Tìm kiếm Luật, Nghị định, Thông tư, Nghị quyết...

Hướng dẫn số 14/HDLN-BCA-VKSNDTC ngày 20/7/2022 của Bộ công an-Viện kiểm sát nhân dân tối cao - Công tác phối hợp tiếp nhận, giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm sử dụng mạng máy tính, mạng viễn thông, phương tiện điện tử thực hiện hành vi chiếm đoạt tài sản, lừa đảo chiếm đoạt tài sản

 VANTHONGLAW - Hướng dẫn số 14/HDLN-BCA-VKSNDTC ngày 20/7/2022 của Bộ công an-Viện kiểm sát nhân dân tối cao - Công tác phối hợp tiếp nhận, giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm sử dụng mạng máy tính, mạng viễn thông, phương tiện điện tử thực hiện hành vi chiếm đoạt tài sản, lừa đảo chiếm đoạt tài sản

BỘ CÔNG AN - VIỆN KIỂM SÁT
NHÂN DÂN TỐI CAO
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 14/HDLN-BCA-VKSNDTC

Hà Nội, ngày 20 tháng 7 năm 2022

HƯỚNG DẪN

CÔNG TÁC PHỐI HỢP TIẾP NHẬN, GIẢI QUYẾT TỐ GIÁC, TIN BÁO VỀ TỘI PHẠM SỬ DỤNG MẠNG MÁY TÍNH, MẠNG VIỄN THÔNG, PHƯƠNG TIỆN ĐIỆN TỬ THỰC HIỆN HÀNH VI CHIẾM ĐOẠT TÀI SẢN, LỪA ĐẢO CHIẾM ĐOẠT TÀI SẢN

Thời gian gần đây, hành vi sử dụng mạng máy tính, mạng viễn thông, phương tiện điện tử chiếm đoạt tài sản hoặc lừa đảo chiếm đoạt tài sản diễn biến phức tạp, xảy ra ở nhiều địa phương, có dấu hiệu của tội “Sử dụng mạng máy tính, mạng viễn thông, phương tiện điện tử thực hiện hành vi chiếm đoạt tài sản” quy định tại Điều 290 Bộ luật Hình sự hoặc tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” quy định tại Điều 174 Bộ luật Hình sự (sau đây viết tắt là Điều 290 và Điều 174 Bộ luật Hình sự).

Quá trình tiếp nhận, phân loại, xử lý và giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm này, cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng gặp nhiều khó khăn, vướng mắc để xác định thẩm quyền giải quyết, nhất là đối với trường hợp “tội phạm được thực hiện tại nhiu nơi khác nhau hoặc không xác định được địa điểm xảy ra tội phạm”, “nơi phát hiện tội phạm”, “nơi bị can cư trú hoặc bị bắt” (quy định tại khoản 4 Điều 163 Bộ luật Tố tụng hình sự); nhiều cơ quan đã tiếp nhận nhưng không giải quyết mà chuyn qua chuyển lại, dẫn đến không kịp thời thu thập chứng cứ, dữ liệu điện tử... làm kéo dài thời hạn giải quyết, ảnh hưởng đến quyền và lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân.

Để kịp thời tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc nêu trên, bảo đảm giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm đúng quy định của pháp luật, trước mắt liên ngành Bộ Công an, Viện kiểm sát nhân dân tối cao thống nhất hướng dẫn công tác phối hợp tiếp nhận, giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm quy định tại Điều 290 và Điều 174 Bộ luật Hình sự như sau:

1. Thẩm quyền, trách nhiệm chung khi tiếp nhận, thụ lý tố giác, tin báo về tội phạm

1.1.Trách nhiệm tiếp nhận thụ lý, giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm

Cơ quan điều tra, Cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra trong Công an nhân dân có trách nhiệm tiếp nhận, thụ lý đầy đủ, kịp thời mọi tố giác, tin báo về tội phạm quy định tại Điều 290 và Điều 174 Bộ luật Hình sự.

Quá trình tiếp nhận, thụ lý và giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm phải thực hiện đúng các quy định của: Bộ luật Tố tụng hình sự; Thông tư liên tịch số 01/2017/TTLT-BCA-BQP-BTC-BNN&PTNT-VKSNDTC ngày 29/12/2017 của Bộ Công an, Bộ Quốc phòng, Bộ Tài chính, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Viện kiểm sát nhân dân tối cao quy định việc phối hợp giữa các cơ quan có thẩm quyền trong việc thực hiện một số quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 về tiếp nhận, giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố (Thông tư liên tịch 01/2017); Thông tư liên tịch số 01/2021/TTLT-BCA-BQP-BTC-BNN&PTNT-VKSNDTC ngày 29/11/2021 của Bộ Công an, Bộ Quốc phòng, Bộ Tài chính, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Viện kiểm sát nhân dân tối cao sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư liên lịch số 01/2017/TTLT (Thông tư liên tịch 01/2021); Thông tư số 28/2020/TT-BCA ngày 26/3/2020 của Bộ trưởng Bộ Công an quy định trình tự, thủ tục tiếp nhận, phân loại, xử lý, giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố của lực lượng Công an nhân dân (Thông tư 28/2020/TT-BCA); Thông tư số 129/2021/TT-BCA ngày 31/12/2021 của Bộ trưởng Bộ Công an sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 28/2020/TT-BCA (Thông tư 129/2021/TT-BCA).

1.2.Nguyên tắc xác định thẩm quyền thụ lý, giải quyết t giác, tin báo tội phạm

Việc tiếp nhận, thụ lý tố giác, tin báo về tội phạm quy định tại Điều 290 và Điều 174 Bộ luật Hình sự bảo đảm nguyên tc sau:

a) Trường hợp có căn cứ xác định “nơi xảy ra tội phạm, “nơi phát hiện tội phạm, nơi người thực hiện hành vi phạm cư trú hoặc bị bắt thì đơn vị, Cơ quan Cảnh sát điều tra thụ lý, giải quyết theo đúng thẩm quyền, quy định tại Điều 145 và Điều 163 Bộ luật Tố tụng hình sự.

b) Trường hợp “tội phạm được thực hiện tại nhiều nơi khác nhau hoặc không xác định được địa điểm xảy ra tội phạm”, chưa đủ căn cứ xác định “nơi phát hiện tội phạm, nơi người thực hiện hành phạm tội cư trú hoặc bị bắt” thì Cơ quan Cảnh sát điều tra, Cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra trong Công an nhân dân nào đã tiếp nhận phải có trách nhiệm thụ lý và thực hiện ngay việc kiểm tra, xác minh giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm theo Mục 2 Hướng dẫn này. Trường hợp nhiều cơ quan cùng tiếp nhận một nội dung tin báo, tố giác về tội phạm thì các cơ quan xác minh, phối hợp trao đổi, thông tin, tài liệu và giao cho cơ quan tiếp nhận đầu tiên thụ lý, giải quyết. Khi có căn cứ xác định thẩm quyền giải quyết thì chuyển cơ quan có thẩm quyền giải quyết theo quy định của pháp luật; khi chưa có căn cứ xác định thẩm quyền giải quyết thì tiếp tục giải quyết đến khi kết thúc việc kiểm tra, xác minh tố giác, tin báo về tội phạm theo quy định của pháp luật.

Một số ví dụ cụ thể xác định trách nhiệm kiểm tra, xác minh tố giác, tin báo về tội phạm:

Ví dụ 1: Bị hại mở tài khoản, đăng ký sử dụng dịch vụ ngân hàng điện tử tại địa phương A (địa phương trong văn bản này được hiu là cấp tnh hoặc cấp huyện) và đến địa phương B sử dụng dịch vụ điện tử hoặc trực tiếp đến các điểm giao dịch của ngân hàng để chuyển tiền vào tài khoản của đối tượng chỉ định mở tại địa phương C. Sau đó, bị hại phát hiện bị chiếm đoạt tài sản hoặc bị lừa đảo chiếm đoạt tài sản và đến Cơ quan Cảnh sát điều tra địa phương D để trình báo thì Cơ quan Cảnh sát điều tra địa phương D phải thực hiện ngay việc kitra, xác minh tố giác, tin báo về tội phạm.

Ví dụ 2: Bị hại m tài khoản, đăng ký sử dụng dịch vụ ngân hàng điện tử tại địa phương A, đến các địa phương B, C, D và sử dụng dịch vụ điện tử hoặc trực tiếp đến các điểm giao dịch của ngân hàng để chuyển tiền vào tài khoản của đối lượng chỉ định mở tại địa phương E. Sau đó, bị hại phát hiện bị chiếm đoạt tài sản hoặc bị lừa đảo chiếm đoạt tài sản, nên đến Cơ quan Cảnh sát điều tra địa phương H để trình báo, thì Cơ quan Cảnh sát điều tra địa phương H phi thực hiện ngay việc kiểm tra, xác minh tố giác, tin báo về tội phạm.

Ví dụ 3: Bị hại mở tài khoản, đăng ký sử dụng dịch vụ ngân hàng điện tử ở địa phương A tại Việt Nam. Trong thời gian ở nước ngoài (học tập, du lịch, công tác...), bị hại đã sử dụng dịch vụ điện tử của nước ngoài để chuyển tiền vào tài khoản của đối tượng chỉ định mở tại các địa phương B, C, D ở Việt Nam. Khi về Việt Nam, b hi mới phát hin bi chiếm đot tài sản hoc bị lừa đảo chiếm đot tài sản nên đến Cơ quan Cảnh sát điều tra địa phương E để trình báo trình báo, thì Cơ quan Cảnh sát điều tra địa phương E phải thực hiện ngay việc kiểm tra, xác minh tố giác, tin báo về tội phạm.

Ví dụ 4: Bị hại cư trú tại huyện A, mở tài khoản, đăng ký sử dụng dịch vụ ngân hàng điện tử tại huyện B và đến huyện C sử dụng dịch vụ điện tử chuyển tiền vào tài khoản do đối tượng chỉ định mở tại huyện D (A, B, C, D cùng tỉnh E). Sau đó, bị hại phát hiện bị chiếm đoạt tài sản hoặc bị lừa đảo chiếm đoạt tài sản và đến Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tnh E để trình báo thì Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh E phải thực hiện ngay việc kiểm tra, xác minh tố giác, tin báo về tội phạm.

2. Thẩm quyền, trách nhiệm cụ thể của các cơ quan, đơn vị trong Công an nhân dân khi tiếp nhận, thụ lý tố giác, tin báo về tội phạm

2.1. Công an xã, phường, thị trấn; Đồn Công an

Sau khi tiếp nhận tố giác, tin báo về tội phạm quy định tại Điều 290 và Điều 174 Bộ luật Hình sự thì tiến hành kiểm tra, xác minh sơ bộ và chuyển ngay đến Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an cấp huyện (cấp trên trực tiếp) để phân loại, thụ lý, giải quyết theo quy định tại Điều 1 Thông tư liên tịch 01/2021 và Thông tư số 129/2021/TT-BCA .

2.2. Các cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra trong Công an nhân dân (trừ Cục An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao Bộ Công an - A05 và Phòng An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao Công an cấp tnh PA05)

Khi tiếp nhận tố giác, tin báo về tội phạm quy định tại Điều 290 và Điều 174 Bộ luật Hình sự thì chuyển ngay đến Cơ quan Cảnh sát điều tra có thẩm quyền để tiếp nhận, thụ lý, giải quyết theo quy định tại khoản 2 Điều 146 Bộ luật Tố tụng hình sựĐiều 9 Thông tư số 28/2020/TT-BCA, Điều 25 Thông tư số 56/2017/TT-BCA ngày 19/11/2017 của Bộ trưởng Bộ Công an (Thông tư 56/2017/TT-BCA) quy định về phân công Thủ trưởng, Phó Thủ trưởng Cơ quan điều tra, thẩm quyền điều tra hình sự trong Công an nhân dân và các Đội điều tra thuộc Cơ quan Cnh sát điều tra Công an cấp huyện (đã được sửa đổi, bổ sung một số điều tại Thông tư số 26/2018/TT-BCA ngày 10/8/2018 của Bộ trưởng Bộ Công an về việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 56/2017/TT-BCA về phân công Thủ trưởng, Phó Thủ trưởng Cơ quan điều tra, thẩm quyền tra hình sự trong Công an nhân dân và các đội điều tra thuộc Cơ quan Cnh sát điều tra Công an cấp huyện).

2.3. A05 Bộ Công an, PA05 Công an cấp tỉnh

Khi tiếp nhận tố giác, tin báo về tội phạm quy định tại Điều 290 và Điều 174 Bộ luật Hình sự thì căn cứ tính chất, mức độ nguy hiểm cho xã hội của hành vi phạm tội theo tố giác, tin báo về tội phạm có thể trực tiếp tiến hành kiểm tra, xác minh, giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm hoặc chuyển ngay đến Cơ quan Cảnh sát điều tra có thẩm quyền giải quyết như sau:

a) Trường hợp tố giác, tin báo về tội phạm có dấu hiệu của tội phạm ít nghiêm trọng, nghiêm trọng hoặc rất nghiêm trọng thuộc thẩm quyền giải quyết của Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an cấp huyện thì PA05 Công an cấp tỉnh có thể trực tiếp thụ lý, giải quyết hoặc chuyển ngay đến Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an cấp huyện có thẩm quyền để tiếp nhận, thụ lý, giải quyết theo quy định của pháp luật.

b) Trường hợp tố giác, tin báo về tội phạm có dấu hiệu của tội phạm đặc biệt nghiêm trọng thì PA05 Công an cấp tỉnh phải thực hiện ngay việc kiểm tra, xác minh, giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm theo quy định của pháp luật.

c) Khi xét thấy cần thiết, A05 Bộ Công an có thể trực tiếp tiến hành việc kiểm tra, xác minh, giải quyết tố giác tin báo về tội phạm hoặc chuyển Cơ quan Cảnh sát điều tra có thẩm quyền để tiếp nhận và giải quyết theo quy định của pháp luật.

2.4. Cơ quan An ninh Điều tra (ANĐT) Bộ Công an, Cơ quan ANĐT Công an cấp tỉnh

Cơ quan ANĐT Bộ Công an, Cơ quan ANĐT Công an cấp tỉnh chỉ tiến hành kiểm tra, xác minh, giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm quy định tại Điều 290 và Điều 174 Bộ luật Hình sự khi được Bộ trưởng Bộ Công an phân công.

Trường hợp không được Bộ trưởng Bộ Công an phân công thì Cơ quan ANĐT Bộ Công an, Cơ quan ANĐT Công an cấp tỉnh phải chuyển ngay tố giác, tin báo về tội phạm đến Cơ quan Cảnh sát điều tra có thẩm quyền để tiếp nhận, thụ lý và giải quyết theo quy định của pháp luật. Trong trường hợp chưa xác định được thẩm quyền thì Cơ quan ANĐT Bộ Công an, Cơ quan ANĐT Công an cấp tỉnh phải chuyển ngay tố giác, tin báo về tội phạm đến Cơ quan Cảnh sát điều tra ngang cấp để kiểm tra, xác minh.

2.5. Các đơn vị thuộc Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an

Khi tiếp nhận tố giác, tin báo về tội phạm quy định tại Điều 290 và Điều 174 Bộ luật Hình sự thì căn cứ tính chất, mức độ nguy hiểm cho xã hội của hành vi phạm tội theo tố giác, tin báo về tội phạm và nhiệm vụ được phân công quy định tại khoản 3 Điều 4, khoản 3 Điều 5, khoản 3 Điều 6, khoản 3 Điều 8 Thông tư số 56/2017/TT-BCA có thể trực tiếp tiến hành kiểm tra, xác minh, giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm hoặc chuyển ngay đến Cơ quan Cảnh sát điều tra có thẩm quyền để thụ lý, giải quyết theo quy định của pháp luật.

2.6. Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an cấp tỉnh, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an cấp huyện

Khi tiếp nhận tố giác, tin báo về tội phạm quy định tại Điều 290 và Điều 174 Bộ luật Hình sự thì căn cứ tính chất, mức độ nguy hiểm cho xã hội của hành vi phạm tội theo tố giác, tin báo về tội phạm và các quy định tại: Điều 20, Điều 21 Luật Tổ chức cơ quan điều tra hình sự; khoản 3 Điều 10, khoản 3 Điều 11, khoản 3 Điều 12, khoản 3 Điều 14, khoản 3 Điều 17, khoản 3 Điều 18, khoản 3 Điều 19 và khoản 3 Điều 20 Thông tư số 56/2017/TT-BCA, thẩm quyền giải quyết thực hiện như sau:

a) Văn phòng Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an cấp tnh (PC01) thụ lý, giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm đã rõ người thực hiện hành vi phạm tội, thuộc thẩm quyền điều tra của Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an cấp tnh.

Đội Điều tra tổng hợp Công an cấp huyện thụ lý, giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm đã rõ người thực hiện hành vi phạm tội, thuộc thẩm quyền điều tra của Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an cấp huyện.

b) Phòng Cnh sát điều tra tội phạm về trật tự xã hội Công an cấp tỉnh (PC02) thụ lý, giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm chưa rõ người thực hiện hành vi phạm tội, thuộc thẩm quyền điều tra của Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an cấp tỉnh.

Đội Cảnh sát điều tra tội phạm về trật tự xã hội Công an cấp huyện thụ lý, giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm chưa rõ người thực hiện hành vi phạm tội, thuộc thẩm quyền điều tra của Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an cấp huyện.

c) Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm tham nhũng, kinh tế, buôn lậu Công an cấp tỉnh (PC03) thụ lý, giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm mà đối tượng lợi dụng tư cách pháp nhân của cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp ký kết hợp đồng kinh tế để phạm tội, thuộc thẩm quyền điều tra của Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an cấp tỉnh.

Đội Cảnh sát điều tra tội phạm về kinh tế và chức vụ Công an cấp huyện thụ lý, giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm mà đối tượng lợi dụng tư cách pháp nhân ca cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp ký kết hợp đồng kinh tế để phạm tội, thuộc thẩm quyền điều tra của Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an cấp huyện.

3. Nội dung kiểm tra, xác minh, tố giác, tin báo về tội phạm

3.1. Nhân thân, lai lịch của người tố giác, người bị tố giác, bị hại và những người có liên quan.

3.2. Hành vi, thủ đoạn, hậu quả, thời gian, địa điểm thực hiện phạm tội. Trong đó lưu ý xác minh: Thủ đoạn phạm tội (giả danh cơ quan tư pháp, mời góp vốn, kinh doanh đa cấp, hợp đồng kinh tế…); hình thức, lịch sử liên lạc, trao đổi giữa bị hại và người bị tố giác (số điện thoại, tài khoản zalo, facebook...); cách thức chuyển tiền, nhận tiền (thông tin về tài khoản chuyển tiền, nhận tiền, thời gian, địa điểm chuyển tiền; thời gian, địa điểm bị hại phát hiện bị chiếm đoạt....)kịp thời áp dụng các biện pháp khn cấp để xác minh, phong tỏa, thu hồi tài sản bị chiếm đoạt.

3.3. Tố giác, tin báo về tội phạm đang được cơ quan nào giải quyết. Trường hợp nhiều cơ quan, đơn vị cùng nhận được tố giác, tin báo về tội phạm thì xác minh, phối hợp, trao đổi, cung cấp thông tin để giải quyết.

3.4. Các vấn đề khác có ý nghĩa trong giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm.

4. Công tác thực hành quyền công tố, kiểm sát việc giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm

4.1. Trong thời hạn 03 ngày kể từ khi tiếp nhận, thụ lý tố giác, tin báo về tội phạm thì Cơ quan điều tra, Cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra trong Công an nhân dân phải thông báo bằng văn bản việc tiếp nhận đó cho Viện kiểm sát có thẩm quyền biết để thực hành quyền công tố, kiểm sát việc giải quyết theo quy định tại khoản 5 Điều 146 của Bộ luật Tố tụng hình sự và Điều 14 Thông tư liên tịch số 01/2017.

4.2. Trong quá trình xác minh, giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, nếu có căn cứ xác định thuộc thẩm quyền giải quyết của cơ quan khác thì Cơ quan điều tra, Cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra thống nhất với Viện kiểm sát có thẩm quyền chuyển tố giác, tin báo về tội phạm theo quy định tại khoản 2 Điều 146 Bộ luật Tố tụng hình sự. Khi chuyển tố giác, tin báo về tội phạm, Cơ quan điều tra, Cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra chuyển toàn bộ tài liệu có liên quan đã tiếp nhận cho Cơ quan điều tra có thẩm quyền; đồng thời, Viện kiểm sát chuyển toàn bộ tài liệu có liên quan đến Viện kiểm sát có thẩm quyền để thực hành quyền công tố, kiểm sát việc giải quyết nguồn tin về tội phạm theo quy định của pháp luật.

4.3. Trường hợp có tranh chấp về thẩm quyền giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm thì Viện kiểm sát có thẩm quyền giải quyết theo quy định tại Điều 150 Bộ luật Tố tụng hình sự và Điều 12 Thông tư liên tịch 01/2017.

5. Tổ chức thực hiện

Căn cứ Hướng dẫn này, Cơ quan điều tra, Cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra trong Công an nhân dân, Viện kiểm sát nhân dân các cấp nghiên cứu, phối hợp và tổ chức thực hiện.

Trong quá trình thực hiện nếu có vướng mắc về nội dung của Hướng dẫn này thì cơ quan, đơn vị thuộc Công an nhân dân phản ánh về Bộ Công an (qua C01), thuộc ngành Kiểm sát thì phản ánh Viện kiểm sát nhân dân tối cao (qua Vụ 1) để có hướng dẫn.

Nếu có khó khăn, vướng mc hoặc báo cáo thỉnh thị về các vụ việc cụ thể thì chuyển đến các đơn vị nghiệp vụ để được hướng dẫn, trả lời thỉnh thị theo ngành, lĩnh vực được phân công./.

KT. VIỆN TRƯỞNG
VIỆN KIỂM SÁT NHÂN DÂN TỐI CAO
PHÓ VIỆN TRƯỞNG





Nguyễn Quang Dũng

KT. BỘ TRƯỞNG
BỘ CÔNG AN
THỨ TRƯỞNG





Trung tướng Nguyễn Duy Ngọc


Nơi nhận:
- Đ/c Bộ trưởng BCA (để báo cáo);
- Đ/c viện trưởng VKSNDTC (để báo cáo);
- Các Đ/c Thứ trưởng Bộ Công an (để phối hợp chỉ đạo);
- Các Đ/c Phó Viện trưng VKSNDTC (để phối hợp chỉ đạo);
- C01, C02, C03, C04, C05, C07, C08, C10, A01, A02, A03, A04, A05, A08, A09, V03 BCA (để thực hiện);
- Các Vụ: 1,2,3,5, 14 VKSNDTC (để thực hiện);
- Giám đốc Công an tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (để thực hiện);
VKSND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (để thực hiện);
- Lưu: VT (BCA, VKSNDTC), C01-BCA(P2), Vụ 1-VKSNDTC.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét