng hơn hoặc nhẹ hơn
theo Bộ luật hình sự. Tuy nhiên, nếu đối chiếu với luật cũ mà thấy bản án đã có
hiệu lực pháp luật có sai lầm nghiêm trọng thì vẫn phải giám đốc thẩm và khi
giám đốc thẩm thì xử theo tinh thần của Bộ luật hình sự về những trường hợp có
thể xử nhẹ hơn. Căn cứ vào điều 7 Bộ luật hình sự, Tòa án nhân dân tối cao đã liệt kê
những trường hợp còn được áp dụng luật cũ hoặc áp dụng ngay Bộ luật hình sự đối
với những hành vi xảy ra trước ngày 1-1-1986. Bản phụ lục của nghị quyết này
cần được áp dụng trong công tác xét xử của Tòa án nhân dân các cấp. II- PHÒNG VỆ CHÍNH ĐÁNG (ĐIỀU 12 BLHS) Điều 13 của
Bộ luật hình sự đã quy định: 1) Phòng vệ
chính đáng là hành vi của người vì bảo vệ lợi ích của Nhà nước, của tập thể,
bảo vệ lợi ích chính đáng của mình hoặc của người khác, mà chống trả lại một
cách tương xứng người có hành vi xâm phạm các lợi ích nói trên. Phòng vệ chính
đáng không phải là tội phạm. 2) Nếu hành
vi chống trả rõ ràng là quá đáng, tức là vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng,
thì người có hành vi đó phải chịu trách nhiệm hình sự. Việc xem xét
những trường hợp phòng vệ chính đáng thường khó khăn, cho nên, Tòa án nhân dân
tối cao đã tổng kết thực tiễn xét xử và có Chỉ thị số 07 ngày 22-12-1983 về
việc xét xử các hành vi xâm phạm tính mạng hoặc sức khỏe của người khác do vượt
quá giới hạn phòng vệ chính đáng hoặc trong khi thi hành công vụ. Nội dung Chỉ
thị nói trên phù hợp với Điều 13 của Bộ luật hình sự. Hành
vi xâm phạm tính mạng hoặc sức khỏe của người khác được coi là phòng vệ chính
đáng khi có đủ các điều kiện sau đây: a) Hành vi
xâm hại những lợi ích cần phải bảo vệ là hành vi phạm tội hoặc rõ ràng là có
tính chất nguy hiểm cho xã hội. b) Hành vi
nguy hiểm cho xã hội đang gây thiệt hại hoặc đe dọa gây thiệt hại thực sự và
ngay tức khắc cho những lợi ích cần phải bảo vệ. c) Phòng vệ
chính đáng không chỉ gạt bỏ sự đe dọa, đẩy lùi sự tấn công, mà còn có thể tích
cực chống lại sự xâm hại, gây thiệt hại cho chính người xâm hại. d) Hành vi
phòng vệ phải tương xứng với hành vi xâm hại, tức là không có sự chênh lệch quá
đáng giữa hành vi phòng vệ với tính chất và mức độ nguy hiểm của hành vi xâm
hại. Tương xứng
không có nghĩa là thiệt hại do người phòng vệ gây ra cho người xâm hại phải
ngang bằng hoặc nhỏ hơn thiệt hại do người xâm hại đe dọa gây ra hoặc đã gây ra
cho người phòng vệ. Để xem xét
hành vi chống trả có tương xứng hay không, có rõ ràng là quá đáng hay không,
thì phải xem xét toàn diện những tình tiết có liên quan đến hành vi xâm hại và
hành vi phòng vệ như: khách thể cần bảo vệ (thí dụ: bảo vệ địa điểm thuộc bí
mật quốc gia, bảo vệ tính mạng); mức độ thiệt hại do hành vi xâm hại có thể gây
ra hoặc đã gây ra và do hành vi phòng vệ gây ra; vũ khí, phương tiện, phương
pháp mà hai bên đã sử dụng; nhân thân của người xâm hại (nam, nữ; tuổi; người
xâm hại là côn đồ, lưu manh…); cường độ của sự tấn công và của sự phòng vệ;
hoàn cảnh và nơi xảy ra sự việc (nơi vắng người, nơi đông người, đêm khuya)
v.v… Đồng thời cũng cần phải chú ý đến yếu tố tâm lý của người phải phòng vệ có
khi không thể có điều kiện để bình tĩnh lựa chọn được chính xác phương pháp,
phương tiện chống trả thích hợp, nhất là trong trường hợp họ bị tấn công bất
ngờ. Sau khi đã
xem xét một cách đầy đủ, khách quan tất cả các mặt nói trên mà nhận thấy rõ
ràng là trong hoàn cảnh sự việc xảy ra, người phòng vệ đã sử dụng những phương
tiện, phương pháp rõ ràng quá đáng và gây thiệt hại rõ ràng quá mức (như: gây
thương tích nặng, làm chết người) đối với người có hành vi xâm hại thì coi hành
vi chống trả là không tương xứng và là vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng.
Ngược lại, nếu hành vi chống trả là tương xứng thì đó là phòng vệ chính đáng. III- CHUẨN BỊ PHẠM TỘI VÀ PHẠM TỘI CHƯA ĐẠT
(ĐIỀU 15 BLHS) Xác định hai
giai đoạn này của tội phạm có ý nghĩa rất quan trọng trong việc quy trách nhiệm
hình sự và quyết định hình phạt. Chỉ đối với
những tội phạm thực hiện do cố ý thì mới có giai đoạn chuẩn bị phạm tội, vì khi
cố ý phạm tội thì người phạm tội mới thường tiến hành một số hoạt động như: bàn
bạc với người khác, tìm kiếm, sửa soạn phương tiện phạm tội hoặc tạo những điều
kiện cần thiết khác cho việc thực hiện tội phạm. Khoản 1 Điều
15 Bộ luật hình sự quy định: Chỉ chuẩn bị phạm một tội nghiêm trọng thì
người chuẩn bị phạm tội mới phải chịu trách nhiệm hình sự, tức là chỉ đối với
những tội phạm gây nguy hiểm lớn cho xã hội mà mức cao nhất của khung hình phạt
đối với tội ấy là trên 5 năm tù, thì người chuẩn bị phạm tội mới phải chịu
trách nhiệm hình sự. Khi hành vi
của người phạm tội đã chuyển sang giai đoạn thực hiện thì hành vi đó đã thực sự
nguy hiểm cho xã hội. Vì vậy, khoản 2 điều 14 Bộ luật hình sự quy
định trừng trị cả trường hợp phạm tội chưa đạt, không phân biệt tội nghiêm
trọng hay ít nghiêm trọng. Phạm tội chưa đạt là những hành vi đã tiến hành tội
phạm, nhưng không thực hiện được đến cùng vì những nguyên nhân ngoài ý muốn của
người phạm tội. Trong thực tế
đấu tranh chống tội phạm, phạm tội chưa đạt có hai dạng: phạm tội chưa đạt chưa
hoàn thành vì không có điều kiện thực hiện đầy đủ hành vi phạm tội, thí dụ: A
đã trèo tường vào nhà B để trộm tài sản, nhưng thấy động nên phải rút lui; và
phạm tội chưa đạt đã hoàn thành vì đã thực hiện đến cùng tội phạm nhưng không
đạt được mục đích, thí dụ: kẻ giết người đã bắn vào người bị hại, nhưng bắn
không trúng, hoặc y đã cho người khác uống thuốc độc, nhưng do liều lượng quá
nhẹ nên người bị hại không chết. Thông thường
thì trường hợp thứ hai nguy hiểm hơn trường hợp thứ nhất, cho nên phải xử phạt
nặng hơn. Bản án xử
những trường hợp phạm tội chưa đạt phải định tội danh là phạm tội chưa đạt về
tội gì (thí dụ: giết người chưa đạt) và phải viện dẫn điều luật quy định về tội
đó (như: Điều 101 về tội giết người…) và khoản
2 Điều 15 về phạm tội chưa đạt. IV- TỰ Ý NỬA CHỪNG CHẤM DỨT VIỆC PHẠM TỘI (ĐIỀU 15 Bộ luật hình sự) Tự ý nửa
chừng chấm dứt việc phạm tội là tự mình không thực hiện tội phạm đến cùng tuy
không có gì ngăn cản. Người tự ý nửa chừng chấm dứt việc phạm tội được miễn
trách nhiệm hình sự về tội định phạm. Thí dụ: B đã chuẩn bị dao găm, bao tải để
giết người và cướp của ở nhà ông A, B đến nhà ông A nhưng B nghỉ lại và thấy
rằng ông A đã là người tốt đối với mình nên B quay về, không giết người, cướp
của ở nhà ông A nữa. Điều kiện cơ
bản để được coi là tự ý nửa chừng chấm dứt việc phạm tội là người phạm tội tự
mình không thực hiện tội phạm nữa mặc dù không có gì ngăn cản. Do đó, nếu do
điều kiện khách quan mà người phạm tội không thực hiện tội phạm nữa thì không
được coi là tự ý nửa chừng chấm dứt việc phạm tội. Thí dụ: trong trường hợp
trên, nếu B quay về vì không cậy được cửa, vì có tiếng động trong nhà làm cho y
sợ hãi, hoặc vì nhà ông A vẫn còn thức v.v… thì việc B quay về không được coi
là tự ý nửa chừng chấm dứt việc phạm tội và B vẫn phải chịu trách nhiệm hình sự
theo Điều 15 Bộ luật hình sự về phạm tội chưa đạt. Trong thực
tế, việc tự ý nửa chừng chấm dứt việc phạm tội có thể do nhiều nguyên nhân như:
hối hận, lo sợ, sợ bị trừng trị, không muốn thực hiện tội phạm đối với người
quen biết v.v… Dó đó, chúng ta không nên đòi hỏi người có hành vi nguy hiểm
phải tỉnh ngộ, hối hận mà chỉ cần họ đã thực hiện sự tự nguyện và dứt khoát
không thực hiện tội phạm nữa thì được coi là đã tự ý nửa chừng chấm dứt việc
phạm tội. Trong trường
hợp người phạm tội là người tổ chức tội phạm thì mặc dầu họ đã tự ý nửa chừng
chấm dứt việc phạm tội nhưng vẫn để mặc cho đồng bọn thực hiện tội phạm, thì
người đó không được coi là tự ý nửa chừng chấm dứt việc phạm tội. Thí dụ: người
đã đề xuất ra việc trộm cắp, đã vạch ra kế họach đi ăn trộm, đã vẽ sơ đồ cho
đồng bọn, mặc dầu người đó đã tự ý không tham gia trộm nữa mà cứ để mặc đồng
bọn thực hiện trộm cắp. Trong trường hợp này, người tự ý không tham gia trộm
nữa không được coi là tự ý nửa chừng chấm dứt việc phạm tội. Trong trường
hợp tự ý nửa chừng chấm dứt việc phạm tội, nhưng hành vi thực tế đã thực hiện
có đủ yếu tố cấu thành một tội phạm khác thì người tự ý nửa chừng chấm dứt việc
phạm tội vẫn phải chịu trách nhiệm hình sự đối với các hành vi đã thực hiện.
Thí dụ: một người đã mua lựu đạn để giết người, mặc dù họ tự ý chấm dứt việc
giết người, vẫn phải chịu trách nhiệm về hành vi mua bán trái phép vũ khí quân
dụng (Điều 95 Bộ luật hình sự). Trường hợp định tham ô
nhưng mới giả mạo được giấy tờ mà tự ý chấm dứt việc phạm tội tham ô, thì phải
chịu trách nhiệm hình sự về tội giả mạo trong công tác (Điều
224 Bộ luật hình sự)… Cần lưu ý là đối với truờng hợp phạm tội chưa đạt đã
hoàn thành thì không có tự ý chấm dứt nửa chừng việc phạm tội. Thí dụ: A định
giết B, A đã chĩa súng vào B và bóp cò súng, nhưng đạn không nổ, sau đó, y tự ý
thôi không thực hiện hành vi nào để giết B nữa. Trong trường hợp này thì A vẫn
phạm tội giết người chưa đạt chứ không được coi là tự ý chấm dứt nửa chừng việc
phạm tội. V- CẢI TẠO KHÔNG GIAM GIỮ (ĐIỀU
24 BLHS) VÀ CẢI TẠO Ở ĐƠN VỊ KỶ LUẬT CỦA QUÂN ĐỘI
(ĐIỀU 70 BLHS) (*) 1) Cải tạo
không giam giữ là hình phạt được áp dụng đối với người phạm tội ít nghiêm trọng
(Điều 24 Bộ luật hình sự). Bộ luật hình
sự đã quy định rõ những tội phạm nào được áp dụng hình phạt cải tạo không giam
giữ. Đồng thời theo khoản 3 Điều 38 của Bộ luật hình sự thì
cũng có thể áp dụng hình phạt này đối với những trường hợp phạm tội ít nghiêm
trọng mà Bộ luật hình sự quy định phạt giam nhưng có nhiều tình tiết giảm nhẹ
trách nhiệm hình sự nên được chuyển sang loại hình phạt nhẹ hơn. Hình phạt cải
tạo không giam giữ không áp dụng đối với những tội phạm nghiêm trọng, kể cả
trường hợp có nhiều tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự. 2) Hình phạt
cải tạo không giam giữ nhẹ hơn hình phạt tù giam, do đó, chỉ áp dụng hình phạt
cải tạo không giam giữ trong những trường hợp sau đây: - Có nhiều
tình tiết giảm nhẹ hình phạt. - Bị cáo
không phải là người tái phạm về tội cố ý. Nếu bị cáo là người tái phạm về tội
cố ý thì không áp dụng hình phạt cải tạo không giam giữ. - Bị cáo phải
là người có căn cước, lý lịch rõ ràng, có nơi thường trú (vì trong hình phạt
cải tạo không giam giữ, Điều 24 Bộ luật hình sự quy định
là: “Tòa án giao người bị phạt cải tạo không giam giữ cho cơ quan Nhà nước hoặc
tổ chức xã hội nơi người đó làm việc hoặc thường trú để giám sát, giáo dục”).
Do đó, nếu bị cáo không có căn cước, lý lịch rõ ràng, không có nơi thường trú
thì không áp dụng hình phạt cải tạo không giam giữ. 3) Cải tạo
không giam giữ là hình phạt chính, cho nên Tòa án còn có thể quyết định thêm
hình phạt bổ sung mà luật có quy định đối với tội đó. Thí dụ: đối với tội sử
dụng trái phép tài sản xã hội chủ nghĩa quy định trong khoản 1
Điều 137 thì Tòa án có thể quyết định thêm hình phạt bổ sung là cấm đảm
nhiệm một số chức vụ quản lý tài sản xã hội chủ nghĩa trong thời hạn từ 2 năm
đến 5 năm. 4) Khi phạt
cải tạo không giam giữ, thì trong bản án, Tòa án phải quyết định là giao người
bị án cho cơ quan Nhà nước, tổ chức xã hội nào giám sát, giáo dục và mức độ
khấu trừ phần thu nhập của họ để sung quỹ Nhà nước (từ 5% đến 20%). Tuy nhiên,
việc khấu trừ thu nhập không phải là việc bắt buộc nên phải xem xét điều kiện
về kinh tế của bị cáo để xem có nên khấu trừ thu nhập của họ không. Trong
trường hợp người bị phạt cải tạo không giam giữ là người chưa thành niên thì
Tòa án không được khấu trừ phần thu nhập của họ. 5) Nếu người
bị kết án đã bị tạm giam thì thời hạn tạm giam được trừ vào thời hạn chấp hành
hình phạt cải tạo không giam giữ, cứ một ngày tạm giam bằng ba ngày cải tạo
không giam giữ. 6) Hình phạt
cải tạo ở đơn vị kỷ luật của quân đội (Điều 24 và Điều 70 Bộ
luật hình sự) thực chất cũng là hình phạt cải tạo không giam giữ nhưng được
áp dụng đối với quân nhân phạm tội. Đối với người
phạm tội là quân nhân tại ngũ, trong trường hợp điều luật quy định hình phạt
cải tạo không giam giữ, thì áp dụng hình phạt cải tạo ở đơn vị kỷ luật của quân
đội quy định ở Điều 70 Bộ luật hình sự. Người bị kết án
cũng phải thực hiện một số nghĩa vụ về cải tạo không giam giữ và có thể bị khấu
trừ một phần thu nhập từ 5% đến 20% để sung quỹ Nhà nước. Đối với người thường
dân phạm tội gây thiệt hại cho quân đội, bị Tòa án quân sự xét xử thì áp dụng hình
phạt cải tạo không giam giữ quy định ở điều 24. VI- TỔNG HỢP HÌNH PHẠT (các Điều
41, 42, và 43 BLHS) Cần chú ý Bộ
luật hình sự đã quy định cách tổng hợp hình phạt khác nhau khi quyết định hình
phạt trong trường hợp phạm nhiều tội (Điều 41) và tổng hợp
hình phạt của nhiều bản án (Điều 42). A- Quyết định hình phạt trong trường hợp phạm nhiều tội (Điều 41). 1. Khi xét xử
cùng một lần người phạm nhiều tội, cần chú ý là Tòa án phải quyết định hình
phạt đối với từng tội, sau đó quyết định hình phạt chung cho các tội. Khi định tội
danh và quyết định hình phạt, phải ghi rõ tên tội, điều luật, khoản nào, điểm
nào của điều luật đã được áp dụng vì điều này sẽ có ảnh hưởng quan trọng về sau
đối với việc xác định tái phạm, tái phạm nguy hiểm, thời hiệu thi hành án, thủ
tục xóa án v.v… 2. Việc quyết
định hình phạt chung trong trường hợp phạm nhiều tội (*)có thể thực hiện
bằng hai cách: thu hút hình phạt nhẹ vào hình phạt nặng nhất; hoặc cộng toàn bộ
hình phạt đã tuyên về từng tội, hay là cộng vào hình phạt nặng nhất một phần
các hình phạt đã tuyên. Hai cách đó đều có thể thực hiện nhưng cần chú ý là Bộ
luật hình sự đã quy định rõ mức cao nhất của hình phạt chung không được vượt
quá mức cao nhất của “khung hình phạt” mà luật quy định đối với tội nặng nhất
đã phạm và trong phạm vi loại hình phạt đã tuyên. Thí dụ: Bị cáo phạm 3 tội:
cướp tài sản xã hội chủ nghĩa, bị phạt 10 năm tù theo khoản 1
Điều 129; trộm tài sản riêng của công dân bị phạt 6 năm tù theo khoản 2 Điều 155; và hiếp dâm, bị phạt 3 năm tù theo khoản 1 Điều 112. Nếu cộng toàn bộ hình phạt thì bị cáo bị
phạt 19 năm tù. Tuy nhiên, trong trường hợp này, hình phạt cao nhất theo khoản 1 Điều 129 về tội cướp tài sản xã hội chủ nghĩa là tội
nặng nhất là 15 năm tù, nên Tòa án chỉ có thể quyết định phạt hình chung cao
nhất là 15 năm tù. B- Tổng hợp
hình phạt của nhiều bản án (Điều 42 BLHS) 1. Trong
trường hợp một người đang phải chấp hành một bản án mà lại xét xử về một tội đã
phạm trước khi có bản án này (*)(như tội phạm sau lại được xử trước, còn
tội phạm trước lại được xử sau) thì Tòa án quyết định hình phạt đối với tội
đang bị xét xử, sau đó quyết định hình phạt chung, và hình phạt chung không
được vượt mức cao nhất của khung hình phạt mà luật quy định đối với tội nặng
nhất đã phạm và trong phạm vi loại hình phạt đã tuyên như đã nói trong điểm 2
nói trên. Thời gian đã
chấp hành hình phạt của bản án trước được trừ vào thời gian chấp hành hình phạt
chung. 2. Trong
trường hợp một người đang chấp hành một bản án mà lại phạm tội mới, Tòa án
quyết định hình phạt đối với tội mới, sau đó “cộng” với phần hình phạt chưa
chấp hành của bản án trước rồi quyết định hình phạt chung. Hình phạt chung
không được vượt quá mức cao nhất mà luật quy định cho “loại hình phạt” đã tuyên
chứ không bị hạn chế ở mức cao nhất của khung hình phạt đối với tội nặng nhất.
Thí dụ: một kẻ phạm tội đã bị phạt 10 năm tù về tội cướp tài sản xã hội chủ
nghĩa, theo khoản 1 Điều 129 nhưng mới chấp hành hình phạt
được 3 năm thì y phạm tội mới, do đó, hình phạt chưa chấp hành còn lại là 7 năm
tù. Y phạm 2 tội mới là: tội trộm tài sản của công dân, bị phạt theo khoản 2 Điều 155 là 7 năm tù và tội hiếp dâm, bị phạt theo khoản 2 Điều 112 là 6 năm tù. Như vậy là trong trường hợp này,
hình phạt chung cao nhất đối với bị cáo không bị hạn chế ở mức cao nhất của
khung hình phạt luật định đối với tội nặng nhất (ở đây là khoản
1 Điều 129 về tội cướp, mức hình phạt cao nhất là 15 năm tù) mà có thể là 7
+ 7 + 6 = 20 năm tù (vì đây là mức cao nhất của loại hình phạt tù giam có thời
hạn). Khi quyết
định hình phạt trong trường hợp phạm nhiều tội hoặc tổng hợp hình phạt của
nhiều bản án, chỉ được tổng hợp hình phạt trong phạm vi loại hình phạt đã
tuyên. Thí dụ: không được tổng hợp nhiều hình phạt tù có thời hạn thành tù
chung thân. + Trong
trường hợp hình phạt khác loại thì tổng hợp theo Điều 43 Bộ
luật hình sự, cụ thể là: a) Đối với
hình phạt chính, nếu hình phạt cao nhất đã tuyên là tử hỉnh, tù chung thân hoặc
tù 20 năm thì lấy hình phạt cao nhất là hình phạt chung. Nếu các hình
phạt đã tuyên gồm: cải tạo không giam giữ hoặc cải tạo ở đơn vị kỹ luật của
quân đội và tù có thời hạn thì chuyển hình phạt cải tạo không giam giữ hoặc cải
tạo ở đơn vị kỷ luật của quân đội thành hình phạt tù để quyết định hình phạt
chung. Cứ một ngày cải tạo không giam giữ hoặc cải tạo ở đơn vị kỷ luật của
quân đội thành một ngày tù. Chú ý: khi
tổng hợp hình phạt (án tù cũng như cải tạo không giam giữ) phải trừ thời gian
người có án đã thực sự chấp hành, chỉ tính thời gian còn lại. b) Đối với
hình phạt bổ sung, Tòa án quyết định một hình phạt chung trong giới hạn luật
quy định về mỗi loại hình phạt ấy. Thí dụ: đối với cả hai tội đều có hình phạt
là quản chế thì Tòa án không phải quyết định hình phạt quản chế riêng cho mỗi
tội mà tuyên một thời hạn quản chế chung cho cả hai tội, tức là 1 đến 5 năm
quản chế. c) Phạt tiền
thì cộng các khoản phạt tiền của các tội hoặc của các bản án. 3. Đối với
người chưa thành niên phạm tội, có tội phạm trước khi đủ 18 tuổi, có tội phạm
sau khi đủ 18 tuổi thì tổng hợp hình phạt theo quy định của điều
64 và điều 65 Bộ luật hình sự. 4. Án treo là
án phạt tù nhưng được miễn chấp hành hình phạt tù nếu người bị kết án không
phạm tội mới trong thời gian thử thách. Vì vậy, nếu họ phạm tội mới trong thời
gian thử thách mà đáng phải phạt tù thì không được hưởng án treo một lần nữa. Tuy nhiên, có
thể tổng hợp hai bản án treo nếu tội xảy ra sau lại được xử trước và được hưởng
án treo, rồi sau đó mới phát hiện ra tội phạm trước và tội này cũng được hưởng
án treo. Trong trường hợp này, sau khi quyết định hình phạt tù cho hưởng án
treo và thời gian thử thách cho tội xử sau, Tòa án quyết định chung hình phạt
tù cho hưởng án treo và thời gian thử thách cho cả hai bản án. Tổng số thời
gian thử thách không được quá 5 năm. 5. Chỉ tổng
hợp hình phạt của bản án đang xử với hình phạt của bản án khác đã có hiệu lực
pháp luật. Do đó, các cấp sơ thẩm, phúc thẩm cần chú ý những trường hợp sau
đây: - Nếu bị cáo
bị đưa ra xét xử trong hai vụ án khác nhau thì cấp sơ thẩm cần đợi hết hạn
kháng cáo, kháng nghị theo thủ tục phúc thẩm đối với vụ án trước rồi mới xử vụ
án sau. Nếu bản án trước không bị kháng cáo, kháng nghị thì khi xử vụ án sau,
Tòa án sơ thẩm quyết định hình phạt chung của 2 bản án. - Nếu bản án
trước đã bị kháng cáo, kháng nghị thì khi xử vụ án sau cấp sơ thẩm chỉ quyết
định hình phạt đối với tội được xử sau mà không quyết định hình phạt chung của
2 bản án. Việc quyết định hình phạt chung của 2 bản án sẽ do cấp phúc thẩm giải
quyết bằng cách tổng hợp hình phạt của bản án trước với hình phạt của bản án
sau (bị kháng cáo, kháng nghị hoặc không bị kháng cáo, kháng nghị). - Nếu bản án
truớc đã được phúc thẩm rồi mà cấp sơ thẩm mới xử vụ án sau thì cấp sơ thẩm
quyết định ngay hình phạt chung của 2 bản án. 6. Nếu Tòa án
cấp huyện xét xử mà hình phạt chung cao hơn mức hình phạt do Tòa án đó có quyền
quyết định thì Tòa án cấp huyện không được xét xử và vụ án phải do Tòa án cấp
tỉnh xét xử (*) VII- ÁN TREO (ĐIỀU 44 BLHS) (**) 1- Theo Điều 44 Bộ luật hình sự thì án treo là một biện pháp miễn chấp
hành hình phạt tù có điều kiện. Tức là căn cứ vào nhân thân của người bị kết án
và những tình tiết giảm nhẹ, Tòa án sẽ miễn cho người bị kết án không phải chấp
hành hình phạt tù nếu trong thời gian thử thách người đó không phạm tội mới. Vì
vậy, khi quyết định hình phạt, Tòa án phải quyết định thời gian phạt tù đúng
với tính chất và mức độ phạm tội của bị cáo rồi mới cho hưởng án treo chứ không
được nâng cao thời hạn tù án treo vì cho đó là hình phạt nhẹ, và phải tuyên
rành rọt là bị cáo bị phạt mấy năm tù nhưng cho hưởng án treo, chứ không được
tuyên là mấy năm tù án treo. Án treo chỉ
là biện pháp miễn chấp hành hình phạt tù có điều kiện cho nên không phải là một
hình phạt nhẹ hơn hình phạt tù. Vì vậy, sự giải thích trước đây của Tòa án nhân
dân tối cao coi án treo là hình phạt nhẹ hơn (trong bản hướng dẫn về thủ tục
xét xử về hình sự kèm theo Thông tư số 19/TATC ngày 02-10-1974 và trong Lời
tổng kết hội nghị tổng kết công tác ngành Tòa án nhân dân năm 1976) không còn
phù hợp với Bộ luật hình sự. 2- Trong công
tác xét xử, các Tòa án cũng cần phải phân biệt những trường hợp phạt cải tạo
không giam giữ với những trường hợp phạt tù mà cho hưởng án treo, vì phạt tù mà
cho hưởng án treo được áp dụng đối với những trường hợp phạm tội “nặng hơn”
những trường hợp được xử phạt bằng cải tạo không giam giữ. Hậu quả pháp lý của
hai loại hình phạt cũng khác nhau: người được hưởng án treo mà phạm tội mới
trong thời gian thử thách và bị phạt tù thì phải chấp hành hình phạt của tội
mới tổng hợp với hình phạt của tội cũ. Trái lại, người bị phạt cải tạo không
giam giữ đã chấp hành xong hình phạt mà phạm tội mới thì chỉ phải chịu hình
phạt về tội mới. Cải tạo không giam giữ chỉ được áp dụng đối với những tội ít
nghiêm trọng, nhưng án treo được áp dụng cả đối với trường hợp phạm tội nghiêm
trọng mà hình phạt không quá 5 năm tù. 3- Những điều
kiện được hưởng án treo đã được Tòa án nhân dân tối cao hướng dẫn trong Thông
tư số 2308/NCPL ngày 1-12-1961 (tập hệ thống hóa luật lệ về hình sự, tập 1,
trang 119) nhưng trong điểm a mục c của phần II có nói là người được hưởng án
treo phải chấp hành hình phạt cũ nếu trong thời gian thử thách mà họ phạm tội
mới “cùng tính chất với tội cũ, thì nay không phù hợp với Bộ luật hình sự vì Điều 44 chỉ quy định đơn giản là: nếu trong thời gian thử
thách, người bị án treo phạm tội mới và bị xử phạt tù thì Tòa án quyết định
buộc phải chấp hành hình phạt của bản án mới. Như vậy là tội phạm cũ và tội
phạm mới không nhất thiết phải cùng tính chất. 4- Thời gian
thử thách là từ 1 đến 5 năm, tính từ ngày bản án có hiệu lực pháp luật (bản án
sơ thẩm không bị kháng cáo, kháng nghị, hoặc bản án phúc thẩm cho hưởng án
treo). Thời gian thử thách không được ít hơn mức án tù đã tuyên, mà ít nhất
phải bằng hoặc nhiều hơn (thông thường phải dài hơn) mức án tù đã tuyên. Tuy
nhiên, nếu người bị kết án đã bị tạm giam lâu trước khi bản án có hiệu lực pháp
luật thì khi quyết định thời gian thử thách, Tòa án cần chú ý giảm cho họ thời
gian thử thách. Thí dụ: người phạm tội đã bị tạm giam hai năm và sau đó, bị
phạt 3 năm tù nhưng được hưởng án treo thì thời gian thử thách có thể chỉ là
một năm. Trong trường hợp đặc biệt có thể miễn cho họ thời gian thử thách nếu
Tòa án chỉ phạt tù dưới mức thời gian mà họ đã bị tạm giam (*) 5- Về nguyên
tắc, cấp phúc thẩm không được làm xấu tình trạng của bị cáo nếu không có kháng
cáo hoặc kháng nghị của Viện kiểm sát hoặc của người bị hại yêu cầu tăng nặng
hình phạt. Vì vậy, trong trường hợp bị cáo được cấp sơ thẩm cho hưởng án treo
thì cần xác định những trường hợp làm xấu tình trạng của bị cáo và những trường
hợp xử phạt có lợi cho họ như sau: - Làm xấu
tình trạng của bị cáo là: tăng hình phạt tù đã cho hưởng án treo; tăng thời
gian thử thách; chuyển án treo thành án tù, dù là thời hạn tù được giảm nhiều
so với thời hạn tù đựơc hưởng án treo; chuyển án tù giam thành án treo nhưng
với thời hạn tù cho hưởng án treo dài hơn thời hạn tù giam (thí dụ: đổi 3 năm
tù giam thành 5 năm tù cho hưởng án treo). - Xử phạt có
lợi cho bị cáo là: giảm hình phạt tù cho hưởng án treo; giảm thời gian thử
thách. VIII- MIỄN TRÁCH NHIỆM HÌNH SỰ (Khoản 2
Điều 48 BLHS) 1- Theo Điều 48 Bộ luật hình sự thì người được miễn trách nhiệm hình
sự là người đã phạm một tội quy định trong Bộ luật hình sự nhưng được miễn
trách nhiệm hình sự. Miễn trách nhiệm hình sự khác với trường hợp không có
trách nhiệm hình sự, tức là những trường hợp hành vi của bị cáo không có sai
trái hoặc chỉ đáng xử lý về hành chính (thí dụ: xử lý về vi cảnh, xử lý về hành
chính đối với việc đầu cơ mà giá trị hàng hóa phạm pháp từ 2.000 đồng tiền mới
trở xuống v.v…). Theo Thông tư số 12-LĐ/TT ngày 28-5-1977 thì người được miễn
trách nhiệm hình sự, nếu đã bị giam có thể không được trả lại đủ 100% tiền
lương mà vẫn chỉ được hưởng 50% tiền lương và phụ cấp trong thời gian bị tạm
giam. Trái lại, nếu họ được xác định là không có trách nhiệm hình sự thì được
truy lĩnh 100% tiền lương và phụ cấp. Vì miễn trách
nhiệm hình với không có trách nhiệm hình sự khác nhau như vậy cho nên mỗi
trường hợp cần phải được xác định thận trọng, chính xác. Nếu không có đủ căn cứ
để kết luận hành vi của bị cáo bị truy tố cấu thành một tội phạm cụ thể thì
phải tuyên bố bị cáo không phạm tội, không được tuyên miễn trách nhiệm hình sự
một các tùy tiện. 2- Theo Điều 48 Bộ luật hình sự thì có thể được miễn trách nhiệm hình
sự trong những truờng hợp sau đây: - Do sự
chuyển biến của tình hình (chính trị, kinh tế, xã hội) nên tội phạm không còn
nguy hiểm đáng kể cho xã hội nữa. - Truớc khi
tội phạm bị phát giác, người phạm tội đã tự thú (*), khai rõ sự việc,
góp phần có hiệu quả vào việc phát hiện và điều tra tội phạm, cố gắng hạn chế
đến mức thấp nhất hậu quả của tội phạm. Người được
miễn trách nhiệm hình sự thì đương nhiên không bị coi là người can án. 3- Trong giai
đoạn điều tra, truy tố thì Viện kiểm sát nhân dân có quyền miễn trách nhiệm
hình sự. Trong giai đoạn xét xử thì việc miễn trách nhiệm hình sự do Tòa án
quyết định. Khi miễn
trách nhiệm hình sự thì trong phần nhận định của bản án phải nói rõ là bị cáo
đã phạm tội gì nhưng được miễn trách nhiệm hình sự và phải nói rõ lý do. Trong
phần quyết định của bản án thì chỉ cần nói là miễn trách nhiệm hình sự. Khi đã
miễn trách nhiệm hình sự thì Tòa án không được quyết định bất cứ loại hình phạt
nào, nhưng vẫn có thể quyết định việc bồi thường cho người bị hại và giải quyết
các tang vật. IX- MỘT SỐ QUY ĐỊNH ĐỐI VỚI NGƯỜI CHƯA THÀNH NIÊN PHẠM
TỘI Bộ luật hình
sự dành một chương riêng quy định về chính sách và đường lối xử lý đối với
người chưa thành niên phạm tội vì lứa tuổi này còn bồng bột, chưa đủ khả năng
để cân nhắc hành vi của mình, còn thiếu kinh nghiệm xã hội và dễ bị ảnh hưởng
bởi tác động môi trường xấu bên ngòai. A- Tuổi chịu
trách nhiệm hình sự (Điều 58 BLHS) Theo quy định
của Bộ luật hình sự thì người chưa thành niên đủ 14 tuổi trở lên phạm tội thì
mới phải chịu trách nhiệm hình sự. Người chưa đủ 14 tuổi mà có hành vi nguy
hiểm cho xã hội thì không có trách nhiệm hình sự, do đó, không được truy tố,
xét xử họ về hành vi đó. Đối với người
chưa thành niên đủ 14 tuổi trở lên thì luật cũng có sự phân biệt: - Người đủ 14
tuổi trở lên nhưng chưa đủ 16 tuổi thì chỉ phải chịu trách nhiệm hình sự về
những tội nghiêm trọng do cố ý. Do đó, hành vi nguy hiểm do vô ý thì người chưa
thành niên từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi không phải chịu trách nhiệm hình sự. - Người đủ 16
tuổi trở lên phạm tội thì phải chịu trách nhiệm về mọi tội phạm. Cách tính
tuổi do luật quy định là “đủ 14 tuổi”, hoặc “đủ 16 tuổi”, tức là tính theo tuổi
tròn. Thí dụ: sinh ngày 1-1-1975 thì 1-1-1989 mới đủ 14 tuổi. Trong trường hợp
không có điều kiện xác định được chính xác ngày sinh thì tính ngày sinh theo
ngày cuối cùng của tháng sinh và nếu cũng không có điều kiện xác định chính xác
tháng sinh thì xác định ngày sinh là 31-12-năm sinh. B- Xử lý đối
với người chưa thành niên phạm tội 1. Điều 59 của Bộ luật hình sự quy định: Đối với người chưa thành
niên phạm tội, Viện kiểm sát và Tòa án áp dụng chủ yếu những biện pháp giáo
dục, phòng ngừa. Theo Điều 60 thì những biện pháp tư pháp
không có tính chất hình phạt, gồm có: - Buộc phải
chịu thử thách từ 1 năm đến 2 năm, áp dụng đối với người chưa thành niên từ đủ
16 tuổi đến dưới 18 tuổi phạm tội ít nghiêm trọng, được giao cho chính quyền cơ
sở và tổ chức xã hội giám sát giáo dục. - Đưa vào
trường giáo dưỡng từ 1 năm đến 3 năm, áp dụng đối với người chưa thành niên từ
đủ 14 tuổi đến dưới 18 tuổi phạm tội nghiêm trọng, cần đưa vào tổ chức giáo dục
có kỷ luật chặt chẽ. 2. Chỉ xử
phạt về hình sự đối với người chưa thành niên phạm tội “trong những trường hợp
cần thiết, căn cứ vào tính chất nghiêm trọng của hành vi phạm tội, vào những
đặc điểm về nhân thân và yêu cầu của việc phòng ngừa” (Điều 59).
Thí dụ: cướp của, giết người, hoặc đã đưa vào trường giáo dưỡng mà trốn ra,
tiếp tục phạm pháp nhiều lần… Không phạt
chung thân hoặc tử hình người chưa thành niên phạm tội. Người chưa thành niên
phạm tội chỉ bị phạt cảnh cáo, cải tạo không giam giữ, tù có thời hạn nhưng
được xử nhẹ hơn người đã thành niên. Mức xử nhẹ là bao nhiêu phải căn cứ vào
tính chất và mức độ nguy hiểm của tội phạm, nhân thân của người phạm tội và căn
cứ vào Điều 64 Bộ luật hình sự để vận dụng mức phạt tù có
thời hạn. Nếu điều kiện quy định hình phạt cao nhất là chung thân hoặc tử hình,
thì mức hình phạt cao nhất áp dụng đối với người chưa thành niên từ đủ 16 tuổi
trở lên khi phạm tội là 20 năm tù, và đối với người từ đủ 14 tuổi trở lên nhưng
chưa đủ 16 tuổi khi phạm tội là 15 năm tù. Nếu điều luật quy định hình phạt cao
nhất là 20 năm tù thì mức hình phạt cao nhất đối với người chưa thành niên phạm
tội là không quá 12 năm tù. Qua thực tế
xét xử, nếu không có những tình tiết tăng nặng đáng chú ý thì thông thường mức
hình phạt có thể là một nửa (1/2) mức hình phạt đối với người thành niên phạm
tội như nhau. Không phạt tiền và các hình phạt bổ sung đối với người chưa thành
niên phạm tội. 3. Việc bồi
thường thiệt hại do người chưa thành niên gây ra vẫn được thực hiện theo những
hướng dẫn trước đây của Tòa án nhân dân tối cao về vấn đề này. (*)Xem
bản “quy chế về chế độ cải tạo không giam giữ và cải tạo ở đơn vị kỷ luật của
quân đội” ban hành kèm theo Nghị quyết số 95/HĐBT ngày 25-7-1989 của Hội đồng
Bộ trưởng. (*)Xem:
Nghị quyết số 02/HĐTP ngày 16-11-1988 của Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân
tối cao hướng dẫn bổ sung Nghị quyết số 02/HĐTP ngày 5-1-1986. (*)Xem
Thông tư liên ngành số 01/TTLN 90 ngày 1-2-1990 của Tòa án nhân dân tối cao,
Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Bộ Nội vụ, Bộ Tư pháp hướng dẫn thi hành một số
quy định của Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của BLHS. (*)Điểm
này nay áp dụng theo Thông tư liên ngành số 02/TTLN 90 ngày 15-2-1990 của Tòa
án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Bộ Tư pháp và Bộ Nội vụ. (**)Phần
nay đã được thay thế bằng phần II Nghị quyết số 02/HĐTP ngày 16-11-1988 của Hội
đồng thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao hướng dẫn bổ sung Nghị quyết số 02/HĐTP
ngày 5-1-1986 - Xem phần
III Nghị quyết số 1-89/HĐTP ngày 19-4-1989 của Hội đồng thẩm phán TANDTC hướng
dẫn bổ sung việc áp dụng một số quy định của Bộ luật hình sự. (*)Hội
đồng Nhà nước đã có giải thích trong mọi trường hợp cho hưởng án treo phải ấn
định thời gian thử thách. (*)Xem
Thông tư liên ngành số 05/TTLN ngày 2-6-1990 của TANDTC VKSNDTC - BNV - BTP
hướng dẫn thi hành chính sách đối với người phạm tội ra tự thú.
|
VANTHONGLAW - Nghị quyết số 02-HĐTP-TANDTC/QĐ ngày 05/01/1986 - Hướng dẫn áp dụng một số quy định của Bộ luật Hình sự
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét