HỘI ĐỒNG THẨM PHÁN TOÀ ÁN NHÂN DÂN TỐI CAO | CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 04/2003/NQ-HĐTP | Hà Nội, ngày 27 tháng 5 năm 2003 |
HỘI ĐỒNG THẨM PHÁN TOÀ ÁN NHÂN DÂN TỐI CAO
QUYẾT NGHỊ:
I. VIỆC XÁC ĐỊNH HỢP ĐỒNG KINH TẾ VÔ HIỆU
a. Nếu khi ký kết hợp đổng kinh tế một trong các bên chưa có đăng ký kinh doanh mà trong quá trình thực hiện hợp đồng kinh tế giữa các bên có phát sinh tranh chấp và đến trước thời điểm phát sinh tranh chấp, bên chưa có đăng ký kinh doanh khi ký kết hợp đồng kinh tế vẫn chưa có đăng ký kinh doanh để thực hiện công việc được các bên thoả thuận trong hợp đồng, thì hợp đồng kinh tế này thuộc trường hợp quy định tại điểm b khoản 1 Điều 8 Pháp lệnh HĐKT và bị coi là vô hiệu toàn bộ.
Ví dụ: Trong Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh của Công ty A chưa có đăng ký ngành nghề xây dựng công nghiệp, nhưng Công ty A đã ký hợp đồng kinh tế về việc nhận thầu thi công xây dựng nhà xưởng cho Công ty B. Trong quá trình thi công, giữa các bên có phát sinh tranh chấp từ việc thực hiện hợp đồng và một trong các bên khởi kiện yêu cầu Toà án giải quyết. Khi giải quyết vụ án này, nếu có đủ căn cứ cho thấy đến trước thời điểm phát sinh tranh chấp Công ty A vẫn chưa được đăng ký bổ sung ngành nghề xây dựng công nghiệp thì Toà án áp dụng điểm b khoản 1 Điều 8 Pháp lệnh HĐKT tuyên bố hợp đồng kinh tế này vô hiệu toàn bộ và xử lý hợp đồng kinh tế vô hiệu theo quy định tại Điều 39 Pháp Lệnh HĐKT.
b. Nếu khi ký kết hợp đồng kinh tế một trong các bên chưa có đăng ký kinh doanh, nhưng trong quá trình thực hiện hợp đồng kinh tế giữa các bên có phát sinh tranh chấp và đến trước thời điểm phát sinh tranh chấp, bên chưa có đăng ký kinh doanh khi ký kết hợp đồng đã có đăng ký kinh doanh để thực hiện công việc được các bên thoả thuận trong hợp đồng thì hợp đồng kinh tế này không thuộc trường hợp quy định tại điểm b khoản 1 Điều 8 Pháp lệnh HĐKT và do đó không bị coi là vô hiệu toàn bộ.
Ví dụ: Nếu trong ví dụ tại điểm a mục 1 này khi giải quyết vụ án, nếu có đủ căn cứ cho thấy đến trước thời điểm phát sinh tranh chấp Công ty A đã được đăng ký bổ sung ngành nghề xây dựng công nghiệp thì hợp đồng kinh tế này không thuộc trường hợp quy định tại điểm b khoản 1 Điều 8 Pháp lệnh HĐKT và không bị coi là vô hiệu toàn bộ.
Để phù hợp với tinh thần quy định tại Điều 154 Bộ luật Dân sự thì hợp đồng kinh tế không bị coi là vô hiệu toàn bộ, nếu người ký kết hợp đồng kinh tế không đúng thẩm quyền nhưng trong quá trình thực hiện hợp đồng kinh tế, người mà theo quy định của pháp luật có thẩm quyền ký kết hợp đồng kinh tế đó (sau đây gọi tắt là người có thẩm quyền) chấp thuận. Được coi là người có thẩm quyền chấp thuận nếu người đó đã biết hợp đồng kinh tế đã được ký kết mà không phản đối.
Được coi là người có thẩm quyền đã biết mà không phản đối khi thuộc một trong các trường hợp sau đây:
a. Sau khi hợp đồng kinh tế đã được ký kết, có đấy đủ căn cứ chứng minh rằng người ký kết hợp đồng kinh tế đã báo cáo với người có thẩm quyền biết hợp đồng kinh tế đã được ký kết (việc báo cáo đó được thể hiện trong biên bản họp giao ban của Ban giám đốc, biên bản cuộc họp của Hội đồng thành viên hay Hội đồng quản trị, có nhiều người khai thống nhất về việc báo cáo là có thật...).
b. Người có thẩm quyền thông qua các chứng từ, tài liệu về kế toán, thống kê biết được hợp đồng kinh tế đó đã được ký kết và đang được thực hiện (đã ký trên hoá đơn, phiếu xuất kho, các khoản thu chi của việc thực hiện hợp đồng kinh tế hoặc trên sổ sách kế toán của pháp nhân...).
c. Người có thẩm quyền có những hành vi chứng minh có tham gia thực hiện quyền và nghĩa vụ phát sinh theo thoả thuận của hợp đồng kinh tế (ký các văn bản xin gia hạn thời gian thanh toán, cam kết sẽ thực hiện nghĩa vụ theo hợp đồng, ký các văn bản duyệt thu, chi hay quyết toán đối chiếu công nợ liên quan đến việc thực hiện hợp đồng kinh tế...).
d. Người có thẩm quyền đã trực tiếp sử dụng các tài sản, lợi nhuận có được do việc ký kết, thực hiện hợp đồng kinh tế mà có (sử dụng xe ôtô để đi lại, để kinh doanh mà biết do việc ký kết, thực hiện hợp đồng kinh tế đó mà có; sử dụng trụ sở làm việc do việc ký kết, thực hiện hợp đồng kinh tế thuê tài sản...).
a. Nếu trong nội dung của hợp đồng kinh tế các bên có thoả thuận giá cả, thanh toán bằng ngoại tệ trong khi đó một hoặc các bên không được phép thanh toán bằng ngoại tệ, thì hợp đồng kinh tế bị coi là vô hiệu toàn bộ thuộc trường hợp quy định tại điểm a khoản 1 Điều 8 Pháp lệnh HĐKT (các bên vi phạm các quy định của Nhà nước về quản lý ngoại tệ). Trong trường hợp này nếu một hoặc các bên có yêu cầu Toà án giải quyết thì Toà án tuyên bố hợp đồng vô hiệu và giải quyết hậu quả của hợp đồng vô hiệu theo thủ tục chung.
b. Nếu trong nội dung của hợp đồng kinh tế các bên có thoả thuận giá cả, thanh toán bằng ngoại tệ trong khi đó một hoặc các bên không được phép thanh toán bằng ngoại tệ, nhưng sau đó các bên có thoả thuận thanh toán bằng Đồng Việt Nam hoặc trong nội dung của hợp đồng kinh tế các bên thoả thuận sử dụng ngoại tệ làm đồng tiền định giá (để bảo đảm ổn định giá trị của hợp đồng) nhưng việc thanh toán là bằng Đồng Việt Nam, thì hợp đồng kinh tế không thuộc trường hợp quy định tại điểm a khoản 1 Điều 8 Pháp lệnh HĐKT và do đó không bị coi là vô hiệu toàn bộ.
II. VIỆC XỬ LÝ HỢP ĐỒNG KINH TẾ VÔ HIỆU
Điểm a khoản 2 Điều 39 Pháp lệnh HĐKT quy định: "Các bên có nghĩa vụ hoàn trả cho nhau tất cả tài sản đã nhận được từ việc thực hiện hợp đồng. Trong trường hợp không thể hoàn trả được bằng hiện vật thì phải trả bằng tiền, nếu tài sản đó không bị tịch thu theo quy định của pháp luật". Khi áp dụng quy định này cần phân biệt như sau:
1. Đối với tài sản là động sản
a. Hoàn trả được tài sản đã nhận là trường hợp bên đã nhận được tài sản từ việc thực hiện hợp đồng kinh tế chưa khai thác, sử dụng và vẫn bảo quản giữ nguyên được chất lượng, chức năng, công dụng của tài sản đó. Không chấp nhận việc hoàn trả tài sản tuy đúng chủng loại, chất lượng, chức năng, công dụng nhưng không phải chính là tài sản đã nhận được từ việc thực hiện hợp đồng kinh tế đó, trừ trường hợp các bên có thoả thuận khác không trái pháp luật.
b. Không thể hoàn trả được tài sản đã nhận bằng hiện vật khi tài sản đã nhận được từ việc thực hiện hợp đồng kinh tế thuộc một trong các trường hợp sau đây:
b.1. Đã được đưa vào khai thác, sử dụng;
b.2. Đã bị mất mát, hư hỏng;
b.3. Đã được chuyển giao cho người khác và đã được đưa vào khai thác, sử dụng hoặc bị mất mát, hư hỏng hoặc quá thời hạn sử dụng;
b.4. Không còn giữ được chất lượng, chức năng, công dụng của tài sản mà do lỗi của bên nhận tài sản (ví dụ: người nhận được tài sản không bảo quản theo đúng quy định);
b.5. Đã bị mất mát một hoặc một số bộ phận nào đó của tài sản mà không thể khôi phục lại được theo nguyên trạng khi nhận.
c. Trong trường hợp không thể hoàn trả được tài sản đã nhận bằng hiện vật được hướng dẫn tại điểm b mục 1 này thì bên nhận tài sản chỉ phải thanh toán bằng tiền cho bên giao tài sản theo giá đã được các bên thoả thuận, trừ trường hợp các bên có thoả thuận khác không trái pháp luật.
d. Trong trường hợp hoàn trả tài sản là ngoại tệ đã nhận thì bên nhận ngoại tệ phải hoàn trả cho bên giao số ngoại tệ đã nhận được quy đổi ra tiền Đồng Việt Nam theo tỷ giá mua vào của ngoại tệ với Đồng Việt Nam do Ngân hàng Nhà nước công bố tại thời điểm nhận ngoại tệ đã được các bên thoả thuận mà không có tính lãi, trừ trường hợp các bên có thoả thuận khác không trái pháp luật.
2. Đối với tài sản là bất động sản hoặc quyền sử dụng đất
Về nguyên tắc chung, việc xử lý tài sản là bất động sản hoặc quyền sử dụng đất là buộc bên đã nhận được tài sản từ việc thực hiện hợp đồng kinh tế phải hoàn trả cho bên giao tài sản.
Trong trường hợp bên đã nhận được tài sản đã tháo dỡ, sửa chữa, làm thêm mới, đầu tư làm tăng giá trị của tài sản đó, thì tuỳ từng trường hợp cụ thể mà buộc phải khôi phục lại tình trạng ban đầu, tháo dỡ hoặc thanh toán tiền cho nhau, trừ trường hợp các bên có thoả thuận khác không trái pháp luật.
3. Trách nhiệm chịu thiệt hại do hợp đồng kinh tế bị coi là vô hiệu toàn bộ
Theo quy định tại điểm c khoản 2 Điều 39 Pháp lệnh HĐKT thì trong trường hợp hợp đồng kinh tế bị coi là vô hiệu toàn bộ, thiệt hại phát sinh các bên phải chịu mà không xem xét đến mức độ lỗi của các bên.
III. VIỆC ÁP DỤNG ĐIỂM 3 ĐIỀU 32 PHÁP LỆNH THỦ TỤC GIẢI QUYẾT CÁC VỤ ÁN KINH TẾ
Theo quy định tại điểm g khoản 1 Điều 39 Pháp lệnh Thủ tục giải quyết các vụ án kinh tế thì Toà án ra quyết định đình chỉ việc giải quyết vụ án kinh tế khi: "Đã có quyết định của Toà án mở thủ tục giải quyết yêu cầu tuyên bố phá sản doanh nghiệp mà doanh nghiệp là đương sự của vụ án". Khi áp dụng quy định này cần chú ý:
Đối với trường hợp Toà án đã có quyết định đình chỉ việc giải quyết yêu cầu tuyên bố phá sản doanh nghiệp trước ngày Nghị quyết này có hiệu lực thì thời hiệu khởi kiện được tính kể từ ngày Nghị quyết này có hiệu lực thi hành.
IV. HIỆU LỰC THI HÀNH CỦA NGHỊ QUYẾT
1. Nghị quyết này được Hội đồng Thẩm phán Toà án nhân dân tối cao thông qua ngày 27 tháng 5 năm 2003 và có hiệu lực thi hành sau mười lăm ngày, kể từ ngày đăng Công báo.
Những hướng dẫn của Toà án nhân dân tối cao được ban hành trước ngày Nghị quyết này có hiệu lực về các vấn đề được hướng dẫn trong Nghị quyết này đều bãi bỏ.
2. Đối với những vụ án kinh tế mà Toà án đã thụ lý nhưng chưa xét xử sơ thẩm, xét xử phúc thẩm hoặc xét xử giám đốc thảm, tái thẩm, thì áp dụng Nghị quyết này để giải quyết.
3. Đối với các bản án, quyết định của Toà án đã có hiệu lực pháp luật trước ngày Nghị quyết này có hiệu lực thi hành thì không áp dụng Nghị quyết này để kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm hoặc tái thẩm, trừ trường hợp có những căn cứ kháng nghị khác.
| Nguyễn Văn Hiện (Đã ký) |
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét