VANTHONGLAW - Quyết định số 2657/QĐ-BCT ngày 13/101/2023 của Bộ Công Thương - Về việc phê duyệt phương án điều tra thống kê các doanh nghiệp/cơ sở kinh tế trực thuộc doanh nghiệp có hoạt động khai thác, sản xuất, xuất nhập khẩu, kinh doanh trong ngành năng lượng năm 2022
BỘ CÔNG THƯƠNG | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 2657/QĐ-BCT | Hà Nội, ngày 13 tháng 10 năm 2023 |
BỘ TRƯỞNG BỘ CÔNG THƯƠNG
Căn cứ Luật Thống kê ngày 23 tháng 11 năm 2015; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều và Phụ lục Danh mục chỉ tiêu thống kê quốc gia của Luật Thống kê ngày 12 tháng 11 năm 2021;
Căn cứ Nghị định số 96/2022/NĐ-CP ngày 29 tháng 11 năm 2022 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Công Thương;
Căn cứ Nghị định số 94/2016/NĐ-CP ngày 01 tháng 7 năm 2016 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Thống kê;
Căn cứ Nghị định số 94/2022/NĐ-CP ngày 07 tháng 11 năm 2022 của Chính phủ quy định nội dung chỉ tiêu thống kê thuộc Hệ thống chỉ tiêu thống kê quốc gia và quy trình biên soạn chỉ tiêu tổng sản phẩm trong nước, chỉ tiêu tổng sản phẩm trên địa bàn tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương;
Căn cứ Thông tư số 33/2022/TT-BCT ngày 20 tháng 12 năm 2022 của Bộ Công Thương ban hành Hệ thống chỉ tiêu thống kê ngành Công Thương;
Căn cứ Thông tư số 34/2019/TT-BCT ngày 28 tháng 11 năm 2019 của Bộ Công Thương quy định Hệ thống thông tin năng lượng;
Xét Tờ trình số 1992/TTr-ĐL về việc phê duyệt Phương án Điều tra thống kê các doanh nghiệp/cơ sở kinh tế trực thuộc doanh nghiệp có hoạt động khai thác, sản xuất, xuất nhập khẩu, kinh doanh trong ngành năng lượng năm 2022; Các văn bản Thẩm định Vụ Kế hoạch - Tài chính số 1655/KHTC ngày 06/9/2023 và Tổng cục Thống kê số 1631/TCKT-PPCĐ ngày 21/9/2023;
Theo đề nghị của Cục trưởng Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo.
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Phê duyệt Phương án thực hiện Điều tra thống kê các doanh nghiệp/cơ sở kinh tế trực thuộc doanh nghiệp có hoạt động khai thác, sản xuất, xuất nhập khẩu, kinh doanh trong ngành năng lượng năm 2022 (Phương án Điều tra kèm theo).
Kinh phí từ ngân sách nhà nước theo Dự toán chi thường xuyên cấp cho Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo để thực hiện nhiệm vụ năm 2023 theo Quyết định số 2665/QĐ-BCT ngày 26 tháng 11 năm 2021 của Bộ trưởng Bộ Công Thương phê duyệt Kế hoạch và dự toán chi thường xuyên từ ngân sách nhà nước để thực hiện nhiệm vụ thu thập, xử lý, tổng hợp và thống kê thông tin năng lượng.
Điều tra thống kê các doanh nghiệp/cơ sở kinh tế trực thuộc doanh nghiệp có hoạt động khai thác, sản xuất, xuất nhập khẩu, kinh doanh trong ngành năng lượng năm 2022, trên phạm vi toàn quốc nhằm đáp ứng các mục tiêu chủ yếu sau:
- Đánh giá khả năng khai thác, sản xuất, xuất nhập khẩu, kinh doanh trong ngành năng lượng bao gồm: Điện, dầu khí, than, xăng dầu trong cả nước, từng địa phương, các nhà đầu tư và doanh nghiệp;
- Phục vụ cho cơ quan quản lý nhà nước về công tác quy hoạch, chiến lược, xây dựng chính sách phát triển năng lượng tổng thể, dài hạn; lập kế hoạch phát triển năng lượng cho các vùng lãnh thổ và dự báo triển vọng năng lượng trong tương lai;
- Tổng hợp các chỉ tiêu thống kê năng lượng trong Hệ thống chỉ tiêu thống kê ngành Công Thương;
- Cập nhật vào cơ sở dữ liệu năng lượng kết quả thông tin thống kê năng lượng để phục vụ công tác quản lý, điều tiết hệ thống năng lượng quốc gia, xây dựng giải pháp cân bằng năng lượng hiệu quả, bền vững; xây dựng cơ chế cảnh báo, đồng thời, đưa ra giải pháp ứng phó với khủng hoảng năng lượng, góp phần đảm bảo an ninh năng lượng;
- Theo dõi tình trạng tiếp cận năng lượng trong cả nước và khả năng tiêu thụ năng lượng của người dân để đáp ứng các yêu cầu về mức sống tối thiểu của dân cư trong thực tế.
Điều 3. Nghĩa vụ và trách nhiệm thực hiện
- Giao nhiệm vụ cho Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo chủ trì và là đầu mối phối hợp với các đơn vị thuộc Bộ Công Thương, Sở Công Thương các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tổ chức thực hiện thu thập, tổng hợp các chỉ tiêu thống kê ngành năng lượng theo Phương án điều tra đã được phê duyệt; cập nhật vào cơ sở dữ liệu năng lượng kết quả thông tin thống kê ngành năng lượng phục vụ cho công tác quản lý nhà nước ngành Công Thương:
+ Phối hợp với Vụ Dầu khí và Than, Vụ Tiết kiệm năng lượng và Phát triển bền vững, Cục Điều tiết Điện lực thu thập, tổng hợp các chỉ tiêu thống kê ngành năng lượng và lập Báo cáo ngành năng lượng năm 2022;
+ Phối hợp Vụ Kế hoạch - Tài chính trình thẩm định chuyên môn nghiệp vụ điều tra thống kê ngành Công Thương; tổ chức kiểm tra, giám sát, rà soát số liệu báo cáo thống kê tại một số địa phương, doanh nghiệp.
- Doanh nghiệp/cơ sở kinh tế trực thuộc doanh nghiệp được chọn điều tra có nghĩa vụ và trách nhiệm báo cáo đầy đủ, chính xác, kịp thời những thông tin trong Phiếu thu thập thông tin thống kê ngành năng lượng năm 2022.
- Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký.
- Cục trưởng Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo, Cục trưởng Cục Điều tiết Điện lực, Vụ trưởng Vụ Dầu khí và Than, Vụ trưởng Vụ Tiết kiệm năng lượng và Phát triển bền vững, Vụ trưởng Vụ Kế hoạch - Tài chính, Giám đốc Sở Công Thương các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, Thủ trưởng các doanh nghiệp/cơ sở kinh tế trực thuộc doanh nghiệp được chọn điều tra và Thủ trưởng các đơn vị có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.
| KT. BỘ TRƯỞNG |
1. Mục đích, yêu cầu điều tra
Điều tra thống kê các doanh nghiệp, cơ sở kinh tế trực thuộc doanh nghiệp, hợp tác xã, (Sau đây gọi tắt là doanh nghiệp) có hoạt động khai thác, sản xuất, xuất nhập khẩu, kinh doanh trong ngành năng lượng trên phạm vi toàn quốc nhằm thu thập thông tin thống kê đáp ứng các mục tiêu chủ yếu sau:
- Đánh giá khả năng khai thác, sản xuất, xuất nhập khẩu, kinh doanh trong ngành năng lượng bao gồm: Điện, dầu khí, than, xăng dầu trong cả nước, từng địa phương, các nhà đầu tư và doanh nghiệp;
- Phục vụ cho cơ quan quản lý nhà nước về công tác quy hoạch, chiến lược, xây dựng chính sách phát triển năng lượng tổng thể, dài hạn; lập kế hoạch phát triển năng lượng cho các vùng lãnh thổ và dự báo triển vọng năng lượng trong tương lai;
- Tổng hợp các chỉ tiêu thống kê năng lượng trong Hệ thống chỉ tiêu thống kê ngành Công Thương;
- Cập nhật vào cơ sở dữ liệu năng lượng kết quả thông tin thống kê năng lượng để phục vụ công tác quản lý, điều tiết hệ thống năng lượng quốc gia, xây dựng giải pháp cân bằng năng lượng hiệu quả, bền vững; xây dựng cơ chế cảnh báo, đồng thời, đưa ra giải pháp ứng phó với khủng hoảng năng lượng, góp phần đảm bảo an ninh năng lượng.
- Theo dõi tình trạng tiếp cận năng lượng trong cả nước và khả năng tiêu thụ năng lượng của người dân để đáp ứng các yêu cầu về mức sống tối thiểu của dân cư trong thực tế.
2. Yêu cầu điều tra
Điều tra doanh nghiệp có hoạt động khai thác, sản xuất, xuất nhập khẩu, kinh doanh trong lĩnh vực năng lượng năm 2022 phải bảo đảm các yêu cầu sau:
- Thực hiện đúng các nội dung quy định trong Phương án điều tra. Phạm vi, nội dung điều tra phải đầy đủ, thống nhất; không trùng, không chồng chéo với các cuộc điều tra khác;
- Bảo mật thông tin thu thập được từ các đối tượng điều tra theo quy định của Luật Thống kê;
- Sử dụng và quản lý kinh phí ngân sách nhà nước tiết kiệm, hiệu quả, đúng chế độ tài chính hiện hành;
- Kết quả điều tra phải đáp ứng yêu cầu của người dùng tin trong và ngoài nước; đảm bảo tính so sánh quốc tế.
II. PHẠM VI, ĐỐI TƯỢNG, ĐƠN VỊ ĐIỀU TRA
2.1. Phạm vi điều tra
Cuộc điều tra thống kê về thông tin năng lượng thực hiện trên phạm vi toàn quốc tại 63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương với đối tượng điều tra là doanh nghiệp hoạt động khai thác, sản xuất, xuất nhập khẩu, kinh doanh trong lĩnh vực năng lượng bao gồm: Điện, dầu khí, than và đầu mối kinh doanh xăng dầu.
2.2. Đối tượng, đơn vị điều tra
Đối tượng điều tra là các doanh nghiệp hạch toán kinh tế độc lập, các cơ sở kinh tế trực thuộc doanh nghiệp được thành lập và chịu sự điều tiết của Luật Doanh nghiệp đang hoạt động khai thác, sản xuất, xuất nhập khẩu, kinh doanh các sản phẩm, hàng hóa thuộc Danh mục sản phẩm điều tra (Phụ lục 1 kèm theo).
Doanh nghiệp, cơ sở kinh tế trực thuộc doanh nghiệp thuộc đối tượng, điều tra phải đảm bảo các điều kiện sau:
- Có địa điểm khai thác, sản xuất, xuất nhập khẩu, kinh doanh được xác định trên lãnh thổ Việt Nam;
- Có hoạt động khai thác, sản xuất, xuất nhập khẩu và kinh doanh các sản phẩm, hàng hóa trong Danh mục sản phẩm điều tra;
Cụ thể:
(1). Khu vực doanh nghiệp nhà nước bao gồm:
- Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên 100% vốn nhà nước;
- Công ty cổ phần; công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên trở lên có vốn nhà nước chiếm giữ trên 50% vốn điều lệ.
- Công ty nhà nước.
(2). Khu vực doanh nghiệp ngoài nhà nước bao gồm:
- Công ty cổ phần; Công ty TNHH có vốn nhà nước dưới hoặc bằng 50%.
- Doanh nghiệp tư nhân.
- Công ty hợp danh.
- Công ty TNHH tư nhân.
- Công ty cổ phần không có vốn nhà nước.
(3). Khu vực doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài bao gồm:
- Doanh nghiệp 100% vốn nước ngoài.
- Doanh nghiệp liên doanh với nước ngoài.
Lưu ý: Trường hợp doanh nghiệp có nhiều cơ sở kinh tế trực thuộc mà các cơ sở kinh tế đó có địa điểm khác tỉnh, thành phố với địa điểm của trụ sở doanh nghiệp thì cơ sở kinh tế ở tỉnh, thành phố nào sẽ kê khai tại địa phương đó (Khi kê khai số liệu tại trụ sở chính, doanh nghiệp phải loại trừ cơ sở, chi nhánh đóng tại tỉnh, thành phố khác).
Điều tra thống kê các doanh nghiệp có hoạt động khai thác, sản xuất, xuất nhập khẩu, kinh doanh trong lĩnh vực năng lượng năm 2022 (điện, dầu khí, than, xăng dầu) là cuộc điều tra toàn bộ.
IV. THỜI ĐIỂM, THỜI KỲ VÀ PHƯƠNG PHÁP ĐIỀU TRA
4.1. Thời điểm, thời gian điều tra
Bắt đầu từ 10 tháng 10 năm 2023 và kết thúc vào ngày 05 tháng 11 năm 2023.
4.2. Thời kỳ thu thập thông tin
Thời kỳ thu thập thông tin đối với cuộc điều tra là số liệu từ 01/01/2022 đến 31/12/2022.
Các chỉ tiêu thu thập theo thời kỳ như: Đặc điểm kỹ thuật cơ sở hạ tầng; năng lực sản xuất (Công suất thiết kế, nguồn, sản lượng khai thác, sản xuất), xuất nhập khẩu, kinh doanh và một số chỉ tiêu khác.
4.3. Phương pháp điều tra
Điều tra doanh nghiệp có hoạt động khai thác, sản xuất, xuất nhập khẩu, kinh doanh trong lĩnh vực năng lượng năm 2022 sử dụng phương pháp điều tra gián tiếp. Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo, Bộ Công Thương sẽ gửi Phiếu thu thập thông tin thống kê năng lượng tới doanh nghiệp; Doanh nghiệp kê khai đầy đủ thông tin vào Phiếu thu thập thông tin theo hướng dẫn; gửi Phiếu thu thập thông tin thống kê năng lượng cho Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo, Bộ Công Thương.
Ngoài ra, doanh nghiệp có thể truy cập vào http://ectic.gov.vn/thongke-nangluong tải mẫu Phiếu thu thập thông tin thống kê năng lượng; Sau đó làm theo quy trình trên.
5.1. Nội dung điều tra
5.1.1. Thông tin chung của doanh nghiệp
- Tên doanh nghiệp/Cơ sở kinh tế;
- Mã số thuế doanh nghiệp/Cơ sở kinh tế;
- Địa chỉ; điện thoại; fax; email;
- Loại hình doanh nghiệp;
- Ngành hoạt động SXKD chính.
5.1.2. Chỉ tiêu điều tra
Chỉ tiêu điều tra chi tiết tại Phụ lục 2 đính kèm.
5.1.3. Phiếu điều tra
- Tên phiếu: Phiếu thu thập thông tin thống kê ngành năng lượng năm 2022.
- Có 10 mẫu phiếu điều tra (Phụ lục 3 kèm theo), gồm:
(1) Phiếu số 1: Áp dụng đối với doanh nghiệp có hoạt động sản xuất, xuất nhập khẩu, kinh doanh thủy điện, nhiệt điện than, nhiệt điện dầu, nhiệt điện khí, điện khác
(2) Phiếu số 2: Áp dụng đối với doanh nghiệp có hoạt động sản xuất, xuất nhập khẩu, kinh doanh điện gió
(3) Phiếu số 3: Áp dụng đối với doanh nghiệp có hoạt động sản xuất, xuất nhập khẩu, kinh doanh điện mặt trời
(4) Phiếu số 4: Áp dụng đối với doanh nghiệp có hoạt động truyền tải điện
(5) Phiếu số 5: Áp dụng đối với doanh nghiệp có hoạt động kinh doanh điện
(6) Phiếu số 6: Áp dụng đối với doanh nghiệp có hoạt động khai thác, sản xuất, xuất nhập khẩu, kinh doanh than
(7) Phiếu số 7: Áp dụng đối với doanh nghiệp có hoạt động khai thác, sản xuất, xuất nhập khẩu dầu, khí
(8) Phiếu số 8: Áp dụng đối với doanh nghiệp có hoạt động lọc hóa dầu
(9) Phiếu số 9: Áp dụng đối với doanh nghiệp có hoạt động xử lý khí
(10) Phiếu số 10: Áp dụng đối với doanh nghiệp có hoạt động xuất nhập khẩu và kinh doanh xăng dầu
VI. PHÂN LOẠI THỐNG KÊ SỬ DỤNG TRONG ĐIỀU TRA
6.1. Bảng phân ngành kinh tế: Áp dụng theo Hệ thống ngành kinh tế Việt Nam năm 2018 ban hành theo Quyết định số 27/2018/QĐ-TTg ngày 06 tháng 7 năm 2018 của Thủ tướng Chính phủ.
6.2. Bảng phân ngành sản phẩm: Áp dụng theo Hệ thống ngành sản phẩm Việt Nam ban hành theo Quyết định 43/2018/QĐ-TTg ngày 01 tháng 11 năm 2018 của Thủ tướng Chính phủ.
6.3. Danh mục đơn vị hành chính: Áp dụng theo Danh mục các đơn vị hành chính Việt Nam ban hành theo Quyết định số 124/2004/QĐ-TTg ngày 08 tháng 7 năm 2004 của Thủ tướng Chính phủ và cập nhật đến 31/12/2023.
VII. QUY TRÌNH XỬ LÝ VÀ BIỂU ĐẦU RA CỦA ĐIỀU TRA
7.1. Quy trình xử lý điều tra
Quy trình xử lý điều tra được thực hiện như sau:
- Thông tin phiếu điều tra (bản cứng, bản mềm) được số hoá sau khi doanh nghiệp hoàn thành cung cấp thông tin. Xác định phương pháp nhập thông tin kết quả điều tra bằng bàn phím.
- Xây dựng cơ sở dữ liệu để lưu trữ dữ liệu điều tra. Dữ liệu điều tra được kiểm tra, xử lý bao gồm các việc sau:
+ Tiếp nhận và làm sạch thông tin.
+ Đánh mã, nhập tin kết quả điều tra.
+ Tổng hợp kết quả điều tra.
+ Kết xuất thông tin theo các biểu đầu ra chi tiết tại Phụ lục 1 đính kèm.
7.2. Quy trình tổng hợp kết quả điều tra
- Tổng hợp thông tin theo các biểu đầu ra, theo phân tổ chủ yếu và theo yêu cầu quản lý, điều hành của Bộ Công Thương. Căn cứ các biểu tổng hợp để phân tích và dự báo nội dung các thông tin sau:
(1) Tổng quan và xu thế phát triển năng lượng quốc gia;
(2) Dữ liệu thông tin theo chuỗi thời gian về khai thác, sản xuất, xuất nhập khẩu, kinh doanh, chuyển đổi và tiêu thụ của các loại nhiên liệu điện, than, dầu khí, năng lượng mới và năng lượng tái tạo;
(3) Dữ liệu thông tin theo chuỗi thời gian: Công suất nguồn điện và sản lượng điện theo nhiên liệu; sản lượng tiêu thụ điện theo các ngành kinh tế; phụ tải cực đại hệ thống điện; hệ số dự phòng hệ thống điện; tỷ lệ số xã có điện, tỷ lệ số hộ dân có điện; các chỉ số về độ tin cậy cung cấp điện hệ thống;
(4) Các chỉ tiêu thống kê năng lượng tổng hợp;
(5) Các chỉ tiêu năng lượng tái tạo;
(6) Bảng quyết toán và cân bằng cung cầu năng lượng;
(7) Bảng so sánh các chỉ tiêu thống kê năng lượng của Việt Nam với một số quốc gia trong khu vực và thế giới.
VIII. KẾ HOẠCH VÀ TIẾN ĐỘ ĐIỀU TRA
8.1. Chuẩn bị điều tra (Từ tháng 4 năm 2023)
- Xây dựng phương án điều tra: Thiết kế và hoàn thiện Phiếu điều tra;
- Ban hành Quyết định về Phương án điều tra;
- Lập danh sách các doanh nghiệp, cơ sở kinh tế trực thuộc doanh nghiệp thuộc đối tượng điều tra.
- Xây dựng cơ sở dữ liệu và công cụ trên excel để phục vụ cho lưu trữ và xử lý dữ liệu điều tra.
- In tài liệu hướng dẫn.
- Hướng dẫn, tập huấn nghiệp vụ cho điều tra viên.
8.2. Triển khai thu thập thông tin, xử lý, tổng hợp và công bố kết quả điều tra (Từ tháng 10 năm 2023)
- Hướng dẫn các doanh nghiệp, cơ sở kinh tế trực thuộc doanh nghiệp về nội dung và phương pháp ghi Phiếu thu thập thông tin trên cơ sở Phương án điều tra do Bộ Công Thương quy định.
- Triển khai thu thập thông tin tại các doanh nghiệp, cơ sở kinh tế trực thuộc doanh nghiệp thuộc đối tượng điều tra trên địa bàn.
- Đánh mã Phiếu thu thập thông tin.
- Kiểm tra tính hợp lý của số liệu, nhập thông tin.
- Xử lý và tổng hợp kết quả điều tra.
- Lập Báo cáo theo các phân tổ được quy định tại Hệ thống chỉ tiêu thống kê ngành Công Thương gửi các cơ quan liên quan.
- Lưu toàn bộ dữ liệu cuộc điều tra.
- Công bố kết quả điều tra.
9.1. Nhiệm vụ điều tra
9.1.1. Bộ Công Thương
- Lập và rà soát Danh sách doanh nghiệp, cơ sở kinh tế khai thác, sản xuất, xuất nhập khẩu, kinh doanh trong lĩnh vực năng lượng;
- Hướng dẫn các doanh nghiệp, cơ sở kinh tế về nội dung và phương pháp ghi Phiếu thu thập thông tin trên cơ sở Phương án điều tra do Bộ Công Thương quy định.
- Triển khai thu thập thông tin tại các doanh nghiệp, cơ sở kinh tế trực thuộc doanh nghiệp thuộc đối tượng điều tra trên địa bàn.
- Đánh mã Phiếu thu thập thông tin.
- Gửi toàn bộ Phiếu thu thập thông tin gốc và các chứng từ liên quan về Bộ Công Thương.
- In và gửi tài liệu hướng dẫn cho Sở Công Thương các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, các doanh nghiệp thuộc đối tượng điều tra.
- Tổng hợp Danh sách các doanh nghiệp, cơ sở kinh tế trực thuộc doanh nghiệp thuộc đối tượng điều tra trong cả nước trên cơ sở danh sách các đơn vị điều tra của Sở Công Thương tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương gửi.
- Kiểm tra, giám sát việc thực hiện điều tra tại một số tỉnh, thành phố.
- Kiểm tra tính hợp lý của số liệu, làm sạch và nhập thông tin.
- Xử lý và tổng hợp kết quả điều tra.
- Lập báo cáo kết quả đầu ra theo các phân tổ được quy định tại Hệ thống chỉ tiêu thống kê ngành Công Thương.
- Lưu toàn bộ dữ liệu cuộc điều tra.
- Công bố kết quả điều tra; Xuất bản ấn phẩm Kết quả điều tra thông tin thống kê năng lượng.
9.1.2. Các Bộ, ngành
Bộ Công Thương chủ trì, phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Xây dựng, Bộ Giao thông vận tải, Bộ Tài chính, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chỉ đạo triển khai thực hiện điều tra. Cụ thể như sau:
- Bộ Kế hoạch và Đầu tư (Tổng cục Thống kê) có trách nhiệm thẩm định Phương án điều tra: phối hợp cung cấp thông tin một số chỉ tiêu thống kê liên quan (Nếu có).
- Bộ Xây dựng, Bộ Giao thông vận tải, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương ban hành văn bản chỉ đạo các đơn vị có liên quan, các doanh nghiệp nghiêm túc thực hiện cuộc điều tra thống kê doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực năng lượng.
9.1.3. Doanh nghiệp tham gia điều tra
Doanh nghiệp tham gia điều tra có trách nhiệm cung cấp thông tin các chỉ tiêu thống kê trung thực, chính xác, đầy đủ, đúng thời hạn quy định của cơ quan điều tra thống kê; được bảo đảm bí mật thông tin đã cung cấp; được khiếu nại, tố cáo hành vi vi phạm pháp luật theo quy định tại Luật Thống kê và Nghị định số 95/2016/NĐ-CP ngày 01 tháng 7 năm 2016 của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực thống kê.
9.2. Kiểm tra, giám sát việc thực hiện điều tra
Trong thời gian triển khai điều tra, giao Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo chủ trì, phối hợp Vụ Kế hoạch - Tài chính tổ chức thực hiện kiểm tra, giám sát và rà soát số liệu báo cáo thống kê tại một số địa phương, doanh nghiệp.
10.1. Kinh phí điều tra từ nguồn ngân sách nhà nước cấp cho Chương trình điều tra thống kê của Bộ Công Thương; kinh phí ODA (nếu có).
10.2. Trong trường hợp địa phương cần mở rộng điều tra để đáp ứng yêu cầu quản lý nhà nước tại địa phương thì kinh phí điều tra mở rộng do ngân sách địa phương cấp.
10.3. Cục trưởng Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo và thủ trưởng các đơn vị có liên quan chịu trách nhiệm quản lý và sử dụng nguồn kinh phí được cấp theo đúng quy định, bảo đảm điều kiện để thực hiện hiệu quả cuộc điều tra thống kê doanh nghiệp có hoạt động khai thác, sản xuất, xuất nhập khẩu, kinh doanh trong lĩnh vực năng lượng./.
Mã sản phẩm | Tên sản phẩm | Nội dung sản phẩm | Tên gọi trong thực tế | Đơn vị tính | ||||||
Cấp 1 | Cấp 2 | Cấp 3 | Cấp 4 | Cấp 5 | Cấp 6 | Cấp 7 | ||||
B | SẢN PHẨM KHAI KHOÁNG | |||||||||
05 | Than cứng và than non | Tấn | ||||||||
051 | 0510 | 05100 | 051000 | Than cứng | Gồm: than cục và than cám, đã hoặc chưa nghiền thành bột, nhưng chưa đóng bánh. Than cứng đóng bánh thuộc ngành 19200 | Than Anthracite | Tấn | |||
0510001 | Than antraxit | Than đá không thành khối. Than có giới hạn chất dễ bay hơi (trong điều kiện khô, không có khoáng chất) không vượt quá 14% | Than antraxit | Tấn | ||||||
0510002 | Than bitum | Than mỡ, than có giới hạn chất dễ bay hơi (trong điều kiện khô, không có khoáng chất) trên 14% và giới hạn nhiệt lượng từ 5833 kcal/kg trở lên (trong điều kiện ẩm, không có khoáng chất) | Than mỡ | Tấn | ||||||
0510003 | Than đá (than cứng) loại khác | Tấn | ||||||||
052 | 0520 | 05200 | 052000 | 0520000 | Than non | Than non còn gọi là than nâu, chỉ tính than non đã hoặc chưa nghiền thành bột và chưa đóng bánh. Than non đóng bánh thuộc ngành 20290 | Than non | Tấn | ||
06 | Dầu thô và khí đốt tự nhiên khai thác | Tấn | ||||||||
061 | 0610 | 06100 | Dầu thô khai thác | Dầu thô | Tấn | |||||
061001 | 0610010 | Dầu mỏ và dầu thu được từ khoáng bitum ở dạng thô | Gồm: dầu mỏ thô; Condensate và dầu thô loại khác | Dầu DO, Dầu FO, Dầu hỏa Kerosen, Dầu hỏa Kerosen | Tấn | |||||
062 | 0620 | 06200 | 062000 | Khí tự nhiên dạng khí hoặc hóa lỏng | ||||||
0620001 | Khí tự nhiên dạng hóa lỏng | LPG | Tấn | |||||||
0620002 | Khí tự nhiên dạng khí | Khí tự nhiên | m3 | |||||||
08 | Sản phẩm khai khoáng khác | Tấn | ||||||||
089 | Sản phẩm khai khoáng chưa được phân vào đâu | Tấn | ||||||||
0892 | 08920 | 089200 | 0892000 | Than bùn | Chỉ tính than bùn khai thác và thu gom. Than bùn đóng bánh thuộc ngành 20290 | Than bùn | Tấn | |||
C | SẢN PHẨM CÔNG NGHIỆP CHẾ BIẾN, CHẾ TẠO | |||||||||
19 | Than cốc, sản phẩm dầu mỏ tinh chế | |||||||||
191 | 1910 | 19100 | Than cốc | |||||||
191001 | 1910010 | Than cốc và bán cốc luyện từ than đá, than bùn hoặc than non; muội bình chưng than đá | Gồm: Than cốc và bán cốc luyện từ than đá; Than cốc và bán cốc luyện từ than non hay than bùn; Gas cốc và Muội bình chưng than đá | Tấn | ||||||
192 | 1920 | 19200 | Sản phẩm từ chế biến dầu mỏ | |||||||
192001 | 1920010 | Than bánh và các nhiên liệu rắn tương tự sản xuất từ than đá | Gồm: Than bánh và nhiên liệu rắn tương tự được sản xuất từ than đá, than non và than bùn. | Tấn | ||||||
192002 | Nhiên liệu dầu và xăng; dầu mỡ bôi trơn | Tấn | ||||||||
1920021 | Dầu nhẹ và các chế phẩm | Gồm: Xăng động cơ; Xăng máy bay; Dầu nhẹ và các chế phẩm khác | Xăng máy bay, Xăng khoáng A95, Xăng khoáng A92, Xăng A92- E5 | Tấn | ||||||
1920022 | Nhiên liệu dầu và xăng; dầu mỡ bôi trơn khác | Gồm: Dầu trung (có khoảng sôi trung bình) và các chế phẩm; Dầu và mỡ bôi trơn; Dầu dùng trong bộ hãm thủy lực (dầu phanh); Dầu biến thế và dầu dùng cho bộ phần ngắt mạch; Dầu nhiên liệu và Dầu có nguồn gốc từ dầu mỏ khác | Tấn | |||||||
1920023 | Dầu thải | Chứa biphenyl đã polyclo hóa, terphenyl đã polyclo hóa hoặc biphenyl đã polyclo hóa | Tấn | |||||||
192003 | Khí dầu mỏ và các loại khí Hydro cacbon khác (trừ khí thiên nhiên) | Tấn | ||||||||
1920031 | Propan và bu tan đã được hóa lỏng (LPG) | Gồm: Propan đã được hóa lỏng; Bu tan đã được hóa lỏng (LPG); Khí khô thương phẩm. | LPG | Tấn | ||||||
1920032 | Etylen, propylen, butylen, butadien và các loại khí dầu khác hoặc khí hidro cacbon trừ khí ga tự nhiên | Tấn | ||||||||
20 | Hóa chất và sản phẩm hóa chất | |||||||||
201 | Hóa chất cơ bản, phân bón và hợp chất ni tơ; plastic và cao su tổng hợp dạng nguyên sinh | |||||||||
2011 | Hóa chất cơ bản | |||||||||
20111 | Khí công nghiệp | m3 | ||||||||
201111 | 2011110 | Hydro, agon, khí hiếm, nitơ và ôxy | Gồm: Hydro, Agon, Nitơ, Ôxy và Khí hiếm khác | m3 | ||||||
201112 | 2011120 | Cacbon điôxit và hợp chất khí ôxi vô cơ khác của á kim | m3 | |||||||
201113 | 2011130 | Khí lỏng và khí nén | Gồm: Khí Axêtylen; Khí Cacboníc công nghiệp 99% (CO2); Clo lỏng và Khí lỏng và khí nén khác | m3 | ||||||
27 | Thiết bị điện | |||||||||
271 | 2710 | Mô tơ, máy phát, biến thế điện, thiết bị phân phối và điều khiển điện | ||||||||
27102 | Biến thế điện, thiết bị phân phối và điều khiển điện | Chiếc | ||||||||
271021 | Biến thế điện | Máy biến áp điện | Chiếc | |||||||
2710213 | Máy biến thế điện khác có công suất > 16 kVA | Máy biến áp công suất > 16 kVA | Chiếc | |||||||
2710214 | Phụ tùng biến thế điện | Tấn | ||||||||
273 | Dây và thiết bị dây dẫn | m | ||||||||
2731 | 27310 | Dây cáp, sợi cáp quang học | m | |||||||
273101 | Sợi quang, bó sợi quang và cáp sợi quang | m | ||||||||
2731011 | Cáp sợi quang được làm bằng các bó sợi đơn có vỏ bọc riêng biệt từng sợi | Gồm: cáp sợi quang được làm bằng các bó sợi đơn có vỏ bọc riêng rẽ từng sợi, được sử dụng để làm cáp điện thoại, cáp điện báo và cáp chuyển tiếp vô tuyến ngầm dưới biển; Cáp sợi quang được làm bằng sợi quang riêng rẽ khác | m | |||||||
2731012 | Sợi quang và các bó sợi quang; cáp sợi quang (trừ loại được làm bằng các bó sợi đơn có vỏ bọc riêng biệt từng sợi) | Gồm: sợi quang và các bó sợi quang; cáp sợi quang (trừ loại được làm các bó sợi đơn có vỏ bọc riêng biệt từng sợi) sử dụng cho viễn thông hoặc cho ngành điện khác; sợi quang và các bó sợi quang; cáp sợi quang khác (trừ loại được làm các bó sợi đơn có vỏ bọc riêng biệt từng sợi) | m | |||||||
2732 | 27320 | Dây, cáp điện và điện tử khác | Tấn | |||||||
273201 | Dây, cáp điện và điện tử khác | Tấn | ||||||||
2732011 | Dây cách điện đơn dạng cuộn | Gồm: Dây cách điện đơn dạng cuộn bằng đồng; dây cách điện đơn dạng cuộn khác | Tấn | |||||||
2732012 | Cáp đồng trục và dây dẫn điện đồng trục khác | Tấn | ||||||||
2732013 | Dây dẫn điện khác dùng cho hiệu điện thế ≤ 1000V | Trừ dây cách điện đơn dạng cuộn | Tấn | |||||||
2732014 | Dây dẫn điện khác dùng cho hiệu điện thế > 1000V | Trừ dây cách điện đơn dạng cuộn | Đường dây 110Kv, đường dây 220Kv, đường dây 500Kv | Tấn | ||||||
D | ĐIỆN, KHÍ ĐỐT, NƯỚC NÓNG, HƠI NƯỚC VÀ ĐIỀU HÒA KHÔNG KHÍ | |||||||||
35 | Điện, khí đốt, nước nóng, hơi nước và điều hòa không khí | |||||||||
351 | Điện sản xuất Dịch vụ truyền tải và phân phối điện | kWh | ||||||||
3511 | Điện sản xuất | Loại trừ sản xuất điện thông qua đốt rác được phân vào nhóm 38210 | Điện sản xuất | kWh | ||||||
35111 | 351110 | 3511100 | Thủy điện | Thủy điện | kWh | |||||
35112 | 351120 | 3511200 | Nhiệt điện than | Nhiệt điện than | kWh | |||||
35113 | 351130 | 3511300 | Nhiệt điện khí | Nhiệt điện khí | kWh | |||||
35114 | 351140 | 3511400 | Điện hạt nhân | Điện hạt nhân | kWh | |||||
35115 | 351150 | 3511500 | Điện gió | Còn gọi là phong điện | Điện gió | kWh | ||||
35116 | 351160 | 3511600 | Điện mặt trời | Điện mặt trời | kWh | |||||
35119 | 351190 | 3511900 | Điện sản xuất khác (Gồm cả nhiệt điện dầu) | Bao gồm các loại điện như: điện sóng biển, điện bã mía, nhiệt điện dầu... | Điện sản xuất khác (Gồm cả nhiệt điện dầu) | kWh | ||||
3512 | Dịch vụ truyền tải và phân phối điện | |||||||||
35121 | 351210 | 3512100 | Dịch vụ truyền tải điện | |||||||
35122 | 351220 | Dịch vụ phân phối điện | ||||||||
3512201 | Dịch vụ phân phối điện | |||||||||
3512202 | Dịch vụ bán điện | |||||||||
352 | 3520 | Khí đốt, dịch vụ phân phối nhiên liệu khí bằng đường ống | ||||||||
35201 | Khí đốt | Loại trừ khí dầu mỏ và khí hydrocacbon khác | ||||||||
352011 | 3520110 | Khí than đá, khí than ướt, khí than | ||||||||
352012 | 3520120 | Khí đốt từ phụ phẩm nông nghiệp | ||||||||
352013 | 3520130 | Khí đốt từ rác thải | ||||||||
35202 | Dịch vụ phân phối nhiên liệu khí bằng đường ống | |||||||||
352021 | 3520210 | Dịch vụ phân phối nhiên liệu khí bằng đường ống | Dịch vụ phân phối và cung cấp nhiên liệu khí thông qua hệ thống đường ống | |||||||
352022 | 3520220 | Dịch vụ bán khí đốt thông qua đường ống | Dịch vụ của các trung gian hoặc đại lý mà sắp xếp việc mua bán khí thông qua hệ thống phân phối khí được vận hành bởi người khác | |||||||
352011 | 3520110 | Khí than đá, khí than ướt, khí than |
TT | Mã số | Nhóm, tên chỉ tiêu thống kê trong Hệ thống chỉ tiêu thống kê ngành Công Thương |
1 | 0104 | Sản lượng sản xuất sản phẩm công nghiệp |
2 | 0105 | Số lượng tiêu thụ sản phẩm công nghiệp |
3 | 0106 | Số lượng tồn kho sản phẩm công nghiệp |
4 | 0107 | Năng lực sản xuất của sản phẩm công nghiệp |
5 | 0108 | Công suất lắp đặt và sản lượng điện từ năng lượng mặt trời |
6 | 0109 | Công suất lắp đặt và sản lượng điện từ năng lượng gió |
7 | 0110 | Công suất lắp đặt và sản lượng điện từ năng lượng thủy triều |
8 | 0111 | Công suất của các trạm biến áp, chiều dài đường dây của lưới điện |
9 | 0112 | Tiêu thụ năng lượng |
10 | 0113 | Suất tiêu hao năng lượng theo sản phẩm |
11 | 0116 | Cân đối một số sản phẩm công nghiệp chủ yếu |
0104. Sản lượng sản xuất sản phẩm công nghiệp
1. Mục đích, ý nghĩa
Chỉ tiêu phản ánh năng lực sản xuất thực tế và khả năng cung cấp cho thị trường những sản phẩm theo quy cách, đặc tính và chất lượng cụ thể. Nghiên cứu số liệu thống kê về sản lượng sản phẩm thời kỳ dài nhiều năm có thể đánh giá thế mạnh, ngành trọng tâm, trọng điểm của một quốc gia; đồng thời phục vụ việc xây dựng quy hoạch, kế hoạch phát triển công nghiệp hàng năm và nhiều năm. Đây cũng là chỉ tiêu quan trọng dùng để tính toán chỉ tiêu giá trị sản xuất, giá trị tăng thêm, sản lượng sản phẩm công nghiệp bình quân đầu người...
2. Khái niệm, nội dung, phương pháp tính
Sản lượng sản xuất sản phẩm công nghiệp là số lượng sản phẩm được ngành công nghiệp sản xuất ra trong một thời kỳ nhất định (tháng, quý, năm).
Chỉ tiêu này chủ yếu được tính cho sản phẩm là thành phẩm và theo đơn vị hiện vật hoặc hiện vật quy ước. Sản phẩm công nghiệp được ghi theo Danh mục Hệ thống ngành sản phẩm Việt Nam.
Danh mục sản phẩm công nghiệp chủ yếu được quy định căn cứ vào vị trí, vai trò của sản phẩm đối với tiêu dùng trong nước, xuất khẩu, nhu cầu dự trữ và đóng góp cho ngân sách. Danh mục này thay đổi theo từng thời kỳ phát triển kinh tế xã hội. Sản lượng của mỗi sản phẩm bao gồm thành phẩm (chính phẩm, thứ phẩm, phụ phẩm) và bán thành phẩm bán ra ngoài, trong đó:
- Thành phẩm: Là sản phẩm do hoạt động sản xuất công nghiệp của cơ sở tạo ra; không phân biệt sản phẩm đó được sản xuất từ nguyên vật liệu của cơ sở hay nguyên vật liệu của khách hàng đưa đến gia công. Những sản phẩm này đã làm xong thủ tục nhập kho thành phẩm trong kỳ, bao gồm:
+ Chính phẩm là những sản phẩm vật chất công nghiệp sản xuất ra đạt quy cách và phẩm chất đúng tiêu chuẩn kỹ thuật quy định.
+ Thứ phẩm là những sản phẩm vật chất công nghiệp sản xuất ra chưa đạt tiêu chuẩn quy cách và phẩm chất theo quy định nhưng vẫn có giá trị sử dụng và được tiêu thụ (thị trường chấp nhận).
+ Phụ phẩm (còn gọi là sản phẩm song song) là những sản phẩm vật chất được tạo ra trong quá trình sản xuất công nghiệp cùng với sản phẩm chính.
- Bán thành phẩm là sản phẩm do hoạt động sản xuất công nghiệp của cơ sở tạo ra, đã kết thúc giai đoạn sản xuất nhất định trong phạm vi một phân xưởng sản xuất (kết thúc một công đoạn trong toàn bộ công đoạn sản xuất sản phẩm), phù hợp với quy cách, đạt tiêu chuẩn kỹ thuật quy định của một giai đoạn sản xuất và còn được tiếp tục sản xuất chế biến trong phân xưởng sản xuất khác của cơ sở (một công đoạn tiếp tục của sản xuất sản phẩm). Bán thành phẩm của các cơ sở sản xuất được bán ra ngoài cũng được coi là thành phẩm công nghiệp.
Phương pháp tính:
Chỉ tiêu này bao gồm các sản phẩm được sản xuất trực tiếp bởi doanh nghiệp bằng nguyên vật liệu của doanh nghiệp và các sản phẩm nhận gia công cho các cơ sở kinh tế khác bằng nguyên vật liệu của các cơ sở kinh tế khác.
Chỉ tiêu thống kê sản lượng một số sản phẩm công nghiệp chỉ tính những sản phẩm là thành phẩm (gồm cả chính phẩm, thứ phẩm, phụ phẩm) và những bán thành phẩm bán ra ngoài, không gồm sản phẩm dở dang trừ một số sản phẩm có chu kỳ sản xuất kéo dài được quy định riêng.
3. Phân tổ chủ yếu
- Phân theo loại sản phẩm.
- Phân theo doanh nghiệp thuộc Bộ.
4. Kỳ công bố
- Tháng.
- Năm.
5. Nguồn số liệu
- Chế độ báo cáo thống kê áp dụng đối với Tập đoàn, Tổng công ty, Công ty thuộc Bộ.
- Chế độ báo cáo thống kê áp dụng đối với Sở Công Thương các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.
- Điều tra thống kê doanh nghiệp đối với ngành, lĩnh vực công nghiệp.
6. Cơ quan chịu trách nhiệm thu thập, tổng hợp
- Chủ trì: Vụ Kế hoạch.
- Phối hợp: Vụ Dầu khí và Than, Vụ Tiết kiệm năng lượng và Phát triển bền vững, Cục Điều tiết Điện lực, Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo, Cục Công nghiệp, Cục Hóa chất.
0105. Số lượng tiêu thụ sản phẩm công nghiệp
1. Mục đích, ý nghĩa
Số lượng tiêu thụ sản phẩm công nghiệp phản ánh thực trạng và tình hình biến động của sản phẩm trong ngành công nghiệp. Thống kê số lượng tiêu thụ sản phẩm công nghiệp giúp cho việc nghiên cứu, phân tích chu kỳ tiêu thụ, tác động của các yếu tố tới tiêu thụ sản phẩm (theo thời vụ, theo nhu cầu, sở thích...). Xác định số lượng sản phẩm công nghiệp tiêu thụ trong kỳ giúp cho việc lập kế hoạch và lập biện pháp điều chỉnh sản xuất và tiêu thụ nhằm đảm bảo ổn định quan hệ cung cầu, nâng cao hiệu quả hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp ngành công nghiệp.
2. Khái niệm, nội dung, phương pháp tính
Số lượng tiêu thụ sản phẩm công nghiệp là số lượng sản phẩm được xuất kho để tiêu thụ ra bên ngoài doanh nghiệp trong một thời kỳ nhất định.
Số lượng tiêu thụ sản phẩm công nghiệp trong ngành công nghiệp là chỉ tiêu thống kê thời điểm, phản ánh số lượng sản phẩm sản xuất ra đã được tiêu thụ tới người tiêu dùng cuối cùng hoặc các nhà sản xuất (đối với sản phẩm là nguyên nhiên vật liệu đầu vào cho các ngành công nghiệp khác, đặc biệt là trong ngành công nghiệp chế biến, chế tạo ví dụ như sản phẩm than, dầu, khí... là thành phẩm của ngành công nghiệp khai khoáng nhưng lại là nguyên, nhiên, vật liệu của ngành công nghiệp chế biến, chế tạo và ngành năng lượng), số lượng tiêu thụ sản phẩm công nghiệp trong ngành công nghiệp khai khoáng và ngành công nghiệp chế biến, chế tạo được xác định là sản phẩm (thành phẩm) đã tới người tiêu dùng cuối cùng và tới nhà sản xuất sử dụng sản phẩm đó làm tư liệu sản xuất hoặc là sản phẩm đang trên đường tới người tiêu dùng, cơ sở doanh nghiệp sản xuất.
Sản phẩm công nghiệp được ghi theo Danh mục Hệ thống ngành sản phẩm Việt Nam.
Phương pháp tính:
Số lượng tiêu thụ sản phẩm công nghiệp là những sản phẩm là thành phẩm tiêu thụ (gồm cả chính phẩm, thứ phẩm, phụ phẩm) và không gồm sản phẩm dở dang trừ một số sản phẩm có chu kỳ sản xuất kéo dài được quy định riêng.
Việc xác định tiêu thụ sản phẩm công nghiệp dựa vào sổ ghi chép xuất kho của cơ sở/doanh nghiệp sản xuất ra sản phẩm đó. Tuy nhiên, trong thống kê, để tính đúng, tính đủ sản phẩm tiêu thụ không nhất thiết phải theo chuẩn mực kế toán là sản phẩm đã xuất kho và có hoá đơn bán hàng.
Xuất kho tiêu thụ ra bên ngoài doanh nghiệp bao gồm: Xuất bán cho các cơ sở kinh tế khác ngoài doanh nghiệp, xuất làm quà biếu, quà tặng, xuất kho gửi đi tham gia hội chợ triển lãm, xuất cho các bộ phận khác ngoài hoạt động sản xuất công nghiệp của doanh nghiệp nhưng có hạch toán riêng (như cửa hàng giới thiệu sản phẩm, nhà trẻ, mẫu giáo...).
Chỉ tiêu này chỉ tính khối lượng sản phẩm xuất kho từ sản phẩm do cơ sở trực tiếp sản xuất (không gồm xuất kho của những sản phẩm do cơ sở đem nguyên vật liệu đi gia công ở các cơ sở kinh tế khác).
Lưu ý: Khối lượng sản phẩm xuất kho không bao gồm khối lượng sản phẩm được xuất kho để tiếp tục chế biến trong dây chuyền sản xuất của doanh nghiệp.
3. Phân tổ chủ yếu
- Phân theo loại sản phẩm.
- Phân theo doanh nghiệp thuộc Bộ.
4. Kỳ công bố
- Tháng.
- Năm.
5. Nguồn số liệu
- Chế độ báo cáo thống kê áp dụng đối với Tập đoàn, Tổng công ty, Công ty thuộc Bộ
- Điều tra thống kê doanh nghiệp đối với ngành, lĩnh vực công nghiệp.
6. Cơ quan chịu trách nhiệm thu thập, tổng hợp
- Chủ trì: Vụ Kế hoạch.
- Phối hợp: Vụ Dầu khí và Than, Vụ Tiết kiệm năng lượng và Phát triển bền vững, Cục Điều tiết Điện lực, Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo, Cục Công nghiệp, Cục Hóa chất.
0106. Số lượng tồn kho sản phẩm công nghiệp
1. Mục đích, ý nghĩa
Số lượng tồn kho sản phẩm công nghiệp phản ánh thực trạng và tình hình biến động sản phẩm của ngành công nghiệp còn lại trong kho/cơ sở/doanh nghiệp (riêng ngành sản xuất, phân phối điện, nước gần như không có tồn kho). Thống kê số lượng tồn kho sản phẩm công nghiệp giúp cho việc nghiên cứu phân tích chu kỳ tồn kho, tác động của tồn kho đến sản xuất sản phẩm của ngành này, từ đó có kế hoạch và biện pháp điều chỉnh sản xuất và tiêu thụ nhằm đảm bảo ổn định quan hệ cung cầu, nâng cao hiệu quả hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp ngành công nghiệp.
2. Khái niệm, nội dung, phương pháp tính
Số lượng tồn kho sản phẩm công nghiệp là khối lượng những sản phẩm tồn kho và những sản phẩm gửi bán nhưng chưa bán được tại thời điểm đầu tháng báo cáo.
Số lượng tồn kho sản phẩm công nghiệp là chỉ tiêu thống kê thời điểm, phản ánh số lượng sản phẩm sản xuất ra chưa đưa đi tiêu thụ. Số lượng tồn kho sản phẩm công nghiệp được xác định dưới 2 dạng chủ yếu là tồn kho trong sản xuất và tồn kho trong lưu thông.
Sản phẩm công nghiệp chủ yếu được ghi theo Danh mục Hệ thống ngành sản phẩm Việt Nam.
Phương pháp tính:
Số lượng tồn kho sản phẩm công nghiệp chỉ tính những sản phẩm là thành phẩm tồn kho (gồm cả chính phẩm, thứ phẩm, phụ phẩm) và không gồm sản phẩm dở dang trừ một số sản phẩm có chu kỳ sản xuất kéo dài được quy định riêng.
Tồn kho sản phẩm | = | Tồn kho sản phẩm trong sản xuất | + | Tồn kho sản phẩm trong lưu thông |
Trong đó:
- Tồn kho sản phẩm công nghiệp trong sản xuất được xác định là số sản phẩm (thành phẩm) tồn kho thực tế ở thời điểm báo cáo tại các kho bãi (ở cùng địa bàn với cơ sở, doanh nghiệp sản xuất sản phẩm) của các cơ sở, doanh nghiệp sản xuất ra sản phẩm đó.
- Tồn kho sản phẩm công nghiệp trong lưu thông là số sản phẩm (thành phẩm) tồn kho thực tế ở thời điểm báo cáo tại các chi nhánh, đại lý, cửa hàng phân phối sản phẩm, kho bãi của doanh nghiệp (các chi nhánh, đại lý, cửa hàng phân phối sản phẩm, kho bãi này thuộc cơ sở, doanh nghiệp quản lý sản xuất ra sản phẩm theo dõi nhưng ở khác địa bàn cùng với cơ sở doanh nghiệp trực tiếp sản xuất ra sản phẩm).
3. Phân tổ chủ yếu
- Phân theo loại sản phẩm.
- Phân theo doanh nghiệp thuộc Bộ.
4. Kỳ công bố
- Tháng.
- Năm.
5. Nguồn số liệu
- Chế độ báo cáo thống kê áp dụng đối với Tập đoàn, Tổng công ty, Công ty thuộc Bộ.
- Chế độ báo cáo thống kê áp dụng đối với Sở Công Thương các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.
- Điều tra thống kê doanh nghiệp đối với ngành, lĩnh vực công nghiệp.
6. Cơ quan chịu trách nhiệm thu thập, tổng hợp
- Chủ trì: Vụ Kế hoạch.
- Phối hợp: Vụ Dầu khí và Than, Cục Công nghiệp, Cục Hóa chất.
0107. Năng lực sản xuất của sản phẩm công nghiệp
1. Mục đích, ý nghĩa
Chỉ tiêu năng lực sản xuất của sản phẩm công nghiệp phản ánh khả năng sản xuất và thực tế sản xuất của sản phẩm công nghiệp làm căn cứ để xây dựng quy hoạch, kế hoạch, chính sách phát triển sản xuất ngắn hạn, dài hạn của sản phẩm nhằm bảo đảm cân đối giữa sản xuất, tiêu dùng và xuất nhập khẩu.
Năng lực sản xuất của sản phẩm công nghiệp là cơ sở quan trọng để tổng hợp, đánh giá năng lực sản xuất của toàn bộ nền kinh tế.
2. Khái niệm, nội dung, phương pháp tính
Năng lực sản xuất của sản phẩm công nghiệp là khối lượng sản phẩm công nghiệp có thể sản xuất ra trong một thời kỳ nhất định.
Năng lực sản xuất của sản phẩm thường được thể hiện ở sản phẩm cuối cùng của thiết bị máy móc, dây chuyền sản xuất và biểu hiện bằng khối lượng thành phẩm được sản xuất ra theo thiết kế hoặc theo thực tế.
Phương pháp tính: Thống kê cộng dồn.
a) Năng lực sản xuất theo thiết kế
Năng lực sản xuất theo thiết kế là khả năng sản xuất cao nhất của thiết bị máy móc hoặc dây chuyền sản xuất hiện có trong điều kiện sử dụng đầy đủ và hợp lý nhất các tư liệu sản xuất, áp dụng các quy trình công nghệ tiên tiến với việc tổ chức sản xuất và lao động theo hình thức tiến bộ trên cơ sở công suất thiết kế của máy móc thiết bị hiện có của doanh nghiệp.
Khi tính năng lực sản xuất theo thiết kế phải căn cứ vào hồ sơ hoặc lý lịch của thiết bị máy móc và dây chuyền sản xuất khi mua hoặc xây dựng, trong đó có ghi công suất sản xuất theo thiết kế. Trường hợp thiết bị máy móc và dây chuyền sản xuất được nâng cấp mở rộng làm tăng thêm năng lực sản xuất, thì năng lực sản xuất theo thiết kế là năng lực sản xuất sau khi đã được mở rộng (gồm năng lực sản xuất theo thiết kế ban đầu cộng (+) năng lực sản xuất theo thiết kế tăng thêm do đầu tư nâng cấp mở rộng).
b) Sản lượng sản xuất thực tế
Sản lượng sản xuất thực tế là khối lượng sản phẩm thực tế đã sản xuất trong kỳ trên cơ sở điều kiện thực tế hiện có về máy móc, thiết bị; nguồn nhân lực; nguồn tài chính và nguồn lực khác.
Khi tính chỉ tiêu này phải căn cứ vào số lượng sản phẩm hiện vật thực tế đã sản xuất ra của thiết bị máy móc hoặc dây chuyền sản xuất ở các cơ sở trong một thời gian nhất định (cùng thời gian của năng lực sản xuất theo thiết kế quy định).
3. Phân tổ chủ yếu
- Phân theo vùng kinh tế - xã hội.
- Phân theo tỉnh/thành phố.
- Phân theo ngành kinh tế.
- Phân theo loại hình kinh tế.
- Phân theo sản phẩm.
- Phân theo doanh nghiệp.
4. Kỳ công bố
Hai (02) năm.
5. Nguồn số liệu
- Chế độ báo cáo thống kê áp dụng đối với Tập đoàn, Tổng công ty, Công ty thuộc Bộ.
- Chương trình điều tra thống kê quốc gia.
6. Cơ quan chịu trách nhiệm thu thập, tổng hợp
- Chủ trì: Vụ Kế hoạch.
- Phối hợp: Vụ Dầu khí và Than, Vụ Tiết kiệm năng lượng và Phát triển bền vững, Cục Điều tiết Điện lực, Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo, Cục Công nghiệp, Cục Hóa chất; Sở Công Thương các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; doanh nghiệp ngành Công Thương.
0108. Công suất lắp đặt và sản lượng điện từ năng lượng mặt trời
1. Mục đích, ý nghĩa
Năng lượng mặt trời là nguồn năng lượng có vai trò quan trọng trong các nguồn năng lượng tái tạo hiện nay. Vì vậy, việc tính toán công suất năng lượng mặt trời nhằm mục đích đánh giá tỷ lệ các nguồn năng lượng mới và tái tạo trong tổng nguồn cung cấp và sử dụng năng lượng của quốc gia để có chiến lược phát triển các nguồn năng lượng của quốc gia cho phù hợp với xu thế chung của thế giới đảm bảo phát triển các nguồn năng lượng gắn với giữ gìn môi trường sinh thái, bảo đảm thực hiện phát triển năng lượng bền vững.
2. Khái niệm, nội dung, phương pháp tính
Sản lượng điện từ năng lượng mặt trời là sản lượng điện sản xuất ra từ nguồn năng lượng mặt trời được tính trên đồng hồ đo sản lượng tại nơi sản xuất chuyển qua cho bên tiêu thụ trong một thời kỳ nhất định.
Năng lượng mặt trời là ánh sáng và bức xạ nhiệt từ mặt trời, đã được con người khai thác từ xưa bằng cách sử dụng một loạt các công nghệ và ngày càng phát triển cao hơn.
Các ứng dụng năng lượng mặt trời gồm: Nước nóng năng lượng mặt trời, chiếu sáng, năng lượng mặt trời nấu ăn, nước sạch thông qua chưng cất và tẩy uế, điện năng lượng mặt trời, không gian sưởi ấm và làm mát thông qua kiến trúc năng lượng mặt trời, quá trình tích nhiệt độ cao cho mục đích công nghiệp, điện năng lượng mặt trời dựa trên các động cơ nhiệt và tế bào quang điện.
Phương pháp tính:
Thu năng lượng mặt trời, cách phổ biến nhất là sử dụng tấm panel. Công nghệ năng lượng mặt trời được phổ biến một trong hai cách thụ động và chủ động tùy thuộc vào cách thu, chuyển đổi và phân phối năng lượng mặt trời.
Kỹ thuật năng lượng mặt trời chủ động bao gồm việc sử dụng các tấm panel thu quang điện và thu nhiệt năng lượng mặt trời. Hoạt động công nghệ làm tăng nguồn cung cấp năng lượng gọi là công nghệ nguồn cung. Kỹ thuật năng lượng mặt trời thụ động bao gồm định hướng một tòa nhà với Mặt Trời, lựa chọn vật liệu với khối lượng nhiệt thuận lợi, hiệu ứng phân tán ánh sáng và thiết kế không gian tự nhiên lưu thông không khí. Công nghệ thụ động làm giảm nhu cầu năng lượng gọi là công nghệ phía cầu.
Trong phạm vi chỉ tiêu này chỉ tính đến nguồn năng lượng mặt trời đã được dùng để sản xuất ra điện hay chỉ tính sản lượng điện sản xuất được từ nguồn năng lượng mặt trời.
Trong sản xuất điện, có thể khai thác điện mặt trời cho các khu vực sau:
- Khu vực ngoài lưới tại những nơi sử dụng năng lượng mặt trời có hiệu quả hơn (vùng sâu, vùng xa, hải đảo) so với các phương án cấp điện khác (diezel hoặc kéo lưới).
- Trình diễn cho hệ thống đèn giao thông, khuyến khích các hộ gia đình, công sở tự nguyện lắp đặt và sử dụng theo cơ chế trao đổi điện năng.
Công suất điện năng lượng mặt trời là khả năng sản xuất điện của nhà máy trên cơ sở công suất lắp đặt của nhà máy. Vì vậy, đơn vị tính cũng được sử dụng đơn vị như các nguồn điện khác là: W hoặc bội số của W là kW và MW.
Sản lượng điện là lượng điện được sản xuất trong thời gian nhất định được tính theo kWh. Sản lượng điện được tính trên đồng hồ đo sản lượng tại nơi sản xuất chuyển qua cho tiêu thụ.
Điện sản xuất được đo đếm ở đầu máy phát của từng tổ máy qua đồng hồ tổng của nhà máy đã tách riêng phần điện tự dùng và tổn thất trên máy biến áp số còn lại chính là điện tiêu thụ.
3. Phân tổ chủ yếu
- Phân theo công suất.
- Phân theo doanh nghiệp thuộc Bộ.
4. Kỳ công bố
Năm.
5. Nguồn số liệu
Điều tra thống kê đối với doanh nghiệp, cơ sở cá thể, hộ gia đình có sản xuất điện từ nguồn năng lượng mặt trời.
6. Cơ quan chịu trách nhiệm thu thập, tổng hợp
- Chủ trì: Cục Điều tiết điện lực.
- Phối hợp: Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo; Vụ Kế hoạch.
0109. Công suất lắp đặt và sản lượng điện từ năng lượng gió
1. Mục đích, ý nghĩa
Việt Nam được đánh giá là quốc gia có tiềm năng năng lượng gió khá tốt. Vì vậy, việc tính toán công suất năng lượng gió có ý nghĩa quan trọng nhằm mục đích đánh giá tỷ lệ các nguồn năng lượng mới và tái tạo trong tổng nguồn cung cấp và sử dụng năng lượng của quốc gia để có chiến lược phát triển các nguồn năng lượng của quốc gia cho phù hợp với xu thế chung của thế giới, đảm bảo phát triển các nguồn năng lượng gắn với gìn giữ môi trường sinh thái, bảo đảm thực hiện phát triển năng lượng bền vững.
2. Khái niệm, nội dung, phương pháp tính
Công suất lắp đặt và sản lượng điện từ năng lượng gió là sản lượng điện sản xuất ra từ nguồn năng lượng gió được tính trên đồng hồ đo sản lượng tại nơi sản xuất chuyển qua cho bên tiêu thụ trong một thời kỳ nhất định.
Năng lượng gió là động năng của không khí di chuyển trong bầu khí quyển Trái Đất. Năng lượng gió là một hình thức gián tiếp của năng lượng mặt trời. Sử dụng năng lượng gió là một trong các cách lấy năng lượng xa xưa nhất từ môi trường tự nhiên và đã được biết đến từ thời kỳ cổ đại.
Năng lượng gió mô tả quá trình mà gió đã được sử dụng để tạo ra năng lượng cơ học hoặc điện. Tua bin gió chuyển đổi năng lượng động lực trong gió thành Năng lượng cơ học. Năng lượng cơ học này có thể được sử dụng cho các nhiệm vụ cụ thể (chẳng hạn như xay ngũ cốc hoặc bơm nước) hoặc một máy phát điện có thể chuyển đổi năng lượng cơ học thành điện, nhà máy điện.
Gió là một dạng của năng lượng mặt trời, do sưởi ấm không đồng đều của bầu khí quyển của mặt trời, các bất thường của bề mặt trái đất, và vòng quay của trái đất. Mô hình dòng chảy gió được sửa đổi bởi địa hình của trái đất, sông nước, và độ che phủ thực vật. Năng lượng gió dòng chảy này, hoặc chuyển động có thể được sử dụng khi qua tua-bin gió hiện đại, để tạo ra điện.
Phương pháp tính
Trong phạm vi chỉ tiêu này chỉ tính đến nguồn năng lượng gió được dùng cho phát điện hay chỉ tính sản lượng điện được sản xuất được từ nguồn năng gió mà thôi.
Công suất điện năng lượng gió là khả năng sản xuất điện của nhà máy nên đơn vị tính cũng được sử dụng như các nguồn điện khác là: W hoặc bội số của W là KW và MW.
Sản lượng điện là lượng điện được sản xuất trong thời gian nhất định được tính theo kWh. Sản lượng điện được tính trên đồng hồ đo sản lượng tại nơi sản xuất chuyển qua cho tiêu thụ.
Điện sản xuất được đo đếm ở đầu máy phát của từng tô máy qua đồng hồ tổng của nhà máy đã tách riêng phần điện tự dùng và tổn thất trên máy biến áp số còn lại chính là điện tiêu thụ.
3. Phân tổ chủ yếu
- Phân theo công suất.
- Phân theo doanh nghiệp thuộc Bộ.
4. Kỳ công bố
Năm.
5. Nguồn số liệu
- Điều tra thống kê đối với doanh nghiệp, cơ sở cá thể có sản xuất điện từ nguồn năng lượng gió.
6. Cơ quan chịu trách nhiệm thu thập, tổng hợp
- Chủ trì: Cục Điều tiết điện lực.
- Phối hợp: Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo; Vụ Kế hoạch.
0110. Công suất lắp đặt và sản lượng điện từ năng lượng thủy triều
1. Mục đích, ý nghĩa
Năng lượng thủy triều là nguồn năng lượng sạch trong số nguồn năng tái tạo hiện nay. Vì vậy việc tính toán công suất năng lượng thủy triều có ý nghĩa quan trọng nhằm mục đích đánh giá tỷ lệ các nguồn năng lượng mới và tái tạo trong tổng nguồn cung cấp và sử dụng năng lượng của quốc gia để có chiến lược phát triển các nguồn năng lượng của quốc gia cho phù hợp với xu thế chung của thế giới đảm bảo phát triển các nguồn năng lượng gắn với giữ gìn môi trường sinh thái, bảo đảm thực hiện phát triển năng lượng bền vững.
2. Khái niệm, nội dung, phương pháp tính
Công suất lắp đặt và sản lượng điện từ năng lượng thủy triều là sản lượng điện sản xuất ra từ nguồn năng lượng thủy triều được tính trên đồng hồ đo sản lượng tại nơi sản xuất chuyển qua cho bên tiêu thụ trong một thời kỳ nhất định.
Điện thủy triều được khai thác từ sự thay đổi của thủy triều lên xuống hàng ngày. Lợi dụng dòng thủy triều người ta sẽ lắp đặt hệ thống thiết bị sản xuất điện.
Hiện nay có 2 loại công nghệ khai thác được áp dụng tại các nước trên thế giới để khai thác hiệu quả nguồn năng lượng này là khai thác dựa vào động năng dòng chảy thủy triều và khai thác dựa vào thế năng của thủy triều.
Với công nghệ khai thác dựa vào thế năng của thủy triều, người ta phải xây dựng hồ chứa và lợi dụng quy luật triều lên xuống để tạo ra sự chênh lệch cột nước tĩnh của khối lượng nước trong hồ và ngoài biển hoặc ngược lại. Khi đó sử dụng các tuabin nước để phát điện. Công nghệ này có ưu điểm là làm giảm được tính không ổn định của năng lượng thủy triều, tuy nhiên lại gặp khó khăn khi phải xây đập để tạo nên các hồ chứa tại các vùng biển thường có điều kiện địa hình phức tạp.
Hiện nay một số nơi trên thế giới đã triển khai hệ thống máy phát điện sử dụng năng lượng thủy triều.
Phương pháp tính:
Công suất điện năng lượng thủy triều là khả năng sản xuất điện của nhà máy vì vậy đơn vị tính cũng được sử dụng đơn vị như các nguồn điện khác là: W hoặc bội số của W là KW và MW.
Sản lượng điện là lượng điện được sản xuất trong thời gian nhất định được tính theo kWh. Sản lượng điện được tính trên đồng hồ đo sản lượng tại nơi sản xuất chuyển qua cho tiêu thụ.
Điện sản xuất được đo đếm ở đầu máy phát của từng tổ máy qua đồng hồ tổng của nhà máy đã tách riêng phần điện tự dùng và tổn thất trên máy biến áp số còn lại chính là điện tiêu thụ.
3. Phân tổ chủ yếu
- Phân theo công suất.
- Phân theo doanh nghiệp thuộc Bộ.
4. Kỳ công bố
Năm.
5. Nguồn số liệu
Điều tra thống kê đối với doanh nghiệp, cơ sở cá thể có sản xuất điện từ nguồn năng lượng thủy triều/sóng biển.
6. Cơ quan chịu trách nhiệm thu thập, tổng hợp
- Chủ trì: Cục Điều tiết điện lực.
- Phối hợp: Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo; Vụ Kế hoạch.
0111. Công suất của các trạm biến áp, chiều dài đường dây của lưới điện
1. Mục đích, ý nghĩa
Quy mô lưới điện Việt Nam đã và đang ngày càng được phát triển về quy mô và phạm vi cấp điện. Việc thống kê công suất của các trạm biến áp, chiều dài đường dây của lưới điện 500kV, 220kV, 110kV, 35kV, 22kV, 10kV, 6kV, 0,4kV có thể cho thấy năng lực cấp điện của hạ tầng lưới điện hiện hữu.
2. Khái niệm, nội dung, phương pháp tính
Công suất của các trạm biến áp là công suất định mức của từng máy biến áp (công suất biểu kiến thứ cấp ở chế độ làm việc định mức).
Phương pháp tính:
Công suất định mức kí hiệu là SđM, Đơn vị là kVA.
Chiều dài đường dây của lưới điện được xác định theo từng cấp điện áp 500kV, 220kV, 110kV, 35kV, 22kV, 10kV, 6kV, 0,4kV.
Đơn vị tính: kWh.
3. Phân tổ chủ yếu
- Phân theo công suất.
- Phân theo chiều dài đường dây.
4. Kỳ công bố
Năm
5. Nguồn số liệu
Điều tra thống kê đối với doanh nghiệp truyền tải, phân phối và bán lẻ điện.
6. Cơ quan chịu trách nhiệm thu thập, tổng hợp
- Chủ trì: Cục Điều tiết điện lực.
- Phối hợp: Vụ Kế hoạch.
1. Mục đích, ý nghĩa
Là chỉ tiêu phản ánh mức độ sử dụng năng lượng cho ngành, lĩnh vực và cho tiêu dùng cuối cùng của hộ gia đình.
2. Khái niệm, nội dung, phương pháp tính
Tiêu thụ năng lượng là lượng năng lượng được sử dụng trong ngành, lĩnh vực hoặc lượng năng lượng tiêu dùng của hộ gia đình trong một thời kỳ nhất định.
Riêng ngành Giao thông vận tải (mã ngành H): Không bao gồm tiêu dùng năng lượng cho ngành hàng hải quốc tế (mã ngành 501); không bao gồm tiêu dùng năng lượng cho ngành hàng không quốc tế (mã ngành 511 và 512 - có phân tổ quốc tế).
Phương pháp tính:
Tổng tiêu thụ năng lượng = Lượng tiêu thụ năng lượng của ngành, lĩnh vực + Lượng tiêu dùng năng lượng của hộ gia đình.
Đơn vị tính: KTOE
3. Phân tổ chủ yếu
- Theo ngành kinh tế, lĩnh vực.
- Theo đối tượng sử dụng.
- Theo loại năng lượng.
4. Kỳ công bố
Năm kế tiếp (năm sau năm báo cáo).
5. Nguồn số liệu
- Bảng cân bằng năng lượng hàng năm do Vụ Tiết kiệm năng lượng và Phát triển bền vững kết hợp với các đơn vị khác lập.
- Các cuộc điều tra thống kê ngành, lĩnh vực Công Thương; Điều tra doanh nghiệp; Điều tra cơ sở sản xuất kinh doanh; các cuộc điều tra hộ gia đình.
6. Cơ quan chịu trách nhiệm thu thập, tổng hợp
- Chủ trì: Vụ Tiết kiệm năng lượng và Phát triển bền vững
- Phối hợp: Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo, Viện Năng lượng.
0113. Suất tiêu hao năng lượng theo sản phẩm
1. Mục đích, ý nghĩa
Suất tiêu hao năng lượng phản ánh lượng điện tiêu thụ tại khu vực sản xuất trong thời gian xác định suất tiêu hao năng lượng.
2. Khái niệm, nội dung, phương pháp tính
Suất tiêu hao năng lượng (SEC) là tổng mức năng lượng tiêu hao để sản xuất ra một đơn vị khối lượng sản phẩm hoặc thể tích sản phẩm.
Suất tiêu hao năng lượng được xác định cụ thể theo ngành. Hiện nay đã có quy định về định mức tiêu hao năng lượng ngành thép, bia nước giải khát, nhựa, giấy, chế biến thủy sản, đường mía.
Phương pháp tính:
Xác định suất tiêu hao năng lượng thực tế của cơ sở theo phương pháp tính được quy định về định mức tiêu hao năng lượng tại các văn bản sau:
- Thông tư số 20/2016/TT-BCT quy định định mức tiêu hao năng lượng trong ngành công nghiệp thép.
- Thông tư số 38/2016/TT-BCT quy định định mức tiêu hao năng lượng trong ngành nhựa.
- Thông tư số 19/2016/TT-BCT quy định định mức tiêu hao năng lượng trong ngành công nghiệp sản xuất bia và nước giải khát.
- Thông tư số 14/2017/TT-BCT quy định định mức tiêu hao năng lượng trong ngành sản xuất giấy.
- Thông tư 52/2018/TT-BCT quy định Quy định định mức tiêu hao năng lượng trong ngành công nghiệp chế biến thủy sản, áp dụng cho quá trình chế biến công nghiệp của các nhóm sản phẩm cá da trơn và tôm.
- Thông tư số 39/2019/TT-BCT quy định định mức tiêu hao năng lượng trong ngành công nghiệp sản xuất đường mía.
Đơn vị tính: Được quy định cụ thể theo ngành tại các văn bản trên.
3. Phân tổ chủ yếu
- Theo tỉnh, thành phố.
- Theo ngành, lĩnh vực.
4. Kỳ công bố
Ngày 30 tháng 9 năm sau.
5. Nguồn số liệu
- Báo cáo của Sở Công Thương các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.
- Báo cáo của doanh nghiệp.
6. Cơ quan chịu trách nhiệm thu thập, tổng hợp
Chủ trì: Vụ Tiết kiệm năng lượng và phát triển bền vững.
0116. Cân đối một số sản phẩm công nghiệp chủ yếu
1. Mục đích, ý nghĩa
Cân đối một số sản phẩm công nghiệp chủ yếu là cơ sở để đánh giá quá trình chu chuyển sản phẩm công nghiệp ở phạm vi quốc gia, phản ánh các yếu tố tạo ra nguồn cung và các yếu tố tiêu dùng sản phẩm công nghiệp; Trên cơ sở đó giúp cho việc xây dựng kế hoạch sản xuất, dự trữ, xuất nhập khẩu và đề ra các chính sách đảm bảo cân đối hợp lý giữa sản xuất và tiêu dùng các sản phẩm công nghiệp.
2. Khái niệm, nội dung, phương pháp tính
Cân đối một số sản phẩm công nghiệp là hệ thống chi tiêu biểu hiện mối quan hệ giữa nguồn cung và tiêu dùng của từng loại sản phẩm công nghiệp của quốc gia trong một thời kỳ nhất định (thường là 1 năm).
Để lập bảng cân đối cho một loại sản phẩm công nghiệp thường phải xác định tổng nguồn cung và tổng cầu trong một thời kỳ nhất định.
Phương pháp tính:
2.1. Tổng nguồn cung
Tổng nguồn cung sản phẩm | = | Chênh lệch tồn kho sản phẩm (yếu tố 1) | + | Sản lượng sản xuất sản phẩm (yếu tố 2) | + | Số lượng nhập khẩu sản phẩm (yếu tố 3) |
(1) Chênh lệch tồn kho
Chênh lệch tồn kho là khả năng sẵn sàng huy động ngay cho nhu cầu nên được tính vào nguồn cung để cân đối với cầu. Tồn kho được tính đầy đủ ở tất cả các khâu của quá trình sản xuất và cung ứng sản phẩm, gồm tồn kho ở khâu sản xuất, khâu cung ứng và cả khâu sử dụng. Đối với những loại sản phẩm sản xuất gắn liền với tiêu thụ, không xác định được lượng tồn kho, thì tồn kho bằng 0.
Tồn kho chỉ được tính vào nguồn phần chênh lệch giữa tồn kho đầu kỳ với tồn kho cuối kỳ. Yếu tố chênh lệch tồn kho được tính bằng cách lấy mức tồn kho đầu kỳ trừ (-) mức tồn kho cuối kỳ, nếu kết quả là dương (+) được cộng vào tổng nguồn cung, nếu âm (-) thì phải trừ bớt trong tổng nguồn cung sản phẩm trong kỳ.
(2) Sản lượng sản xuất
Sản lượng sản xuất là sản lượng sản phẩm được ngành công nghiệp sản xuất ra trong một thời kỳ nhất định. Sản lượng sản xuất được tính vào tổng sản lượng phải là sản phẩm đảm bảo đạt quy cách và phẩm chất đúng tiêu chuẩn kỹ thuật quy định và xong thủ tục nhập kho để tiêu thụ hoặc sẵn sàng cung cấp cho các nhu cầu sử dụng.
Đối với trường hợp đơn vị sản xuất sản phẩm công nghiệp vừa bán ra ngoài, vừa sử dụng sản phẩm như bán thành phẩm cho hoạt động sản xuất khác, cách tính sản lượng sản xuất được quy định như sau:
- Nếu sản xuất thực hiện hoạch toán nhập kho toàn bộ sản phẩm sản xuất được, sau đó mới làm thủ tục xuất kho tiêu thụ cho bên ngoài hoặc sử dụng nội bộ thì lấy theo số liệu nhập kho trong kỳ.
- Nếu chỉ nhập kho sản phẩm bán ra ngoài và không nhập kho sản phẩm sử dụng nội bộ mà cung ứng trực tiếp nơi sản xuất thì sản lượng sản xuất bằng số nhập kho trong kỳ cộng với sản lượng thực tế đã tiêu dùng cho nội bộ đơn vị.
(3) Số lượng nhập khẩu
Số lượng nhập khẩu là toàn bộ lượng sản phẩm được đưa vào một quốc gia trong một thời kỳ nhất định. Để cân đối giữa cung và cầu các sản phẩm công nghiệp, nhiều quốc gia sản xuất trong nước không đủ đáp ứng nhu cầu, cần phải nhập khẩu. Số lượng sản phẩm nhập khẩu phải căn cứ vào hải quan, đó là sản lượng đã hoàn thành thủ tục nhập khẩu tại hải quan cửa khẩu và được đưa về nhập kho trong nước của các đơn vị nhập khẩu hoặc bán thẳng cho đơn vị sử dụng trong nước (Không bao gồm sản phẩm tạm nhập tái xuất).
2.2. Tổng cầu
Tổng cầu sản phẩm | = | Tiêu dùng cho hoạt động sản xuất | + | Tiêu dùng cho hoạt động dịch vụ | Tiêu dùng cho dân cư | + | Tiêu dùng cho hoạt động khác | + | Số lượng sản phẩm xuất khẩu | + | Hao hụt, tổn thất (nếu có) | |
(1) | (2) | (3) | (4) | (5) | (6) |
(1) Tiêu dùng cho hoạt động sản xuất là khối lượng sản phẩm tiêu dùng trực tiếp cho hoạt động sản xuất vật chất như nguyên, nhiên vật liệu đầu vào của hoạt động sản xuất vật chất.
Đối với trường hợp đơn vị sử dụng sản phẩm tự sản xuất được để sản xuất loại sản phẩm khác hoặc chế biến thành sản phẩm khác, cách tính lượng sản phẩm sử dụng được quy định như sau:
+ Nếu đơn vị sản xuất thực hiện hoạch toán nhập kho toàn bộ sản phẩm sản xuất được, sau đó mới làm thủ tục xuất kho để tiếp tục sản xuất thì tính theo số liệu xuất kho đưa vào sản xuất trong kỳ.
+ Nếu đơn vị không nhập kho lượng sản phẩm sử dụng nội bộ mà cung ứng trực tiếp ở nơi sản xuất thì tính theo sản lượng thực tế đã tiêu dùng cho hoạt động sản xuất của nội bộ đơn vị.
(2) Tiêu dùng cho hoạt động dịch vụ là khối lượng sản phẩm tiêu dùng trực tiếp cho các hoạt động dịch vụ kinh doanh vì lợi nhuận, dịch vụ có thu và dịch vụ công của các đơn vị kinh doanh dịch vụ và đơn vị sự nghiệp. Đối với các đơn vị kinh doanh dịch vụ thì phương pháp tính như tiêu dùng cho hoạt động sản xuất; đối với tiêu dùng của các đơn vị sự nghiệp thì khi tính chỉ tiêu này phải căn cứ vào đơn vị sự nghiệp có đủ tư cách pháp nhân như: Bệnh viện, trạm điều dưỡng, trường học, viện nghiên cứu,.... Trong trường hợp một đơn vị sự nghiệp có nhiều hoạt động khác nhau, nếu tính riêng được thì tách cho từng hoạt động, không tách riêng được thì quy ước tính vào hoạt động chính.
(3) Tiêu dùng cho dân cư là khối lượng sản phẩm tiêu dùng trực tiếp phục vụ đời sống của các cá nhân, hộ dân cư.
(4) Sử dụng cho các hoạt động khác là khối lượng tiêu dùng trực tiếp cho các hoạt động khác ngoài 3 nhóm đối tượng trên. Việc tính toán chỉ tiêu này phải căn cứ vào cơ quan, tổ chức có đầy đủ tư cách pháp nhân về sử dụng sản phẩm theo các hợp đồng và khối lượng sản phẩm thực tế tiêu dùng đã thanh toán với đơn vị cung cấp.
(5) Sản phẩm xuất khẩu là toàn bộ khối lượng sản phẩm đã hoàn thành thủ tục hải quan cửa khẩu và được đưa lên phương tiện vận chuyển ra khỏi biên giới quốc gia trong kỳ tính toán. Trường hợp xuất khẩu không qua thủ tục hải quan thì tính theo sản lượng thực tế của các đơn vị trực tiếp bán cho nước ngoài.
(6) Hao hụt, tổn thất tự nhiên là lượng sản phẩm đó bị hao hụt trong quá trình lưu kho, vận chuyển và tiêu dùng theo định mức kỹ thuật. Những hao hụt này được xác định trước theo các định mức cho phép.
3. Phân tổ chủ yếu
- Phân theo loại sản phẩm.
- Phân theo doanh nghiệp thuộc Bộ.
4. Kỳ công bố
Năm.
5. Nguồn số liệu
- Chế độ báo cáo thống kê áp dụng đối với Tập đoàn, Tổng Công ty, Công ty thuộc Bộ.
- Điều tra thống kê doanh nghiệp đối với ngành, lĩnh vực công nghiệp.
6. Cơ quan chịu trách nhiệm thu thập, tổng hợp
- Chủ trì: Vụ Dầu khí và Than, Vụ Tiết kiệm năng lượng và Phát triển bền vững, Vụ Thị trường trong nước, Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo, Cục Điều tiết điện lực, Cục Công nghiệp, Cục Hóa chất.
- Phối hợp: Vụ Kế hoạch.
7. Cân đối một số sản phẩm cụ thể
7.1. Điện
Điện là một dạng năng lượng đặc biệt tồn tại dưới hình thái phi vật thể, không thể dự trữ và tồn kho bằng chính nó mà chỉ có thể tồn tại ở một dạng khác. Chỉ tiêu năng lượng điện được phản ánh dưới dạng điện sản xuất tức là phản ánh nguồn cung của điện còn phản ánh dưới dạng điện tiêu dùng (hay điện tiêu thụ) là phản ánh nhu cầu tiêu thụ điện. Vì vậy, về chỉ tiêu điện có chỉ tiêu điện sản xuất và điện tiêu thụ (hay còn gọi là điện thương phẩm).
7.1.1. Điện sản xuất
7.1.1.1. Mục đích, ý nghĩa
Điện sản xuất là sản phẩm quan trọng trong bảng cân đối cung cầu năng lượng, phản ánh lượng điện sản xuất ra của toàn hệ thống để đáp ứng mức độ tiêu dùng điện cuối cùng trực tiếp cho toàn xã hội. Chỉ tiêu này là căn cứ để lập bảng cân đối giữa sản xuất, tiêu dùng và dự trữ cho từng nguồn năng lượng khác nhau, đồng thời, giúp cho quản lý, sử dụng tiết kiệm, hợp lý từng nguồn năng lượng quốc gia. Chỉ tiêu này cũng là cơ sở để xây dựng quy hoạch, chiến lược phát triển năng lượng quốc gia, chiến lược cụ thể cho từng ngành, cho từng thời kỳ và các chính sách phát triển cho từng nguồn năng lượng quốc gia theo hướng bền vững; đảm bảo cân đối hợp lý giữa sản xuất - tiêu dùng cũng như xuất, nhập khẩu điện nói riêng và xuất nhập khẩu năng lượng nói chung; là căn cứ để xây dựng đề án quy hoạch phát triển điện lực quốc gia trong từng giai đoạn quy hoạch.
7.1.1.2. Khái niệm, nội dung, phương pháp tính
Điện sản xuất là sản lượng điện được sản xuất ra và được đo trên đầu máy phát qua đồng hồ đo đếm của từng tổ máy và tổng hợp lại cho từng nhà máy đã được tách phân điện tự dùng và điện tổn thất trên máy biến áp của nhà máy (ở đây được gọi là điện xuất tuyến).
Điện sản xuất phản ánh khả năng cung cấp điện của hệ thống; điện thương phẩm phản ánh nhu cầu tiêu dùng điện của xã hội. Vì vậy, hai chỉ tiêu này phản ánh về hai mặt cung - cầu điện của toàn xã hội.
Điện sản xuất từ nhiều nguồn khác nhau như: Nhiệt điện (Than, dầu, khí, LNG); thủy điện; điện từ các nguồn năng lượng tái tạo (Năng lượng mặt trời, năng lượng gió, năng lượng thủy triều/sóng biển, năng lượng sinh khối); điện hạt nhân;....
* Một số khái niệm, về các nguồn điện chính như sau:
- Năng lượng nước (Thủy năng) là nguồn năng lượng từ các dòng nước lưu động là một giải pháp sản sinh điện năng sạch và hiệu quả. Nước tràn xuống từ đập nhà máy thủy điện làm quay tuốc bin nối với máy phát điện. Năng lượng sản sinh ra sau đó được phân bổ tới những mạng lưới điện lớn, phục vụ đời sống con người.
- Năng lượng gió (Phong năng) là động năng của không khí di chuyển trong bầu khí quyển Trái Đất. Năng lượng gió là một hình thức gián tiếp của năng lượng mặt trời. Năng lượng gió mô tả quá trình mà gió đã được sử dụng để tạo ra năng lượng cơ học hoặc điện. Tua bin gió chuyển đổi năng lượng động lực trong gió thành năng lượng cơ học. Năng lượng cơ học này có thể được sử dụng cho nhiệm vụ cụ thể (chẳng hạn như xay ngũ cốc hoặc bơm nước) hoặc cho một máy phát điện (có thể chuyển đổi năng lượng cơ học thành điện, nhà máy điện).
- Năng lượng mặt trời (Quang năng) là ánh sáng và bức xạ nhiệt từ mặt trời, đã được con người khai thác từ xưa bằng cách sử dụng một loạt các công nghệ và ngày càng phát triển cao hơn. Có thể khai thác năng lượng mặt trời để sử dụng cho các mục đích như: Đun nước nóng, phát điện, các dạng ứng dụng cho sấy, đun nấu... Các ứng dụng năng lượng mặt trời gồm: Nước nóng năng lượng mặt trời, chiếu sáng, năng lượng mặt trời nấu ăn, nước sạch thông qua chưng cất và tẩy uế, điện năng lượng mặt trời, không gian sưởi ấm và làm mát thông qua kiến trúc năng lượng mặt trời, quá trình tích nhiệt độ cao cho mục đích công nghiệp, điện năng lượng mặt trời dựa trên các động cơ nhiệt và tế bào quang điện.
- Năng lượng hạt nhân là nguồn năng lượng thay thế có được bằng một trong hai cách: Phân rã hạt nhân các nguyên tử (Nuclear fission: Sự phân hạch) hoặc kết hợp hạt nhân các nguyên tử (Nuclear fusion: Sự tổng hợp hạt nhân). Nhà máy điện hạt nhân sử dụng lò phản ứng hạt nhân, trong đó xảy ra sự phân tách các nguyên tử uranium hoặc plutonium, nhằm điều khiển phản ứng phân hạch. Nhiệt năng giải phóng từ phản ứng phân hạch được thu lại và được sử dụng để sản sinh ra điện năng.
- Năng lượng địa nhiệt là dạng năng lượng tự nhiên sản sinh ra từ lòng đất và giải phóng ra ngoài nhờ hoạt động của các núi lửa, suối nước nóng hay giếng phun ở khắp nơi trên thế giới. Các nguồn nước nóng hoặc hơi ngầm dưới lòng đất có thể được tiếp cận nhờ việc khoan sâu qua tầng đá. Nước được hâm nóng tự nhiên có thể được sử dụng để làm nóng các tòa nhà, trong khi hơi làm quay tuốc bin trong nhà máy nhiệt điện.
- Năng lượng thuỷ triều và nhiệt năng biển được khai thác từ sự thay đổi của thủy triều lên xuống hàng ngày. Lợi dụng dòng thủy triều người ta sẽ lắp đặt hệ thống thiết bị sản xuất điện. Hiện nay, có 2 loại công nghệ khai thác đang được áp dụng tại các nước trên thế giới để khai thác hiệu quả nguồn năng lượng này là khai thác dựa vào động năng dòng chảy thủy triều và công nghệ khai thác dựa vào thế năng của thủy triều. Với công nghệ khai thác dựa vào thế năng của thủy triều, người ta phải xây dựng hồ chứa và lợi dụng quy luật triều lên xuống để tạo ra sự chênh lệch cột nước tĩnh của khối lượng nước trong hồ và ngoài biển hoặc ngược lại. Khi đó sử dụng các tuabin nước để phát điện. Đến nay, một số nơi trên thế giới đã triển khai hệ thống máy phát điện sử dụng năng lượng thủy triều.
- Năng lượng sinh khối: Một phần sinh khối (Tổng lượng động thực vật và vi sinh vật trên một đơn vị diện tích) có thể được sử dụng như nhiên liệu sản sinh ra nhiệt năng. Gỗ, cây trồng, phế phẩm nông nghiệp, khoáng vật hay vật phẩm từ động vật là những bộ phận của sinh khối. Sinh khối trong rác thải có thể được đốt cháy để tạo ra nhiệt năng hoặc phân hủy thành mêtan (một loại khí tự nhiên). Mêtan có thể chuyển thành nhiên liệu lỏng là Methanol, còn Ethanol được lên men từ những cây trồng như mía hay cây lúa miến (Sorghum).
- Những nguồn năng lượng thay thế khác bao gồm khí hydro và pin nhiên liệu (Fuel cell).
Khí hydro là nguồn nhiên liệu tiềm năng cho ô tô cũng như trong lĩnh vực sưởi ấm các tòa nhà và sản sinh điện năng. Mặc dù hydro không có sẵn dưới dạng đơn chất trong tự nhiên nhưng con người vẫn có thể tạo ra nó nhờ phản ứng điện phân nước. Điều bất cập trong sử dụng hydro làm nhiên liệu ô tô là khả năng dễ bắt lửa của nó.
Pin nhiên liệu là bộ máy sản sinh ra điện nhờ phản ứng giữa khí oxi và hydro. Loại pin này được sử dụng trong tàu vũ trụ, và là nguồn năng lượng thay thế tiềm năng cho việc chạy ô tô cũng như sưởi ấm các tòa nhà.
* Đơn vị tính khối lượng điện hay tính lượng điện sản xuất:
Điện sản xuất được tính theo đơn vị tự nhiên của năng lượng điện cụ thể được tính bằng W/h.
* Phương pháp tính điện sản xuất:
Sản lượng điện sản xuất = Tổng sản lượng điện xuất tuyến của các nhà máy sản xuất điện từ các nguồn khác nhau.
Sản lượng điện xuất tuyến của các nhà máy được tính trên đồng hồ đo sản lượng tại nơi sản xuất chuyển qua cho tiêu thụ.
7.1.13. Phân tổ chủ yếu
- Phân theo nguồn điện sản xuất.
- Phân theo đơn vị sản xuất điện.
7.1.2. Điện thương phẩm
7.1.2.1. Mục đích, ý nghĩa
Điện thương phẩm là sản phẩm phản ánh mức độ tiêu dùng điện cuối cùng trực tiếp của toàn xã hội. Chỉ tiêu này là căn cứ để lập bảng cân đối giữa sản xuất, tiêu dùng và dự trữ cho từng nguồn năng lượng khác nhau, đồng thời, giúp cho quản lý, sử dụng tiết kiệm, hợp lý từng nguồn năng lượng quốc gia. Chỉ tiêu này cũng là cơ sở để xây dựng quy hoạch, chiến lược phát triển năng lượng quốc gia, chiến lược cụ thể cho từng ngành, cho từng thời kỳ và các chính sách phát triển cho từng nguồn năng lượng quốc gia theo hướng bền vững; đảm bảo cân đối hợp lý giữa sản xuất - tiêu dùng cũng như xuất, nhập khẩu điện nói riêng và xuất nhập khẩu năng lượng nói chung; là căn cứ để xây dựng đề án quy hoạch phát triển điện lực quốc gia trong từng giai đoạn quy hoạch.
7.1.2.2. Khái niệm, nội dung, phương pháp tính
Điện thương phẩm là lượng điện đã tiêu dùng của toàn xã hội được tính cho một thời kỳ nhất định.
Điện thương phẩm được tính trên cơ sở điện suất trừ đo tổn thất trong quá trình truyền tải điện và phân phối do tổn thất trong hệ thống điện gồm tổn thất lưới truyền tải, lưới phân phối (gồm đường dây và trạm biến áp).
Điện thương phẩm khác với điện sản xuất. Từ điện xuất tuyến phải trừ đi phần hao hụt, tổn thất trong quá trình truyền tải điện trên đường dây mới ra được điện thương phẩm.
* Phương pháp tính
Điện thương phẩm = Tổng lượng điện tiêu thụ trên công tơ của tất cả các khách hàng trong từng thời kỳ.
Điện thương phẩm thường được thu thập hàng tháng. Từ công tơ của các khách hàng, các Công ty điện lực quản lý trực tiếp các khách hàng tổng hợp lại sẽ ra điện thương phẩm của các công ty điện lực; sau đó các Tổng công ty điện lực trên cơ sở báo cáo của các Công ty điện lực trực thuộc sẽ tổng hợp thành số liệu điện thương phẩm của các Tổng công ty điện lực. Cuối cùng các Tổng công ty điện lực báo cáo lên cho Tập đoàn Điện lực Việt Nam để tổng hợp thành sản lượng điện thương phẩm của toàn quốc.
7.1.2.3. Phân tổ chủ yếu
- Phân theo hộ sử dụng điện.
- Phân theo đơn vị tiêu thụ điện.
7.2. Than sạch
7.2.1. Mục đích, ý nghĩa
Là sản phẩm phản ánh khả năng cung cấp than phục vụ cho nhu cầu của nền kinh tế cũng như xã hội từ nguồn khai thác trong nước. Chỉ tiêu này là căn cứ để lập bảng cân đối giữa sản xuất, tiêu dùng và dự trữ cho từng nguồn năng lượng khác nhau, đồng thời, giúp cho quản lý, sử dụng tiết kiệm, hợp lý từng nguồn năng lượng quốc gia. Chỉ tiêu này cũng là cơ sở để xây dựng quy hoạch, chiến lược phát triển năng lượng quốc gia, chiến lược cụ thể cho từng ngành, cho từng thời kỳ và các chính sách phát triển cho từng nguồn năng lượng quốc gia theo hướng bền vững; đảm bảo cân đối hợp lý giữa sản xuất - tiêu dùng cũng như xuất, nhập khẩu than nói riêng và xuất nhập khẩu năng lượng nói chung; là căn cứ để xây dựng đề án quy hoạch phát triển ngành than trong từng giai đoạn quy hoạch.
7.2.2. Khái niệm, nội dung, phương pháp tính
Than sạch là các loại than sau quá trình khai thác sàng tuyển hoặc chế biến tại tất cả các cơ sở khai thác, chế biến trong nước đạt các chỉ tiêu chất lượng yêu cầu về kỹ thuật đã quy định và được sử dụng trong các ngành kinh tế được tính cho một thời kỳ nhất định.
Than sạch (than cứng) được hiểu là than thương phẩm bao gồm các loại than cục, than cám, than không phân cấp đạt các yêu cầu về kỹ thuật theo tiêu chuẩn Việt Nam 8910:2011 được sản xuất trong năm.
- Than cục là các loại than có kích thước lớn hơn kích thước giới hạn dưới và nhỏ hơn kích thước giới hạn trên.
- Than không phân cấp là các loại than có kích thước giới hạn trên lớn (100mm đến 200mm) và không có giới hạn dưới.
- Than cám là các loại than có kích thước nhỏ hơn giới hạn trên (nhỏ hơn 25mm) và không có giới hạn dưới.
- Than bùn tuyển là các loại than cấp hạt mịn phát sinh trong quá trình tuyển ướt được cô đặc, lọc tách bớt nước.
* Phương pháp tính
Than sạch = Tổng sản lượng than đã khai thác được sàng tuyển, phân loại của tất cả các mỏ khai thác than.
7.2.3. Phân tổ chủ yếu
- Phân theo loại than.
- Phân theo khu vực tiêu dùng than.
7.3. Dầu thô
7.3.1. Mục đích, ý nghĩa
Là sản phẩm phản ánh khả năng cung cấp dầu thô cho nhu cầu của nền kinh tế cũng như xã hội. Chỉ tiêu này là căn cứ để lập bảng cân đối giữa sản xuất, tiêu dùng và dự trữ cho từng nguồn năng lượng khác nhau, đồng thời, giúp cho quản lý, sử dụng tiết kiệm, hợp lý từng nguồn năng lượng quốc gia. Chỉ tiêu này cũng là cơ sở để xây dựng quy hoạch, chiến lược phát triển năng lượng quốc gia, chiến lược cụ thể cho từng ngành, cho từng thời kỳ và các chính sách phát triển cho từng nguồn năng lượng quốc gia theo hướng bền vững; đảm bảo cân đối hợp lý giữa sản xuất - tiêu dùng cũng như xuất, nhập khẩu dầu thô nói riêng và xuất nhập khẩu năng lượng nói chung; là căn cứ để xây dựng các đề án quy hoạch phát triển trong lĩnh vực thăm dò, khai thác và chế biến dầu khí của ngành dầu khí trong từng giai đoạn quy hoạch.
7.3.2. Khái niệm, nội dung, phương pháp tính
Là sản lượng của hydrocarbon ở thể lỏng trong trạng thái tự nhiên, asphalt, ozokerite và hydrocarbon lỏng thu được từ khí thiên nhiên bằng phương pháp ngưng tụ hoặc chiết xuất từ các nguồn trong nước được tính cho một thời kỳ nhất định.
Chỉ tiêu dầu thô bao gồm toàn bộ hydrocarbon ở thể lỏng trong trạng thái tự nhiên, asphalt, ozokerite và hydrocarbon lỏng thu được từ khí thiên nhiên bằng phương pháp ngưng tụ hoặc chiết xuất trong quá trình khai thác ở các mỏ của Việt Nam; không bao gồm các loại dầu thô nhập khẩu về các nhà máy lọc hóa dầu để chế biến và sản lượng dầu thô khai thác được từ các mỏ ở nước ngoài.
Sản lượng dầu thô = Tổng sản lượng dầu thô khai thác được từ tất cả các mỏ trong nước.
7.3.3. Phân tổ chủ yếu
- Phân theo loại dầu thô.
- Phân theo mỏ khai thác.
7.4. Khí hóa lỏng
7.4.1. Mục đích, ý nghĩa
Là sản phẩm phản ánh khả năng cung cấp khí cho nhu cầu của nền kinh tế cũng như xã hội. Chỉ tiêu này là căn cứ để lập bảng cân đối giữa sản xuất, tiêu dùng và dự trữ cho từng nguồn năng lượng khác nhau, đồng thời, giúp cho quản lý, sử dụng tiết kiệm, hợp lý từng nguồn năng lượng quốc gia. Chỉ tiêu này cũng là cơ sở để xây dựng quy hoạch, chiến lược phát triển năng lượng quốc gia, chiến lược cụ thể cho từng ngành, cho từng thời kỳ và các chính sách phát triển cho từng nguồn năng lượng quốc gia theo hướng bền vững; đảm bảo cân đối hợp lý giữa sản xuất - tiêu dùng cũng như xuất, nhập khẩu khí nói riêng và xuất nhập khẩu năng lượng nói chung; là căn cứ để xây dựng các đề án quy hoạch phát triển ngành khai thác và chế biến dầu khí trong từng giai đoạn quy hoạch.
7.4.2. Khái niệm, nội dung, phương pháp tính
Khí hóa lỏng là sản lượng hỗn hợp chủ yếu của Propane (công thức hóa học: C3H8) và Butane (công thức hóa học: C4H10) có nguồn gốc từ dầu mỏ, tên tiếng Anh: Liquefied Petroleum gas (viết tắt là LPG). Tại nhiệt độ, áp suất bình thường, LPG ở thể khí; khi được nén đến một áp suất, nhiệt độ nhất định thì LPG chuyển sang thể lỏng. LPG được tồn chứa tại các bồn bể cố định, xe bồn hoặc tàu thủy chuyên dụng hoặc đường ống. LPG được sản xuất trong nước, dùng làm chất đốt, nhiên liệu động cơ, nguyên liệu phục vụ sản xuất, dân sinh được tính trong một thời kỳ nhất định.
Trong chỉ tiêu này, sản lượng LPG bao gồm toàn bộ sản phẩm được sản xuất trong nước; không bao gồm các nguồn nhập khẩu và các loại khí sinh học được sản xuất từ khí Biogas.
7.4.3. Phân tổ chủ yếu
- Phân theo loại khí.
- Phân theo khu vực tiêu dùng khí.
7.5. Xăng
7.5.1. Mục đích ý nghĩa
Là sản phẩm phản ánh khả năng cung cấp xăng cho nhu cầu phát triển kinh tế và tiêu dùng của xã hội. Chỉ tiêu này là căn cứ để lập bảng cân đối giữa sản xuất, tiêu dùng và dự trữ cho từng nguồn năng lượng khác nhau, đồng thời, giúp cho quản lý, sử dụng tiết kiệm, hợp lý từng nguồn năng lượng quốc gia. Chỉ tiêu này cũng là cơ sở để xây dựng quy hoạch, chiến lược phát triển năng lượng quốc gia, chiến lược cụ thể cho từng ngành, cho từng thời kỳ và các chính sách phát triển cho từng nguồn năng lượng quốc gia theo hướng bền vững; đảm bảo cân đối hợp lý giữa sản xuất - tiêu dùng cũng như xuất, nhập khẩu xăng dầu nói riêng và xuất nhập khẩu năng lượng nói chung; là căn cứ để xây dựng các đề án quy hoạch phát triển lĩnh vực chế biến của ngành dầu khí trong từng giai đoạn quy hoạch.
7.5.2. Khái niệm, nội dung phương pháp tính
Là sản lượng sản phẩm của quá trình lọc dầu thô và sản phẩm Bio - Ethanol được trộn vào xăng thành phẩm thành xăng sinh học sản xuất trong nước. Xăng dầu được dùng làm nhiên liệu gồm: Xăng động cơ, nhiên liệu bay và các sản phẩm khác dùng làm nhiên liệu động cơ (không bao gồm các loại khí hoá lỏng, dầu điezen, dầu hoả, dầu madút) được tính trong một thời kỳ nhất định.
Xăng trong nước sản xuất có 2 loại là xăng không chì và xăng E5. Ngoài ra còn có các loại xăng nhẹ phục vụ cho các nhu cầu khác nhau (Xăng máy bay...).
- Xăng không chì là hỗn hợp bay hơi của các hydrocacbon lỏng có nguồn gốc từ dầu mỏ với khoảng nhiệt độ sôi thông thường từ 15 °C đến 215 °C, thường có chứa lượng nhỏ phụ gia phù hợp, nhưng không pha chì, sử dụng làm nhiên liệu cho động cơ đốt trong.
- Xăng E5 là hỗn hợp của xăng không chì và etanol nhiên liệu biến tính với hàm lượng etanol từ 4% đến 5% theo thể tích, ký hiệu là E5.
- Etanol nhiên liệu biến tính là etanol có công thức C2H5OH được pha thêm các chất biến tính để sử dụng pha chế trong nhiên liệu cho động cơ xăng và không được sử dụng cho mục đích chế biến đồ uống.
- Chất biến tính sử dụng cho etanol nhiên liệu: Xăng không chì hoặc naphta, không chứa các hợp chất keton, được dùng để pha thêm vào etanol, làm cho etanol trở thành etanol biến tính để sử dụng làm nhiên liệu và không sử dụng cho mục đích chế biến đồ uống.
Chỉ tiêu này được tính bởi tất cả các loại xăng được sản xuất từ các nhà máy lọc dầu và các nhà máy sản xuất xăng sinh học Bio - Ethanol trong nước; không bao gồm các sản phẩm được nhập khẩu từ các nguồn khác.
Xăng sinh học Bio - Ethanol được trộn vào xăng thành phẩm sử dụng làm nhiên liệu cho động cơ nhằm tăng thêm số octane và giảm thiểu ô nhiễm môi trường.
Sản lượng xăng = Tổng sản lượng xăng chế biến từ các nhà máy lọc hóa dầu trong nước + Phần Bio - Ethanol được pha chế vào xăng thành phẩm để làm xăng sinh học.
Hiện nay, xăng sinh học đang được pha trộn với tỷ lệ 3% và 5% (hay còn gọi là xăng E3, E5).
7.5.3. Phân tổ chủ yếu
- Phân theo loại xăng.
- Phân theo khu vực tiêu dùng xăng.
7.6. Dầu
7.6.1. Mục đích, ý nghĩa
Là sản phẩm phản ánh khả năng cung cấp dầu cho nhu cầu phát triển kinh tế và tiêu dùng của xã hội. Chỉ tiêu này là căn cứ để lập bảng cân đối giữa sản xuất, tiêu dùng và dự trữ cho tổng nguồn năng lượng khác nhau, đồng thời, giúp cho quản lý, sử dụng tiết kiệm, hợp lý từng nguồn năng lượng quốc gia. Chỉ tiêu này cũng là cơ sở để xây dựng quy hoạch, chiến lược phát triển năng lượng quốc gia, chiến lược cụ thể cho từng ngành, cho từng thời kỳ và các chính sách phát triển cho từng nguồn năng lượng quốc gia theo hướng bền vững; đảm bảo cân đối hợp lý giữa sản xuất - tiêu dùng cũng như xuất, nhập khẩu dầu nói riêng và xuất nhập khẩu năng lượng nói chung; là căn cứ để xây dựng các đề án quy hoạch phát triển lĩnh vực chế biến xăng dầu của ngành dầu khí trong từng giai đoạn quy hoạch.
7.6.2. Khái niệm, nội dung, phương pháp tính
Là sản lượng sản phẩm của quá trình lọc dầu thô trong nước được dùng làm nhiên liệu gồm: Dầu điezen, dầu hoả, dầu madút, các sản phẩm khác dùng làm nhiên liệu động cơ (không bao gồm các loại xăng và khí hoá lỏng) được tính trong một thời kỳ nhất định.
- Dầu điezen là phần cất giữa của dầu mỏ, phù hợp để sử dụng làm nhiên liệu cho động cơ điezen, làm việc theo nguyên lý cháy do nén dưới áp suất cao trong xilanh, ký hiệu là dầu DO.
- Dầu điezen B5 là hỗn hợp của nhiên liệu điezen và nhiên liệu điezen sinh học gốc với hàm lượng este metyhaxit béo (FAME) từ 4% đến 5% theo thể tích, ký hiệu là B5.
- Nhiên liệu điezen sinh học gốc là nhiên liệu được chuyển hóa từ nguyên liệu sinh học (dầu thực vật hoặc mỡ động vật) có thành phần chính là các mono- alkyl este của axit béo mạch dài, chưa pha trộn với các loại nhiên liệu khác, để sử dụng làm nhiên liệu cho động cơ điezen, ký hiệu là B100.
Chỉ tiêu này được tính chung cho tất cả các loại dầu gồm: Dầu điezen, dầu hoả, dầu madút, các sản phẩm khác dùng làm nhiên liệu động cơ (không bao gồm các loại xăng và khí hóa lỏng) và chỉ tính cho sản lượng dầu được sản xuất trong nước; không tính các loại dầu nhập khẩu từ các nguồn nước ngoài.
Sản lượng dầu = Tổng sản lượng dầu các loại được chế biến từ các nhà máy lọc hóa dầu trong nước.
7.6.3. Phân tổ chủ yếu
- Phân theo loại dầu.
- Phân theo khu vực tiêu dùng dầu.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét