BỘ NỘI VỤ-TÒA ÁN NHẬN DÂN TỐI CAO | CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 07-89/TTLN | Hà Nội , ngày 10 tháng 12 năm 1989 |
Để thực hiện khoản 5 Điều 227 Bộ Luật tố tụng hình sự, Điều 6 Pháp lệnh thi hành án dân sự và Điều 7 Pháp lệnh lực lượng cảnh sát nhân dân.
Sau khi trao đổi thống nhất với Viện kiểm sát nhân dân tối cao và Bộ Tư pháp;
Tòa án nhân dân tối cao và Bộ Nội vụ hướng dẫn một số vấn đề về cưỡng chế thi hành án như sau:
I. BẢO VỆ CƯỠNG CHẾ THI HÀNH ÁN
1. Nếu thấy cần phải có sự hỗ trợ, bảo vệ trật tự khi tiến hành biện pháp cưỡng chế thi hành án như kê biên tài sản, định giá tài sản, bán đấu giá tài sản, cưỡng chế giao đồ vật... thì Tòa án phải thông báo bằng văn bản cho Viện kiểm sát nhân dân cùng cấp, cơ quan công an cấp huyện và công an xã, phường, thị trấn nơi tổ chức cưỡng chế thi hành án biết thời gian, địa điểm tiến hành, đối tượng sẽ bị cưỡng chế, biện pháp cưỡng chế, tình huống có thể xảy ra và yêu cầu số lượng cảnh sát bảo vệ. Thông báo về việc cưỡng chế thi hành án phải được gửi cho Uỷ ban nhân dân xã, phường, thị trấn nơi tiến hành cưỡng chế thi hành án để tham gia chứng kiến hoặc phối hợp, giúp đỡ khi cần thiết. Nếu chấp hành viên thấy có khả năng là đối tượng bị cưỡng chế sẽ chống đối quyết liệt thì cần đề nghị Chánh án Tòa án họp với Viện kiểm sát nhân dân và cơ quan công an cùng cấp và đại diện Uỷ ban nhân dân địa phương để thống nhất phương án bảo vệ trật tự khi cưỡng chế thi hành án.
Thông báo cưỡng chế thi hành án hoặc buổi họp bàn về bảo vệ trật tự khi cưỡng chế thi hành án cần được tiến hành trước ngày cưỡng chế thi hành án ít nhất là ba ngày. Nếu chấp hành viên thấy cần phải kê biên tài sản ngay thì không nhất thiết phải thông báo trước ba ngày.
2. Theo thông báo cưỡng chế thi hành án đã nhận được, thủ trưởng cơ quan công an có trách nhiệm cử ít nhất 2 cán bộ, chiến sĩ cảnh sát làm nhiệm vụ hỗ trợ và bảo vệ trật tự khi chấp hành viên tiến hành cưỡng chế thi hành án.
Đối với những trường hợp phức tạp mà Tòa án đã họp bàn với cơ quan công an thì cơ quan công an có trách nhiệm bố trí đủ lực lượng và phương tiện để đảm bảo cho việc bảo vệ cưỡng chế thi hành án đạt kết quả tốt.
Cán bộ, chiến sĩ cảnh sát được phân công hỗ trợ chấp hành viên trong việc cưỡng chế thi hành án phải có mặt đúng thời gian địa điểm để làm nhiệm vụ và trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ của mình phải chấp hành đầy đủ các yêu cầu của chấp hành viên trong quá trình cưỡng chế thi hành án.
Chấp hành viên có trách nhiệm phối hợp và tạo điều kiện thuận lợi cho cán bộ, chiến sĩ cảnh sát thực hiện tốt nhiệm vụ được giao.
II. XỬ LÝ NHỮNG HÀNH VI CẢN TRỞ, CHỐNG ĐỐI VIỆC CƯỠNG CHẾ THI HÀNH ÁN
Trong quá trình cưỡng chế thi hành án, nếu có những hành vi cản trở, chống đối thì lực lượng cảnh sát nhân dân có trách nhiệm tự mình hoặc theo yêu cầu của chấp hành viên, áp dụng biện pháp cần thiết theo quy định của pháp luật để ngăn chặn ngay những hành vi đó. Nếu là phạm tội quả tang thì cảnh sát nhân dân phải bắt ngay người đang thực hiện tội phạm trong khi cưỡng chế thi hành án, hoặc ngay sau khi thực hiện tội phạm mà bị phát hiện hoặc bị đuổi bắt; và lập biên bản, giải ngay người bị bắt đến cơ quan điều tra có thẩm quyền theo quy định tại điều 64 Bộ luật tố tụng hình sự.
Đối với những trường hợp khác, thì tuỳ theo mức độ vi phạm, chấp hành viên có thể lập biên bản và đề nghị cơ quan Nhà nước có thẩm quyền xử lý theo pháp luật.
Tòa án nhân dân và cơ quan công an các cấp ở địa phương cần tổ chức cho các chấp hành viên và đơn vị hữu quan nghiên cứu Thông tư này. Tòa án nhân dân các cấp thông báo cho Viện kiểm sát nhân dân cùng cấp và Tòa án nhân dân cấp huyện thông báo cho Uỷ ban nhân dân xã, phường, thị trấn biết để phối hợp thực hiện.
Phạm Tâm Long (Đã ký) | Trịnh Hồng Dương (Đã ký) |
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét